12/12/2020 13:33 GMT+7

Đổi rác tái chế lấy thực phẩm, giúp người khó khăn

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Những ngày thứ bảy, tại UBND phường 4, quận 5, TP.HCM diễn ra hoạt động "Đổi rác tái chế lấy thực phẩm" được Đoàn phường cùng các đoàn thể khác phối hợp thực hiện.

Đổi rác tái chế lấy thực phẩm, giúp người khó khăn - Ảnh 1.

Chương trình “Đổi rác tái chế lấy thực phẩm” tại phường 4, quận 5, TP.HCM- Ảnh: C.K.

Những mặt hàng được đổi là gạo, đường, dầu ăn, nước tương… Đông đảo người dân mang đến đây các loại rác thải nhựa, giấy… để tham gia chương trình.

Chia sẻ khó khăn

Đẩy chiếc xe đạp chất đầy vỏ thùng giấy đến địa điểm tập kết để đổi lấy gạo và dầu ăn, bà Kim Chi cho hay bà đến tạp hóa gần nhà xin gom những thùng giấy và ve chai rồi mang đến đây. "Đổi rác lấy gạo, thật là thiết thực. Tôi cũng đã nói với mấy người hàng xóm nhớ phân loại rác để những gì tái chế được mang đi đổi, lấy quà về mình dùng hoặc cho người khó khăn hơn" - bà Kim Chi nói.

Còn bác Nguyễn Bá Khải chở đến một bịch chai nhựa, ít giấy vụn và nói: "Tôi để riêng rác tái chế này và gom lại đổi lấy gạo về cho gia đình cũng đỡ được phần nào tiền đi mua. 1kg nhựa hay 3kg giấy đã được 1kg gạo, tính ra nó giá trị hơn nhiều". 

Còn chị Trần Mỹ Linh chở bao giấy đến đổi lấy gần chục ký gạo nhưng chị không mang về dùng mà tặng cho một cụ già neo đơn là hàng xóm của chị. "Lâu lâu tôi vẫn ghé nhà bà cụ để tặng bà ít quà" - chị Linh nói.

Đang trực tại bàn đổi quà, anh Lê Thanh Quang, bí thư Đoàn P.4, Q.5, thấy một bà bán vé số đi ngang qua liền mời bà dừng chân và gửi tặng ít gạo, dầu ăn. "Không chỉ đổi rác tái chế mà chúng tôi khi gặp những người bán vé số, chạy xe ôm cũng đều tặng quà chia sẻ khó khăn với họ" - anh Quang cho hay.

Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh trước đây, Quang đã cùng các bạn trẻ vận động gạo, thực phẩm cho những hộ khó khăn. Ngoài ra, các bạn còn tự may được 2.000 khẩu trang phát miễn phí.

Trong những ngày này, các bạn trẻ lại tiếp tục tình nguyện trao những suất ăn miễn phí đến các hộ dân nằm trong khu cách ly. Bạn Phan Thị Mỹ Phụng, bí thư Đoàn P.3, Q.6 - nơi có con hẻm gồm gần 200 nhân khẩu bị phong tỏa, cho biết các bạn tình nguyện viên không chỉ tặng suất ăn mà còn đi chợ giúp cho mọi người nếu cần.

Truyền thông điệp bảo vệ môi trường

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến đời sống của một số người lao động, Đoàn P.4, Q.5 đã phối hợp cùng các đoàn thể thực hiện công trình "Đổi rác tái chế lấy thực phẩm". Người dân hưởng ứng nhiều nhất là việc phân loại rác tại nguồn.

Quận đoàn, Hội LHTN VN Q.1 cũng vừa triển khai chương trình đổi rác tái chế lấy gạo, nhu yếu phẩm hay cây xanh diễn ra tại các phường. Bạn Nguyễn Thùy Bảo Trân, phó chủ tịch Hội LHTN VN Q.1, cho biết: "Đổi rác tái chế lấy gạo, dầu ăn, đường hay cây xanh, chúng tôi mong muốn chia sẻ việc bảo vệ môi trường sống hằng ngày là bảo vệ sức khỏe chính mình".

Anh Nguyễn Vạn Tiến - "ông chủ" ve chai Chú Hỏa là đơn vị phối hợp thu gom rác tái chế tại chương trình của P.4, Q.5 - cho biết việc vận động bà con thu gom rác tái chế là cách để tạo thêm ý thức giữ gìn môi trường sống. 

Anh Tiến chia sẻ: "Nếu mỗi người nâng cao ý thức sống xanh thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường bớt ô nhiễm, tốt cho sức khỏe. Nhìn xa hơn thì chính chúng ta bảo vệ cho chúng ta, không để biến đổi khí hậu làm chất lượng cuộc sống bị giảm đi". Số tiền bán các loại rác tái chế sẽ được anh Tiến trao lại cho chương trình để ban tổ chức tiếp tục mua thêm quà tặng cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường P.4, Q.5, TP.HCM, cho biết chương trình đổi rác tái chế lấy thực phẩm của phường ban đầu chỉ tính thực hiện trong tháng 11 nhưng thấy hiệu quả nên tiếp tục phối hợp các đoàn thể tại phường thực hiện trong tháng 12. Đến nay đã tặng hơn 4 tấn gạo, 500 chai dầu ăn, 200 chai nước tương và một số thực phẩm khác.

"Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tính toán có thêm gian hàng quần áo tự chọn để tặng cho người cần và tiếp nhận những nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm để trao tặng lại cho người dân. Khi có gian hàng 0 đồng sẽ phần nào chia sẻ khó khăn với những người lao động nghèo, nhất là những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19" - anh Hưng nói.

Cụ ông 71 tuổi Cụ ông 71 tuổi 'mê' tái chế rác thải

TTO - Trong con hẻm Võ Thị Phải (quận 12, TP.HCM), căn nhà của ông Tống Văn Thơm thoạt nhìn chẳng khác một vựa ve chai với hàng ngàn món đồ phế liệu như đầu đĩa, quạt trần, tượng đá, đồ chơi...

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên