26/03/2017 09:31 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long loay hoay với... rác

SƠN LÂM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG
SƠN LÂM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG

TTO - Rác đang là bài toán nan giải đối với nhiều tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do các dự án ì ạch cũng như việc xử lý không được như mong muốn.

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt của Công ty Phương Thảo ở Vĩnh Long - Ảnh: Bảo Liên
Nhà máy xử lý rác sinh hoạt của Công ty Phương Thảo ở Vĩnh Long - Ảnh: Bảo Liên

Trong khi đó, áp lực xử lý rác ngày càng gia tăng khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.

Tình hình này đang khiến nhiều địa phương “đau đầu”.

Có nhà máy nhưng quá tải

Tỉnh Vĩnh Long là một trong số ít địa phương có nhà máy xử lý rác thải đầu tiên của vùng ĐBSCL. Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo được xây dựng xong cuối năm 2011, nhưng phải “trùm mền” đến tháng 4-2013 mới hoạt động và đến tháng 10-2013 tiếp tục đóng cửa.

Nguyên nhân ngừng hoạt động lúc bấy giờ được phía Công ty Phương Thảo cho là do mức giá xử lý rác mà phía Vĩnh Long đưa ra quá thấp so với mức giá bình quân, mãi đến tháng 5-2015 mới thỏa thuận đưa nhà máy hoạt động trở lại.

Từ cuối năm 2013, khi nhà máy rác ngừng hoạt động để yêu cầu thỏa thuận giá cả, đến đầu năm 2016 là thời gian gần như khủng hoảng rác ở Vĩnh Long.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long, vào giữa tháng 8-2015, bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh 2ha có sức chứa khoảng 86.000 tấn đưa vào tiếp nhận rác từ tháng 7-2012 và hiện đã chứa hơn 80.000 tấn rác.

Với khối lượng rác tiếp nhận trung bình 120 tấn/ngày từ TP Vĩnh Long và 6 huyện, thị của tỉnh thì cuối năm 2015, bãi rác khó có khả năng tiếp nhận thêm rác. Tình trạng ô nhiễm do bãi rác ứ đọng cũng bắt đầu lan rộng ra xung quanh.

Còn tại Long An, khu vực quanh Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Tâm Sinh Nghĩa cũng phải chịu ô nhiễm một thời gian dài vì... thiếu lò đốt.

Theo đăng ký, nhà máy này tiếp nhận, phân loại rác, một phần tái chế phế liệu nhựa và một phần làm phân hữu cơ.

Tuy nhiên, đến nay công đoạn làm phân hữu cơ vẫn chưa được thực hiện tại đây, công ty phải chuyển về nhà máy ở Củ Chi (TP.HCM) để ủ phân hữu cơ. Phần còn lại không tái sử dụng được đưa vào lò đốt tiêu hủy.

Từ năm 2012-2014, Tâm Sinh Nghĩa đưa vào vận hành tiếp nhận và xử lý rác từ TP Tân An, huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ với 100-120 tấn/ngày, sau khi phân loại chất thải không tái chế được đưa vào lò đốt công suất xử lý 130 tấn/ngày.

Tuy nhiên đến giai đoạn từ năm 2015-2016, khi nhà máy tiếp tục nhận rác thải sinh hoạt thêm từ các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Tân Thạnh với tổng khối lượng 160-180 tấn/ngày thì lò đốt không đủ công suất xử lý.

Rác ngày càng dồn ứ, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục ngàn tấn rác đã chất cao như núi.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Khởi - giám đốc Sở Tài chính Cà Mau - cho biết tỉnh đã quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý rác tại TP Cà Mau, các huyện Cái Nước, Đầm Dơi và U Minh nhưng chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Hiện tại, Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý là đơn vị duy nhất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại TP Cà Mau. Hiện nay, lượng rác thải nhà máy xử lý đạt 70% công suất.

Theo ông Khởi, hiện ngân sách tỉnh trả cho Công ty Công Lý là 350.000 đồng/tấn rác. Theo thẩm định của các cơ quan chuyên môn, để xử lý 1 tấn rác cần chi phí 460.000 đồng.

Trong quá trình xử lý rác, nhà máy sản xuất ra phân compost và bán phân để bù chi phí. Thế nhưng từ khi hoạt động đến nay, lượng phân sản xuất ra chưa bán được.

Do vận hành nhà máy rác luôn trong tình trạng lỗ nên nhà đầu tư đã có ý định bàn giao lại nhà máy cho tỉnh quản lý. Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục pháp lý nên tỉnh Cà Mau không nhận.

Lò đốt rác y tế tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã ngưng hoạt động từ cuối tháng 6-2016 - Ảnh: Thái Lũy
Lò đốt rác y tế tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã ngưng hoạt động từ cuối tháng 6-2016 - Ảnh: Thái Lũy


Vẫn là... chôn lấp

Tại TP Cần Thơ - đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL, tình hình cũng không khá hơn vì đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải. Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện lượng rác thải toàn TP khoảng 650 tấn/ngày và được xử lý đốt ở ba nơi.

Cụ thể, lò đốt ở quận Thốt Nốt xử lý khoảng 80 tấn/ngày, lò đốt của Cờ Đỏ khoảng 60 tấn/ngày và lò đốt ở quận Ô Môn 250 tấn/ngày, phần còn lại mang đi chôn lấp. Do quá tải, nạn ô nhiễm vẫn xảy ra hằng ngày tại bãi rác Ô Môn.

Bao năm nay vì quá bức xúc, người dân vẫn ra đường chặn xe rác vào bãi đổ Ô Môn, sau đó được chính quyền hứa giải quyết triệt để nhưng rồi tình trạng ô nhiễm tái diễn.

Trước thực trạng này, đầu tháng 3-2017 Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình xử lý rác tại khu xử lý chất thải rắn Ô Môn của Công ty TNHH MTV Ecotech Cần Thơ, đảm bảo lượng rác tiếp nhận vào phải được xử lý hết, không để tồn đọng rác.

Trường hợp Công ty Ecotech Cần Thơ xử lý rác gây ô nhiễm môi trường thì xử lý theo đúng quy định.

Tuy nhiên đến thời điểm này, lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ cho biết vẫn chưa xử lý xong tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Ô Môn.

Dự án nhà máy rác thải công suất 400 tấn/ngày của TP (dự kiến khởi công trong tháng 3-2017 do Công ty TNHH China Everbright quốc tế đầu tư tại khu xử lý chất thải rắn của huyện Thới Lai) vẫn đang trong giai đoạn trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định, phê duyệt, chưa được khởi công trên thực tế.

Vì vậy trước mắt TP vẫn thực hiện việc đốt và chôn lấp rác tại những khu xử lý rác nêu trên.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) cho rằng đến nay mà cả ĐBSCL, kể cả TP Cần Thơ, chưa có được nhà máy xử lý rác thải nào hiện đại, mà chủ yếu mang đi chôn lấp hoặc đốt là quá chậm trễ.

Theo ông Tuấn, TP Cần Thơ đã có nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện công suất 400 tấn/ngày trong khi lượng rác thải của TP là 650 tấn/ngày, vì vậy song song với nhà máy sắp khởi công, TP cần tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác bởi có thêm nhà máy mới xử lý hết lượng rác thải ra hằng ngày của TP, hơn nữa khi một nhà máy có sự cố thì còn có nhà máy dự phòng.

Về tầm nhìn chung, ngoài TP Cần Thơ có lượng rác lớn cần có nhà máy xử lý riêng, các địa phương còn lại nếu có điều kiện thì mỗi tỉnh xây dựng một nhà máy riêng, hoặc vài ba tỉnh liên kết cùng làm một nhà máy.

“Ví dụ Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu có thể làm một nhà máy ở Sóc Trăng. Lâu nay toàn nói liên kết vùng, mà xử lý rác đang rất bức bách thì không liên kết” - ông Tuấn đề xuất.

Phú Quốc vẫn đang kêu gọi đầu tư

Bà Võ Thị Vân, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, cho biết theo quy hoạch, Kiên Giang sẽ phải có thêm ít nhất 4 nhà máy rác: một cho đảo Phú Quốc, một cho các huyện vùng tây Sông Hậu (gồm các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao), một cho các huyện vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) và một cho khu vực thị xã Hà Tiên cùng các huyện Kiên Lương, Giang Thành.

Trong đó, nhà máy xử lý rác thải cho đảo du lịch Phú Quốc vẫn đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Nhà máy xử lý rác hiện có được đặt tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất.

Nhà máy này xử lý rác chủ yếu cho đô thị trung tâm của Kiên Giang là TP Rạch Giá, các huyện Hòn Đất, Châu Thành và một phần huyện Tân Hiệp với tổng công suất khoảng 200 tấn rác/ngày đêm.

Do thiếu nhà máy xử lý rác, nên tại nhiều địa phương rác thải nói chung được gom về các bãi rác lộ thiên, thường nằm trên các trục giao thông chính.

KHOA NAM

SƠN LÂM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên