01/01/2017 09:23 GMT+7

Đổi sách quý lấy phiếu cơm cho học trò nghèo

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Một cô giáo dạy văn ở Quảng Trị đã dùng cách đổi những quyển sách quý của mình để lấy phiếu cơm cho học trò nghèo.

Cô giáo Lê Nam Linh cùng hai học sinh Dũng và Kiệt - Ảnh: N.Linh
Cô giáo Lê Nam Linh cùng hai học sinh Dũng và Kiệt - Ảnh: N.Linh

“Tôi là Lê Nam Linh, chủ nhiệm lớp Niềm Vui. Tôi có hai quyển sách quý Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức. Tôi muốn đổi sách lấy phiếu cơm tặng học trò nghèo hiếu học” là dòng thông báo của một giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị) trên Facebook cá nhân vào giữa tháng 12-2016.

Chỉ vài ngày sau, cũng trên Facebook của mình, cô giáo Linh đăng một nội dung khác: “Hai quyển sách Người không mang họ đã có người mua. Mỗi cuốn 2 triệu đồng, đổi được 133 phiếu cơm căngtin. Hai cuốn là 266 phiếu cơm cho hai học sinh nghèo”.

Bữa cơm đặc biệt

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có một căngtin chuyên nấu cơm phục vụ những học sinh ở xa. Giữa tháng 12, hội chữ thập đỏ của trường quyên góp được từ học trò cũ và giáo viên trong trường hơn 4 triệu đồng, tổ chức một bữa cơm miễn phí cho học sinh đang ở ký túc xá, ở trọ.

Hơn 11g hôm có bữa cơm miễn phí, khi tất cả học sinh đã ngay ngắn vào bàn chờ cơm, cô giáo Linh xuất hiện. Cô Linh gọi em Bùi Tiến Dũng (lớp 10 chuyên vật lý) và em Nguyễn Đình Tráng Kiệt (lớp 10 chuyên địa lý) đứng lên rồi bất ngờ rút từ trong cặp ra hai tờ phiếu, trao tặng hai em. Mỗi phiếu trị giá 133 suất cơm. Mỗi suất 15.000 đồng, tương đương 2 triệu đồng.

Cầm hai tờ phiếu cơm, Dũng và Kiệt phải mất một lúc “đứng hình” rồi mới nói được lời cảm ơn cô, trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng trăm học sinh. Hai tờ phiếu ngay sau đó được chuyển cho người phụ trách bếp ăn, để mỗi bữa cơm hai học sinh này không phải trả tiền mua phiếu nữa.

Thầy Minh Hải, chủ tịch hội chữ thập đỏ của trường, là người hiểu rõ nhất câu chuyện của Dũng, Kiệt nên đã kể lại hoàn cảnh của hai em với cô Linh. Dũng quê ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, gia đình là hộ nghèo làm biển vùng bãi ngang. Còn Kiệt có ba bệnh nặng, mẹ bỏ đi biền biệt, em sống cùng bà nội. “Hai ngày nay chị phụ trách bếp ăn cho biết không thấy hai em xuống ăn cơm. Tôi tìm hiểu được biết hai em này mấy hôm nay cứ đến bữa cơm là nằm lì trong phòng vì đã cạn tiền” - cô Linh kể.

Phiếu cơm từ... đổi sách

“Để giúp các em một vài bữa cơm thì dễ. Nhưng các em phải học đến mấy năm. Cần có một cách lâu dài hơn” - cô Linh nghĩ.

Cô Linh có thói quen sưu tầm khá nhiều sách, trong đó có nhiều sách văn học khá quý hiếm. Sách được cô xem là tài sản lớn nhất trong gia đình. Tình cờ cô lục tìm trong tủ sách thấy có hai quyển Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức. Một quyển xuất bản lần đầu năm 1986. Quyển còn lại in năm 2014. “Sách đúng là quý. Nhưng học trò đến bữa cơm còn phải bữa đói bữa no. Hay là đổi hai quyển sách này lấy phiếu cơm cho hai cậu học trò nghèo?” - cô Linh nghĩ.

Hôm sau, cô Linh quyết định đưa hai quyển sách Người không mang họ rao bán trên trang Facebook cá nhân. Cô cũng viết rõ mục đích bán để đổi phiếu cơm cho học trò. Mỗi quyển cô để giá 2 triệu đồng. Số tiền này là giá trị của sự sẻ chia, nên cô tin sẽ có người mua. Chưa đầy một tuần, cả hai quyển sách đã có người mua. Một người ở Đà Nẵng và người kia cũng là giáo viên văn. Có 4 triệu đồng từ tiền bán sách, cô Linh đến đặt phiếu cơm tại nhà bếp ở ký túc xá cho hai học trò Dũng và Kiệt.

Hỏi cô Linh có tiếc sách quý không, cô nói: “Với chừng ấy phiếu cơm, ít nhất gần ba tháng tới hai học sinh này không còn phải nơm nớp lo chuyện cơm áo mỗi ngày nữa để tập trung vào việc học. Đây là niềm vui của các em, nhưng cũng là niềm vui của những người như tôi”.

Thầy Nguyễn Văn Nhân, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nói: “Khi các suất cơm này được đổi từ chính những cuốn sách quý của cô giáo mình, đó chính là động lực cho các em thêm ý thức trong chuyện phấn đấu học tốt”.

Sẽ bán thêm sách để khám bệnh cho học trò

Sau khi câu chuyện cô Nam Linh bán hai quyển sách Người không mang họ để đổi lấy phiếu cơm cho học trò nghèo được đưa lên mạng xã hội, nhà văn Xuân Đức - tác giả hai quyển sách nói trên - đã nhắn cô Nam Linh đến gặp. Ông đã tặng cô Nam Linh thêm một bộ sách của mình gồm năm cuốn.

Cô Nam Linh cho biết trong lớp của cô vẫn còn nhiều học trò nghèo cần giúp đỡ. Trước mắt, cô sẽ bán bộ sách mới được tặng này để giúp một học sinh bị dị tật đang rất cần tiền để tái khám. Em cũng rơi vào hoàn cảnh rất bi đát khi ba bị liệt, mẹ bị khối u.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên