27/01/2015 07:45 GMT+7

Áo ấm cho em bớt rét buốt

MAI HOA - MY LĂNG
MAI HOA - MY LĂNG

TT - Hình ảnh những đứa trẻ tím tái trong giá buốt sắc lạnh đã tác động sâu sắc đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ, lay động trái tim nhiều người...

Anh chị Quốc Phong - Lan Hương đem tiền mừng cưới ủng hộ hết cho các chương trình xã hội từ thiện của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: M.Hoa

Phòng tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ lại được gặp một gương mặt vừa mới đến cách đó vài ngày: bà Lê Thị Minh (64 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Cầm xấp bao lì xì đỏ đầy sắc xuân, bà Minh thủ thỉ: “Lần trước tôi gửi 65 bao lì xì rồi (trị giá 650.000 đồng - PV) nhưng thấy ít quá nên bữa nay gửi tiếp. Tôi đi đổi tiền mới cho các cháu thích nhưng không đủ, thành ra vẫn có mấy tờ tiền cũ”.

Ở cái tuổi tóc đã ngả màu sương khói, dường như bà không nghĩ đến bản thân mình nữa mà lo nghĩ nhiều hơn cho người khác. Lần này bà gửi tiếp 60 bao lì xì, mỗi bao có 10.000 đồng (trị giá 600.000 đồng).

Số tiền này và cả lần trước gửi chương trình “Tết cho học sinh biên cương” của Tuổi Trẻ được bà trích ra từ lương hưu, chẳng ngại ngần, đo đếm...

Áo ấm cho em bớt lạnh

Lần này bà Minh còn mang đến một bọc gồm áo len, khăn len, khăn vải. Đó là thành quả sau gần một tuần miệt mài đan móc của bà.

“Mùa này trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồi núi sẽ rất lạnh. Cứ nghĩ cảnh các cháu không có dép đi, chân trần nứt nẻ, co ro tím tái trong cái lạnh tôi thấy xót quá. Mới đan được gần chục cái áo len, gửi trước cho các cháu một chút ấm áp.

Tôi không đan nhanh được, đan một chút là mỏi mắt phải dừng lại. Năm nay chưa làm được nhiều, năm sau Tuổi Trẻ tổ chức nữa đi, tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn, đan nhiều áo hơn cho các cháu” - bà Minh nhắn nhủ.

Vội vàng đến tòa soạn Tuổi Trẻ khi nắng chiều đã gần tắt, bà Trần Thị Thủy (63 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cứ lo đã hết giờ làm việc. Bà cho hay tranh thủ đi thăm mẹ chồng ghé qua tòa soạn Tuổi Trẻ trước để gửi 1 triệu đồng cho mấy đứa nhỏ ăn tết.

Bà cười thật hiền: “Tôi đọc Tuổi Trẻ mỗi ngày. Khi đọc tới bài nói về mấy đứa nhỏ đi học không dép, lạnh run, tôi rơi nước mắt. Tôi nuôi bốn đứa con, đã trải qua những năm tháng khó khăn của đất nước nhưng các con tôi chưa bao giờ khổ, thiếu thốn như các cháu.

Con mình vậy, thấy con người ta khổ quá mình chịu không nổi. Vợ chồng tôi ăn đâu có hết bao nhiêu. Giúp được ai thì đó là niềm vui lúc tuổi già đấy”.

Mang cho em một mùa xuân ấm áp dường như là tâm nguyện của tất cả mọi người khi ủng hộ chương trình “Tết cho học sinh biên cương”.

Như bà Bảy Tân Định và các cháu ở quận 1 trở đi trở lại báo Tuổi Trẻ để góp quà nhiều năm nay. Như bà Lê Thị Tuyết ở quận 10, dù không tới được vẫn nhờ chồng đến gửi chút tiền kèm lời nhắn là mong các con đón tết thật vui, có nhiều đồ mới.

Và có những người dù không thể có mặt tại báo Tuổi Trẻ nữa, nhưng sự vắng mặt của họ khiến mọi người đều cảm động và trân trọng.

Như người cha của anh Võ Huyền Đạo (Q.1, TP.HCM), trước khi mất vẫn kịp viết di thư để lại cho con cháu, dặn rằng đám tang mình phải làm hết sức tiết kiệm, không đốt vàng mã, rải tiền dọc đường, tiền phúng điếu thì mang toàn bộ đi làm từ thiện.

Và mẹ anh Đạo, ở tuổi 73, sáng sớm đã giục con đem 20 triệu đồng ủng hộ cho trẻ em vùng cao đón tết.

Cậu bé Khanh ủng hộ 1 triệu đồng cho các bạn nhỏ ở Bình Phước ăn tết - Ảnh: M.Hoa

Những cột mốc trong đời

Làm điều thiện thường chẳng phải chờ dịp này dịp khác. Và những công việc ấy có lẽ trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn trong lòng mỗi người nếu như gắn với những cột mốc quan trọng của đời mình.

Như anh Quốc Phong và chị Lan Hương (Q.Tân Bình, TP.HCM), sau khi cưới được hai tuần đã cùng mẹ mang tiền mừng đám cưới đến báo Tuổi Trẻ đóng góp cho các chương trình xã hội.

Lật giở từng trang cuốn sổ Nhịp cầu nhân ái, anh Phong bối rối đưa mắt nhìn mẹ và vợ, hỏi: “Nhiều người khổ quá, mình giúp sao bây giờ?”.

Mẹ anh đáp: “Tùy hai con, nếu được thì chia ra cho mỗi người một ít. Nhớ tặng cho các em nhỏ nhiều nhiều một chút nha, tết sắp đến rồi”.

Cuối cùng, cả nhà quyết định ủng hộ chương trình “Tết cho học sinh biên cương”, “Ước mơ của Thúy” giúp bệnh nhi ung thư, “Mùa xuân biển đảo” và một số trường hợp khác, tổng cộng 49 triệu đồng.

Trong lúc hai con ngồi đọc và hỏi nhau về từng hoàn cảnh, bà mẹ ngồi một bên, khẽ mỉm cười hài lòng. Theo lời bà kể, lúc bà nội anh Phong mất, cả nhà cũng đã dành toàn bộ số tiền phúng điếu 50 triệu đồng tặng các bệnh nhi ung thư.

Lần này, khi hai con ngỏ ý lấy tiền mừng cưới đi ủng hộ những người khó khăn, bà rất vui, nói rằng như vậy sẽ làm hai con nhớ lâu và đám cưới này thêm ý nghĩa.

Buổi chiều muộn 19-1, một cậu bé mũm mĩm dễ thương cùng bà ngoại đi vào phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. “Con tên là Trần Phú Khanh, học lớp 2. Con ủng hộ tiền cho các bạn nghèo ở Bình Phước” - cậu bé nói một lèo.

Thì ra buổi sáng cậu bé được bà ngoại cho đọc bài “Những đứa trẻ mùa xuân vắng mẹ” trên báo Tuổi Trẻ và giảng giải một hồi, biết các bạn ở Bình Phước không được mua đồ chơi, không được lì xì tết, không được đi chơi khắp nơi như mình, cậu xin tiền mẹ đi gửi cho các bạn, dù chẳng biết Bình Phước là ở đâu.

“Con muốn gửi bao nhiêu tiền?”. “Dạ, thưa cô, một ngàn”. Nói rồi, cậu bé lấy ra hai tờ tiền mới, mỗi tờ mệnh giá 500.000 đồng. Bà ngoại dạy đếm một hồi, cậu mới biết đó là 1 triệu đồng.

Cậu chưa từng được cầm tiền, chưa từng tự đi mua sắm một thứ gì, và lần đóng góp này đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời cậu: lần đầu tiên cậu được tiêu tiền!

Bạn đọc ủng hộ chương trình mời gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, văn phòng đại diện Tuổi Trẻ tại các tỉnh, thành.

Hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; ủng hộ trực tiếp trên mạng qua mục: http://pay.tuoitre.vn/cong-tac-xa-hoi. Điện thoại liên hệ 0913.804.883.

MAI HOA - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên