Phóng to |
Hướng dẫn khai hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH năm 2011 tại Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng |
Chiều 8-4, tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ, học sinh khối 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) đến “Bảng kiểm dò hồ sơ ĐKDT năm 2011” dán đối diện phòng học vụ để xem lại thông tin hồ sơ ĐKDT của mình.
Thí sinh "thực tế" hơn
Nhìn vào bảng kiểm dò này có thể thấy hồ sơ ĐKDT của thí sinh vào các trường như sau: Trường ĐH Hoa Sen (149 hồ sơ), Trường ĐH Tài chính - marketing (137), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (120), Trường ĐH Sài Gòn (112), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (73)... Một cán bộ giáo vụ cho biết đã nhận được khoảng 2.000 hồ sơ ĐKDT của 800 học sinh lớp 12 trong trường. “Năm nay thí sinh có xu hướng chọn trường vừa sức hơn - cán bộ này nhận định - Chẳng hạn những năm trước số lượng hồ sơ thi vào những trường có điểm chuẩn khá cao như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng... khoảng 70-80 hồ sơ thì năm nay chỉ 40-50 hồ sơ”.
Căn cứ trên số lượng hồ sơ ĐKDT tại một số trường THPT cho thấy hồ sơ phân tán ra nhiều trường chứ không dồn vào một số trường như những năm gần đây. Cô Nguyễn Thị Hồng Minh, cán bộ giáo vụ Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền
(TP.HCM), nhận định lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường tốp trên tăng nhẹ so với năm 2010. Khối ngành kinh tế vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn nhất khi chiếm đến 42% tổng số hồ sơ ĐKDT. Cô Hồng Minh cũng cho biết năm nay lượng hồ sơ ĐKDT vào nhóm ngành kinh tế phân tán ra nhiều trường hơn so với năm trước.
Tại Trường THPT Gia Định (TP.HCM), cô Nguyễn Thị Phượng - cán bộ phụ trách tuyển sinh - cho biết bộ phận tuyển sinh đã nhận được 1.400 hồ sơ ĐKDT của 1.000 học sinh khối 12 trong trường. “Năm nay, học sinh vẫn thi nhiều vào các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế. Năm trước các em thi nhiều vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, năm nay cũng dự thi vào nhóm ngành kinh tế nhưng phân tán ra nhiều trường khác” - cô Phượng cho hay.
Vẫn tập trung vào kinh tế
Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường THPT tại Hà Nội, hầu hết học sinh ở các trường tốp trên nộp hai bộ hồ sơ trở lên, và nhóm ngành chiếm số lượng hồ sơ áp đảo vẫn là kinh tế - tài chính. Trong đó, các ngành được chọn nhiều là kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh...
Theo cô Bùi Thị Minh Nga - phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), trong tổng số học sinh ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ của trường chỉ có khoảng 15% đăng ký nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học xã hội nhưng có đến 85% số học sinh đăng ký khối A, D vào các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế. Tại Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, tuy chưa rà soát dữ liệu nhưng theo nhận định từ bộ phận tuyển sinh của trường, chủ yếu học sinh ĐKDT khối A, D và đăng ký vào khối ngành kinh tế, tài chính.
Tại điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, đến nay đã nhận được hơn 3.000 hồ sơ ĐKDT của thí sinh. Nhận định ban đầu về xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh, ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh - nói: “Không có biến động lắm so với những năm trước. Chiếm ưu thế vẫn là các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế (tỉ lệ khoảng 20%), tiếp đến nhóm ngành y dược, công nghệ sinh học, môi trường. Những trường được nhiều thí sinh lựa chọn hơn so với năm trước là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (chiếm 10%), ĐH Mở và ĐH Tôn Đức Thắng”.
Theo ông Cường, tỉ lệ thí sinh mượn trường thi “nhờ” vào trường khác giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn thí sinh nộp 5-6 hồ sơ ĐKDT.
_________________
Ở nhóm trường THPT thuộc tốp dưới của Hà Nội, tình hình lại khác. Cô Trần Thị Thanh Hà, hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa, nhận xét: “Số học sinh lớp 12 năm nay ĐKDT ĐH ít hơn năm trước và ít hơn nhiều so với tổng số học sinh đang học lớp 12. Nhiều học sinh chỉ đăng ký vào các trường TCCN và CĐ”.
Cô Thanh Hà cho biết mặt bằng học lực của học sinh trường này chỉ ở mức trung bình, những năm trước nhiều học sinh đăng ký thi ĐH theo phong trào nên tỉ lệ rớt cao. Bộ phận tuyển sinh của trường cũng cho biết trong số những học sinh ĐKDT ĐH, tỉ lệ học sinh đăng ký vào các trường ĐH tốp trên (điểm chuẩn năm 2010 từ 20 điểm trở lên) rất ít, hầu hết đăng ký vào các trường có mức điểm chuẩn dưới 20 điểm. Xu thế “thích ngành kinh tế - tài chính” cũng không rơi vào số học sinh trường này do “né” trường điểm tuyển cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận