04/01/2011 04:06 GMT+7

Đời thuyền viên viễn xứ

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH

TT - Dọc các tỉnh miền Trung, hầu như làng chài nào cũng có người làm thuyền viên trên tàu của Hàn Quốc, Đài Loan. Làng ít có đến vài ba chục người, làng nhiều lên đến hàng trăm người. Họ ra đi mang theo ước mơ thoát nghèo, nhưng những cái giá phải trả nhiều khi cũng rất khốc liệt...

Kỳ 1: Ra đi trai tráng

Lấy vợ, sinh con nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, anh Nguyễn Văn Dương (37 tuổi) ở xóm Trung Tiến, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh chọn con đường xuất ngoại làm thuyền viên viễn xứ. Sau một cú rơi hơn 10m xuống boong tàu khiến anh mãi mãi làm bạn cùng chiếc xe lăn.

gyJ3td5W.jpgPhóng to
Sau chuyến đi tàu viễn xứ, thuyền viên Nguyễn Văn Dương mãi mãi làm bạn với chiếc xe lăn - Ảnh: Hồ Văn

Ngày về trên chiếc xe lăn

Ngồi trên xe lăn nghĩ lại chuyến đi Hàn Quốc năm 2001 làm thuyền viên đến tận bây giờ vẫn là cơn ác mộng đối với Dương. LOD là công ty xuất khẩu lao động đã đưa anh sang làm thuê trên tàu đánh cá của Hãng MoNa (Hàn Quốc), lương mỗi tháng 300 USD. Dương kể: “Rơi xuống boong tàu tui không biết trời đất gì nữa, chỉ nhớ trước khi rơi tui đã giẫm lên tấm ván và nó bị gãy, khi tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện”.

Tỉnh dậy anh Dương thấy mình nằm bất động trên giường bệnh, cổ được nẹp bằng những thanh sắt. Anh chỉ ú ớ hỏi thuyền trưỞng mới biết mình bị gãy xương cổ, hệ thần kinh bị chấn động khiến anh bị liệt nửa người. Theo anh Dương, số mạng anh rất may mắn khi gặp người thuyền trưởng có trách nhiệm với thuyền viên của mình. Thấy anh vẫn còn thở, thuyền trưởng cho người kéo lưới lên và lái tàu chạy thẳng vào đất liền để cứu chữa.

Những ngày điều trị ở châu Phi thuốc men lại thiếu khiến bệnh tình anh khó hồi phục. Một tháng nằm điều trị, cộng thêm một tháng tìm, thuê bác sĩ anh mới bay được về nước nhưng trong tình trạng toàn thân nằm liệt trên ghế. Mọi ăn uống, vệ sinh đều do bác sĩ lo.

“Chi phí từ điều trị đến thuê bác sĩ họ tính cũng vừa với số tiền bảo hiểm. Thấy bệnh tình quá nặng, cha mẹ, vợ tui lại đi vay mượn cho tui điều trị tiếp ở Bệnh viện Chợ Rẫy hơn chín tháng nữa. Trong quá trình điều trị này công ty ở Hà Nội không hỏi thăm lấy một lời. Họ xem đưa được tôi về nước như thể hết trách nhiệm”- anh Dương nói.

Ông Hoàng Công Tuần - phó chủ tịch UBND xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - cho biết hiện cả xã có 2.040 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong đó đa số làm thuyền viên xa bờ và gần bờ ở Hàn Quốc, Đài Loan. Tính từ năm 1994 đến giờ cả xã có 50 người chết, hơn 30 người bị thương, hầu hết là thuyền viên.

Sau khi điều trị ở Sài Gòn về anh Dương không thể đi đứng được. Từ ngực trở xuống anh không còn cảm giác, duy nhất hai cánh tay cử động bưng được chén cơm ăn. Hơn bảy năm nay anh sống nhờ vào sự chăm sóc của người vợ, chị Nguyễn Thị Hành.

Nhìn anh ngồi trên xe lăn, chị Hành ràn rụa nước mắt: “Hoàn cảnh hai vợ chồng ở riêng rất khó khăn, khi chồng bị tai nạn cái nghèo, cái khổ lại chồng chất thêm. Hai cái đinh đóng sau cổ anh ấy đã lâu lắm rồi mà chưa có tiền ra Hà Nội lấy ra.

Những ngày lạnh giá anh ấy lại kêu đau, nhiều khi tui định bàn với anh bán nhà để có tiền đi lấy đinh ra nhưng vừa nói thì anh nạt ngang, bảo có chết cũng phải giữ lại cái nhà cho vợ con chui ra chui vào. Sao ông trời lại bất công với người nghèo như chúng tôi thế này hỡi trời!” - chị Hành khóc nấc.

Một trường hợp khác ở xóm Bàn Hải, xã Kỳ Ninh, anh Nguyễn Sĩ Thắng đi tàu ở Đài Loan, trong một lần cập cảng biển Nam Phi, thuyền trưởng giao cho Thắng leo lên sơn tàu. Vừa bước lên giàn tàu, không hiểu sao đầu anh choáng váng, miệng nói ngọng rồi bổ nhào xuống khoang tàu, ngất lịm. “Lần tai nạn đó do đêm trước bị bắt làm việc cả đêm kiệt sức nên khi leo sơn tàu mới bị rơi xuống - anh Thắng nhớ lại - Hai hàm răng không còn một chiếc, chân phải vỡ bánh chè, đó là kết cục của một đời thuyền viên như tui”.

Những nghĩa trang thuyền viên

Trong hợp đồng của thuyền viên với các công ty xuất khẩu lao động có một điều khoản mà theo đó gia đình phải đồng ý nếu chẳng may thuyền viên bị chết thì chấp nhận: thủy táng; chôn cất trên đất liền hay hải đảo hoặc hỏa táng (nếu nước sở tại cho phép)...

Thuyền viên Đặng Hải Tùng, làm đầu bếp cho một tàu cá xa bờ Hàn Quốc. Trong một lần xuống hầm lạnh lấy thức ăn, anh Tùng đã hôn mê và chết vì bị nhiễm khí độc. Chủ tàu báo về gia đình là chết do đột quỵ và thông báo sẽ chôn hoặc hỏa táng. Nhưng nhờ vị bác sĩ Việt kiều tên Mỹ Hà tại Senegal đấu tranh với chủ tàu, buộc phải thừa nhận anh Tùng chết do nhiễm khí độc và đồng ý đưa anh Tùng về với gia đình.

Liên lạc qua điện thoại với bà Mỹ Hà ở Senegal, bà cho biết cũng có nhiều trường hợp không kịp can thiệp vì không biết, nên một số thuyền viên khi gặp nạn bị chủ tàu hỏa táng hoặc chôn cất ngay tại gần biển Senegal. Bà Hà cho biết đến giờ vẫn rất buồn về trường hợp của một thuyền viên người Quảng Bình tên Diệu, hiện nấm mồ đang nằm tại một nghĩa trang ở Senegal.

Theo bà Hà, thuyền viên này gặp nạn nhưng do không có người thân và do không ai báo nên bà không biết để can thiệp, cuối cùng chủ tàu đem chôn cất tại Senegal với một nấm mộ sơ sài. Bà Hà nói: “Dọc bờ biển Tây Phi, thuyền viên xấu số không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác như Indonesia, Trung Quốc mãi mãi nằm lại đâu đó trong các nghĩa địa hoang lạnh, không người thân”.

Ngoài Senegal, nhiều thuyền viên còn kể lại hàng chục thuyền viên xấu số gặp nạn trên biển đều bị chôn dọc các vùng đảo nơi tàu đánh cá xa bờ hoạt động hay những hải cảng gần đấy. Haiti là nơi thuyền viên Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc được chôn cất nhiều nhất. Thuyền viên Hoàng Đình Châu (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết trong xã có bốn thuyền viên của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung chết khi đánh cá ở vùng biển Haiti thì hết ba người mãi mãi nằm lại ở một nghĩa trang gần biển Haiti. Đảo Fiji cũng là nơi mà tàu đánh cá của Châu từng chôn cất thuyền viên xấu số.

Ngay tại xã Kỳ Khang dưới chân rú Đỏ (núi Đỏ) cũng có một nghĩa địa riêng cho các thuyền viên xấu số bị chết và đưa được xác về. Nhiều gia đình ở đây cho biết những người chết xa xứ như vậy, nhất là thuyền viên chết trên biển nước ngoài khi đưa về họ sợ xui cho làng nên không đưa vào nghĩa trang của xã mà đem ra núi chôn. Giờ đây, dưới chân rú Đỏ ấy có nhiều thuyền viên xấu số nằm hoang lạnh và nhiều nấm mồ gió (không có thi thể) cũng mọc lên hằng tháng.

______________________

Nhiều làng chài ở Hà Tĩnh bây giờ vắng tanh trai tráng. Những trụ cột trong các gia đình giờ đang lênh đênh trên những chiếc tàu đánh cá của Đài Loan, Hàn Quốc... cho một giấc mơ đổi đời.

Kỳ tới: Tan vỡ giấc mơ

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên