21/12/2017 15:19 GMT+7

Đối thủ xưa, bạn bè nay

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Tháng 9-2017, 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát dẫn đầu có cuộc gặp với 50 cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Đối thủ xưa, bạn bè nay - Ảnh 1.

Trung tá phi công hải quân Mỹ C. Dose (giữa) và phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy - Ảnh: NGUYỄN SỸ HƯNG

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2017)

Ngày hôm nay chúng ta ngồi đây như những người bạn. Cuộc gặp của chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ muốn tìm hiểu, biết thêm những trận không chiến chúng ta từng tham gia mà còn có ý nghĩa cao cả hơn: góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chúng ta hãy khép lại quá khứ, hướng đến tương lai

Trung tướng Nguyễn Đức Soát

Cuộc gặp đặc biệt ấy diễn ra trên Bảo tàng tàu sân bay USS Midway (San Diego, California, Mỹ).

Tàu sân bay USS Midway từng tham chiến ở Việt Nam, trên boong có 80 máy bay chiến đấu. Phía Mỹ có khoảng 700 người tham gia, trong đó có 50 cựu phi công chiến đấu.

Cuộc gặp mặt là nỗ lực hàn gắn vết thương từ quá khứ giữa các cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ, từ đề xuất của tướng Nguyễn Đức Soát.

Trên tàu sân bay USS Midway

Trong cuộc gặp này, phía cựu phi công Mỹ có bốn người là phi công đạt đẳng cấp Ace (bắn rơi năm máy bay trở lên). Còn Việt Nam có ba người: phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (bắn rơi bảy chiếc), phi công Lê Thanh Đạo (bắn rơi sáu chiếc) và trung tướng Nguyễn Đức Soát (bắn rơi sáu chiếc).

Các cựu phi công trao đổi theo từng nhóm để tìm hiểu về các trận không chiến của chính họ diễn ra hơn 40 năm trước. Những tấm bản đồ, sơ đồ, nhật ký chiến đấu được bày ra. Khi thảo luận nhóm, hai phi công vẽ lại trên giấy đường bay và tình huống. 

Và thật bất ngờ: họ nhận ra đã từng nhiều lần đụng độ với nhau.

Trong cuộc gặp này, các cựu phi công Mỹ muốn gặp ông Nguyễn Văn Bảy - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam, bắn rơi bảy máy bay và không phải nhảy dù lần nào. 

Người phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Bảy giờ đã 82 tuổi. Ông khiến tất cả cựu phi công Mỹ không khỏi ngạc nhiên bởi không như hình dung trong đầu họ.

Người phi công huyền thoại không có ngoại hình cao to thường thấy ở các phi công, mà nhỏ bé, chân chất, mộc mạc như một người nông dân. Người ta khó có thể hình dung đó lại là người đã bắn rơi bảy chiếc máy bay của Mỹ. 

Ông mang theo khăn rằn Nam Bộ tặng cho các cựu phi công, tự tay quấn khăn cho họ.

Ông Nguyễn Văn Bảy đã kể về một tình tiết mà có lẽ đến giờ các cựu phi công Mỹ mới biết. Đó là trong một trận không chiến, ông không bắn vào buồng lái mà cho đường đạn trúng vào cánh máy bay. Điều này là cơ hội để cho người phi công kịp nhảy dù... 

Nghe đến đây, người vợ đi cùng viên phi công Mỹ năm xưa đã bật khóc, ôm chầm ông Bảy và nói: "Nếu ông nhắm vào buồng lái mà bắn thì tôi đã mất đi người chồng yêu quý và không thể được sống hạnh phúc bên nhau đến bây giờ".

Đối thủ xưa, bạn bè nay - Ảnh 3.

Các cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ chụp ảnh kỷ niệm - Ảnh: Nguyễn Sỹ Hưng

"Ông có căm thù người Mỹ không?"

Đó là câu hỏi từ phía những người Mỹ dành cho trung tướng Nguyễn Đức Soát. Tướng Soát điềm đạm: "Chúng tôi đánh nhau trên trời, cách nhau hàng nghìn mét, có nhìn thấy mặt kẻ thù đâu, chỉ nhìn thấy máy bay của đối phương, cứ đuổi theo máy bay quần nhau mà đánh thôi. 

Chúng tôi không nghĩ phải bắn chết phi công mà là phải bắn hạ máy bay của đối phương. 

Cách đây bảy năm, tôi gặp ông Charlie Tutt và đã bàn chuyện tổ chức cuộc gặp mặt các cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ để các cựu thù năm xưa chưa từng nhìn thấy mặt nhau nay có thể gặp lại nhau, hiểu nhau hơn và cùng khép lại quá khứ. 

Nói như vậy để các ông hiểu tình cảm tôi dành cho người Mỹ là như thế nào".

Cả khán phòng vỗ tay vang dội. Các cựu phi công Mỹ đều khen ngợi và thừa nhận trình độ không chiến siêu đẳng của các phi công Việt Nam. 

Nhưng hơn 40 năm qua, rất nhiều phi công Mỹ vẫn luôn mang trong mình câu hỏi: Có phi công Liên Xô và Trung Quốc tham gia cùng phi công Việt Nam trong các trận không chiến hay không? 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát trả lời: "Chúng tôi chỉ học người Nga kỹ thuật. Còn chiến thuật là bí mật của riêng chúng tôi. Các sĩ quan Nga và Trung Quốc không được vào sở chỉ huy, không được dự các buổi rút kinh nghiệm. 

Chúng tôi chỉ có ba phi công Liên Xô giúp bay hồi phục kỹ thuật cho các phi công bị giãn cách bay chứ không tham gia chiến đấu".

Ông cho biết: "Nhiều năm sau cuộc chiến, nhiều cựu phi công Mỹ người thì luôn cảm thấy ray rứt vì đã bắn rơi máy bay của mình, người thì tò mò muốn tìm hiểu về trận không chiến ngày xưa và một số thắc mắc. 

Năm 2010, tôi gặp đại úy phi công Charlie Tutt từng tham chiến ở Việt Nam và bàn câu chuyện nên tổ chức buổi gặp lại".

Một cựu phi công khác từng đến thăm tướng Soát cách đây 5 năm, chỉ để xem tại sao ông bắn rơi được máy bay của người bạn ông ấy trong tình huống hai bên đều nhìn thấy nhau. 

Người phi công Mỹ ấy nhảy dù nhưng do bị thương, ông ấy đã chết và đến năm 1988 mới tìm thấy hài cốt. Một người còn lại được cứu sống. 

Ông ta nói: "Mẹ của bạn tôi nhờ tôi nói với ông rằng: ông đừng ân hận vì con bà đã nhảy dù ra được nhưng số phận không may mắn...".

Chiến tranh luôn có mất mát từ hai phía. 

Tướng Soát nói: "Chúng tôi gặp nhau với tình hữu nghị, nhìn lại trận đánh năm xưa để hiểu hơn về nhau và chia sẻ nỗi đau, mất mát mà cuộc chiến tranh để lại cho mỗi phía và mong cuộc chiến như vậy sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước mình".

Người hùng trong ảnh

1

"Thưa ngài..." - sau câu hỏi đó, người đàn ông - có lẽ là cựu phi công Mỹ - xin chụp ảnh cùng huyền thoại Nguyễn Văn Bảy - Ảnh: FB NNL

"Thưa ngài, ngài có phải là người trong ảnh này năm xưa không?" - một người đàn ông Mỹ luống tuổi tiến đến phía phi công Nguyễn Văn Bảy, chìa ra một bức ảnh.

Đang được giao nhiệm vụ đi theo bác Bảy, song không kìm được sự tự hào dâng trào trong lòng mình, tôi trả lời trước khi dịch lại cho bác: "Vâng, đây chính là phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy...".

"Thưa ngài, vậy ngài cho phép tôi được chụp ảnh lưu niệm cùng với ngài với tấm lòng trân trọng nhất!" - người đàn ông nói.

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa kịp biết tên người đàn ông (mà có lẽ cũng là cựu phi công Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam năm xưa), cũng như chưa kịp biết lý do vì sao ông lại biết bác Bảy của chúng tôi và tại sao ông lại ngưỡng mộ đối phương như vậy?

Thật đáng tiếc vì sau đó bác Bảy lại bị đám đông bám theo quanh mình như thỏi nam châm hút kim loại...

Phi công NGUYỄN NAM LIÊN (thành viên đoàn Việt Nam)

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên