19/01/2018 11:22 GMT+7

Đón tết trong cảnh không nhà

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Tết đang đến rất gần. Nhưng ở một nơi cách trung tâm TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) hơn 100km, những đứa trẻ nghèo người Ca Dong vẫn đang vật lộn trong giá lạnh và lấm lem bùn đất.

Đón tết trong cảnh không nhà - Ảnh 1.

Một túp lều tạm của hộ dân bị lũ vùi nhà cửa tại thôn 5, xã Trà Bui - Ảnh: T.B.D.

Trưa 16-1, chúng tôi đi bộ ngược lên những con dốc dẫn về điểm Trường tiểu học Trà Bui và Trường mầm non Tuổi Thơ (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). 

Con đường bêtông ngày nào lũ trẻ nghèo vẫn níu nhau đi học giờ đây là bùn nhão, đá bàn, rễ cây - những dấu vết kinh hoàng của trận lở núi xóa sổ thôn 5, xã Trà Bui trong những ngày hoành hành của cơn bão số 12 vào tháng 11-2017.

“Người Ca Dong coi tết mùa là tết chính nhưng giờ đây người dân cũng đón tết theo người Kinh. Mọi năm trước còn nhà cửa, lúa đầy kho thì tết còn háo hức, chứ năm nay coi như không có tết

Anh Nguyễn Văn Thiên (thôn 5, xã Trà Bui)

"Cái ăn còn phải đi xin..."

Gần 11h trưa, lối mòn nằm ở giữa khu đất trống xuất hiện những đứa trẻ từ lớp tạm trở về làng. Trong cái rét cắt da cắt thịt, nhiều em áo xống phong phanh và đi chân đất. 

Hồ Văn Hiệp, cậu học trò dáng người thấp đậm đặc trưng của người Ca Dong, đi học về với chân trần bê bết bùn đất. Nhà Hiệp ở phía núi xa, nơi đó những người dân trong thôn đang cố bám víu những ngày cuối cùng trong âu lo trước khi dời làng đi.

Trước đây điểm trường tiểu học của Hiệp nằm ở thôn 5, hằng ngày cô giáo đi bộ lên đó để dạy cho nhóm học sinh của thôn. Sau trận lở núi đè nát nhiều ngôi nhà ở thôn 5, trường cũng phải bỏ hoang vì nằm chơ vơ bên mép vực và những đứa trẻ ở đây hằng ngày phải lội bộ đến học ở trường tạm. 

"Thầy cô có phát dép nhưng bị rách một bên rồi, em chỉ để đi ở trường thôi. Còn về nhà thì đi chân đất cho nhanh" - Hiệp giải thích.

Đi vào trung tâm của thôn 5, xã Trà Bui, gần như không thể nhận ra ngôi làng sung túc trước đây bởi toàn là cảnh tượng đổ nát, hoang tàn, người dân phải sống trong cảnh tạm bợ... 

Thầy giáo Phan Ngọc Nam, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - xã Trà Bui, nói rằng đều đặn ít ngày, thầy và các giáo viên trong trường lại lên làng kiểm tra tình hình đời sống các học sinh một lần. Và lần nào cũng vậy, các thầy cô lại thắt ngực với cảnh những đứa học trò của mình ngồi xổm xuống nền đất, bốc cơm nguội chấm với nước mắm ăn ngon lành.

Anh Nguyễn Văn Thiên, một trong các gia đình bị mất nhà trong cơn lở núi, nói rằng sau lũ, nhiều người phải đi xin quần áo để mặc, ở nhờ nhà dân rồi lên rừng cắt từng tấm lá về dựng lều. Túp lều của anh Thiên cùng vợ và hai đứa con chỉ rộng chưa đầy 15m2, dựng tạm bợ trên nền đất, chỉ đủ rộng để kê một chiếc giường và giăng mấy dây nhựa để phơi hong quần áo. 

"Mình không sao nhưng hai đứa nhỏ, một đứa học lớp 5, đứa 3 tuổi, đêm nào cũng khóc tới sáng vì lạnh. Giờ cái ăn hằng ngày mình còn phải đi xin bà con, nhờ xã giúp đỡ, những ngày tới chưa biết làm sao" - giọng anh Thiên cám cảnh. 

Đón tết trong cảnh không nhà - Ảnh 3.

Nhóm học sinh ở thôn 5, xã Trà Bui trên đường đi học - Ảnh: T.B.D.

Chẳng nghĩ gì tới tết

Thầy giáo Trần Ngọc Mẫn, hiệu trưởng Trường tiểu học Nông Văn Dền - xã Trà Bui, cho biết toàn trường có hơn 400 học sinh, 99% là con em của đồng bào Ca Dong, trong số này có tới trên 77% là hộ nghèo. 

Thời gian qua, nhà trường đã tìm cách vận động, tìm nguồn để có áo ấm, giày dép cho học sinh khi mùa rét tới nhưng hiện nay nhiều em vẫn co ro trong mảnh áo phong phanh đến trường. "Làm thầy cô mà phải chứng kiến học trò mình như vậy thì rất xót xa" - thầy Mẫn chùng giọng.

Ông Hồ Văn Hải, phó chủ tịch UBND xã Trà Bui, cho biết trong bão số 12 Trà Bui có tổng cộng 12 người dân mất nhà. Hàng trăm hecta nương rẫy bị sạt lở đến nay dân không có đất canh tác. Từ sau bão tới nay, xã cho di dời các hộ trong vùng bị sạt lở nhưng hiện nay vẫn chưa thể triển khai được. 

Xót xa nhất vẫn là một số hộ không nhà cửa đang phải sống tạm bợ trong lều ở các triền núi. Những hộ này sẽ phải đón một cái tết không nhà cửa. "Chúng tôi đã có kế hoạch tặng quà, hỗ trợ các gia đình khó khăn đón tết cổ truyền nhưng chủ yếu mang tính động viên" - ông Hải nói.

Ông Hồ Văn Sun (thôn 5, xã Trà Bui) cũng ngậm ngùi: "Nhà cửa mất sạch, giờ cả nhà tôi phải dựng lều ở tạm qua ngày trên khu đất người thân nên mọi thứ trống trơn. Cái ăn hằng ngày còn phải lo, không biết ra năm mọi thứ sẽ như thế nào, nên cũng chẳng nghĩ gì tới tết...".

4.800 phần quà sẻ chia

Chương trình "Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ" dự kiến trao 4.800 phần quà, tổng trị giá 2,4 tỉ đồng (mỗi phần quà 500.000 đồng, gồm: 300.000 đồng tiền mặt, 200.000 đồng quà bánh tết) cho người dân bị thiệt hại do bão lũ trong năm 2017.

Mời bạn đọc cùng tham gia chương trình, có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước. Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. Tài khoản USD: 007.137.0195.845. Tài khoản EUR: 007.114.0373.054. Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung ủng hộ chương trình "Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ".

Báo TUỔI TRẺ

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên