02/12/2005 06:42 GMT+7

Đổi thay từ "khu phố đen"

ĐOAN TRANG
ĐOAN TRANG

TT - “Hồi đó phường này thấy... ghê lắm, điện đóm chập chờn, nước máy không có, dân xài chủ yếu là giếng đóng, đường sá lầy lội, nhiều điểm tệ nạn xã hội...”, bí thư Đảng ủy phường 5, quận 11 (TP.HCM) Đặng Văn Xuân nhớ lại. “Hồi đó” đâu phải là xa lắm, chỉ mới năm, sáu năm về trước...

fSapts0T.jpgPhóng to

Đường Lạc Long Quân mở rộng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị phường 5, quận 11 - Ảnh: Thanh Đạm

TT - “Hồi đó phường này thấy... ghê lắm, điện đóm chập chờn, nước máy không có, dân xài chủ yếu là giếng đóng, đường sá lầy lội, nhiều điểm tệ nạn xã hội...”, bí thư Đảng ủy phường 5, quận 11 (TP.HCM) Đặng Văn Xuân nhớ lại. “Hồi đó” đâu phải là xa lắm, chỉ mới năm, sáu năm về trước...

Xóa “khu phố đen”

“Năm 1999, khi một phần phường 19, quận Tân Bình (nay là phường Phú Trung, quận Tân Phú) được sáp nhập vô phường 5, quận 11 tụi tui hết hồn. Ai đời một “động điếm” lại mọc lên sờ sờ, hoạt động công khai ngay trong một con hẻm không số” - anh Nguyễn Văn Lộc, bí thư chi bộ khu phố 6, kể. Chủ động là một tay anh chị cất một cái chòi mái tôn, bốn trụ bằng cây cho mấy em... “hành nghề”.

Chi bộ khu phố chia nhau vận động người dân xung quanh thuyết phục, mời mấy chị em hành nghề mại dâm ra làm việc. Người dân trong xóm bảo ban, công an vào cuộc. Các cô gái “bán hoa” chuyển nghề, chủ động tháo dỡ chòi. Bây giờ con hẻm không số ấy đã có tên đàng hoàng: hẻm 94, đường Hòa Bình, tổ 87.

Khu phố 6 này còn “nổi tiếng” với nạn đá gà. Năm 1998-1999, tụ điểm đá gà cá độ trong khu phố này lúc nào cũng nhộn nhịp, vô ra mỗi lần 200-300 người. Chẳng biết vì sao chính quyền địa phương khi đó... im re.

hấy tình hình ngày càng bất ổn, Đảng ủy phường 5 ra nghị quyết: dẹp tụ điểm đá gà! “Lần này trầy trật hơn, mình có “cơ sở” để theo dõi thì họ cũng cài người để theo dõi lại mình. Bắt hụt nhiều lần nhưng cuối cùng điểm nóng này cũng được xóa sạch. Đến khi Năm Cam bị bắt, tụi này mới biết tụ gà đó của Vương Thanh, một đệ tử ruột của Năm Cam”, ông Lộc kể.

Mại dâm, đá gà cá độ, xì ke... - những tệ nạn này đã khiến khu phố 6 còn mang cái tên khác: khu phố đen. Song từ khi ổ mại dâm, tụ điểm đá gà được xóa, người dân phường 5 dần dần quên đi cái tên đáng sợ ấy.

Theo dõi thành tích của phường 5 đạt được từ năm 2000 đến nay mới thấy rõ sự nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, nhân dân phường: từ UB MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, công đoàn, UBND phường đều liên tục là những đơn vị xuất sắc năm năm liền, được nhận bằng khen của ngành dọc hoặc của UBND quận, TP.

Đảng bộ phường đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh năm năm liền. Trong năm 2004, phường 5 còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác xóa đói giảm nghèo.

Xoay xở với “mũi nhọn”

“Hồi nào tới giờ phường 5 có thế mạnh về sản xuất tiểu thủ công nghiệp với gần 300 cơ sở, trong đó có các ngành mũi nhọn là nhuộm vải, thuộc da, thủy tinh, dép lốp... Nhưng từ khi TP có chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm này ra ngoại thành, chúng tôi bắt đầu phải xoay xở để chuyển mũi nhọn này sang hướng khác” - ông Đặng Văn Xuân, bí thư Đảng ủy phường, cho biết.

Thật khó khăn để có thể thay đổi ngành nghề của một hộ đã làm ăn lâu đời hoặc di dời họ đi nơi khác. Nhưng cũng không thể để 300 hộ sản xuất làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của 6.000 hộ dân với gần 30.000 con người.

Vì vậy, ngay sau khi có nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế của địa phương, Đảng bộ phân công các đảng viên xuống từng cơ sở, động viên giúp đỡ các cơ sở...

Và chỉ trong năm năm (2001-2005), đã có 48 cơ sở trong phường đầu tư máy móc mới, cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị thiết bị mới lên đến 17,59 tỉ đồng. Cơ sở nào không đủ lực thì chuyển hướng sang ngành thương mại, dịch vụ, kinh doanh ngành hàng vật liệu xây dựng, kim khí điện máy, vi tính, dịch vụ phục vụ sản xuất... Doanh thu về thương mại dịch vụ của phường trong năm năm qua tăng đều mỗi năm từ 20-25%.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các cơ sở sản xuất ăn nên làm ra trở thành những mạnh thường quân tham gia tích cực phong trào “Vì người nghèo” như anh Lý Ngầu, anh Dũng, anh Lên, anh Hoàng... Đã có 33 căn nhà dột nát của những hộ gia đình quá khó khăn được các mạnh thường quân giúp đỡ để sửa chữa nhà, mỗi hộ 7-10 triệu đồng.

Phong trào “Vì người nghèo” được phát động đến các trường học. Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào mùa lễ, tết, các thầy cô giáo và học sinh Trường Trương Vĩnh Ký, Lê Quý Đôn, Hòa Bình... lại cùng nhau đập heo đất mua quà tặng những gia đình nghèo. Quĩ xóa đói giảm nghèo của phường cũng tăng dần với tổng số tiền quay vòng hiện nay trên 650 triệu đồng, giúp hơn 100 hộ nghèo... thoát nghèo.

“Phường 5 được công nhận cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn dưới 4 triệu đồng/người/năm, nhưng với chuẩn 5 triệu đồng/người/năm cũng còn gần 200 hộ. Chưa giải quyết xong “món nợ” này, chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên”, ông Xuân nói. Để có thể “ăn ngon ngủ yên”, bí thư đảng ủy Đặng Văn Xuân mạnh

dạn đưa vào đề án xây dựng phường đạt tiêu chuẩn phường văn hóa, với quyết tâm nâng dần thu nhập của diện nghèo vượt chuẩn theo tiêu chí của TP là 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2006 và phấn đấu không để tái nghèo.

“Thay da đổi thịt” bộ mặt đô thị

“Hồi đó, tụi tui khổ vì mấy con hẻm 1m chật chội, những con hẻm đất mưa lầy lội, nắng bụi mù... nên quyết phải “nhựa hóa” toàn bộ hẻm trong phường. Kinh phí không có, phường vận động người dân cùng tham gia. Năm năm qua, 14 công trình sửa chữa, nâng cấp hẻm, “nhựa hóa” gần 14.000m2 đường, hẻm với tổng kinh phí 11,5 tỉ đồng, trong đó phần đóng góp của người dân tuy không nhiều (chỉ chiếm 20%) nhưng rất đáng quí”, ông Xuân kể.

Ngoài tuyến đường Lạc Long Quân, hẻm 341, khu phố 5 cũng đang được phường tập trung xây dựng để trở thành tuyến đường đạt chuẩn văn minh, sạch đẹp. Các đảng viên trong chi bộ cùng ban điều hành khu phố vận động người dân tự lát lại gạch vỉa hè, người người, nhà nhà thực hiện 10 điều qui ước về vệ sinh văn minh đường phố. Mục tiêu của phường là tất cả tuyến hẻm trong phường đều đạt tiêu chuẩn văn minh, sạch đẹp, an toàn trong năm 2006.

Năm 2000-2001, khi thị trường nhà đất còn sôi động, vận động để người dân vì lợi ích chung “nhín” bớt lợi ích riêng tư của mình làm việc chung không dễ chút nào. Vậy mà phường 5 làm được. Đảng ủy phường vận động bà con tự tháo bỏ hàng rào của mỗi nhà để hẻm được rộng thêm, như hẻm 506 trước đây chỉ 4m, nay rộng tới 7-8m.

Điều kiện sống và quyền lợi hợp pháp của người dân là chuyện Đảng bộ phường 5 đặc biệt quan tâm và bảo vệ. Bây giờ ở phường 5, 100% hộ dân được mắc đồng hồ điện, trên 70% hộ dân có nước máy, hầu hết nhà, đất trong phường đều đã có giấy tờ chủ quyền hợp pháp, hợp lệ...

“Kinh nghiệm gì đâu, cứ gần dân, dựa vào dân, bám sát nghị quyết của Đảng là làm được thôi” - ông Xuân trả lời khi chúng tôi hỏi kinh nghiệm chỉ trong thời gian ngắn ngủi năm năm mà làm “chuyển hóa địa bàn” nhanh đến thế.

ĐOAN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên