Các thành viên nghị viện châu Âu bỏ phiếu với bản dự luật bổ sung về luật bản quyền của EU - Ảnh: AFP
Với 348 phiếu thuận, 274 phiếu chống và 36 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu ngày 26-3 phê chuẩn nội dung dự luật cập nhật lớn nhất đầu tiên cho luật bản quyền của khối này kể từ năm 2001.
Với dự luật có tên Chỉ thị bản quyền (Copyright Directive), Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các nền tảng công nghệ trực tuyến phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm bản quyền xảy ra trên nền tảng của họ, đồng thời bắt các ứng dụng/trang tin phải trả phí bản quyền với những đoạn trích tin tức dẫn lại của các cơ quan thông tấn, báo chí.
2 điều luật tranh cãi
Một trong hai điều luật gây tranh cãi nhiều nhất của Chỉ thị bản quyền là điều 11 yêu cầu các trang tổng hợp tin tức kiểu như Google News (của Google) phải trả phí bản quyền cho các tòa soạn báo để được hiển thị các đoạn trích tin tức, trừ trường hợp chỉ dẫn "các từ riêng lẻ hoặc những trích đoạn rất ngắn".
Tuy nhiên, kẽ hở ở đây là luật EU chưa định nghĩa rõ "trích đoạn rất ngắn" này có thể dài bao nhiêu. Mặc dù được mô tả là "link tax" (thuế đường dẫn) nhưng các siêu liên kết (superlink) lại được loại khỏi phạm vi áp dụng luật. Dù vậy, những từ được sử dụng trong đường link dẫn lại được hiểu là nằm trong quy định.
Điều luật tranh cãi thứ 2 là điều 13 (sau đổi thành 17 trong bản cuối cùng được phê chuẩn) còn gọi là "upload filter" (bộ lọc tải lên). Điều này bắt các nền tảng như Google, Facebook chịu trách nhiệm về các vi phạm bản quyền trong nội dung người dùng tải lên đây. Trước đây, trách nhiệm này thuộc về người dùng.
Luật mới chắc chắn tăng sức ép buộc các nền tảng Google, Facebook và Instagram phải có công cụ lọc và loại bỏ những nội dung vi phạm bản quyền như ảnh, video... Theo đó, các hãng công nghệ sẽ phải thiết lập bộ sàng lọc, rà soát nội dung vi phạm.
Chỉ thị không yêu cầu cụ thể các công ty phải áp dụng công nghệ lọc tự động, tuy nhiên giới phân tích cho rằng ngôn ngữ diễn giải trong luật cho thấy đây là yêu cầu mặc định của cơ chế lọc. Năm ngoái, Google từng tuyên bố họ tốn khoảng 100 triệu USD cho hệ thống "bộ lọc" của YouTube.
Có thể nói, đây là nỗ lực mới nhất của các chính phủ châu Âu trong việc xây dựng hệ thống pháp lý, buộc các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải tuân thủ luật chơi công bằng trên lãnh địa của họ.
Giới sản xuất nội dung hoan hỉ
Dư luận châu Âu chia rẽ sâu sắc về nội dung Chỉ thị bản quyền. Theo Fortune, trang Wikipedia tuần trước đã đổi sang màu đen để phản đối các hãng công nghệ như Google, còn Mozilla (sở hữu trình duyệt Firefox) cũng đã lên tiếng phản đối.
Các chuyên gia kỹ thuật cũng cảnh báo công nghệ lọc nội dung hiện chưa đủ tinh vi để phát hiện chính xác những vi phạm bản quyền, do đó có thể chặn nhầm những nội dung hợp pháp...
Bất kể còn những ý kiến trái chiều, song theo ông Axel Voss - nghị sĩ châu Âu thuộc Đảng liên minh Dân chủ - Cơ Đốc giáo của Đức: "Ngay cả khi chỉ thị này chưa hoàn hảo, nó vẫn khiến các hãng công nghệ lớn kiếm lợi khó khăn hơn từ các quảng cáo vốn thường ăn theo những nội dung hiển thị, vi phạm bản quyền của người khác".
Không ngạc nhiên khi ngành công nghiệp xuất bản châu Âu thời gian qua đã dốc sức vận động ủng hộ Chỉ thị bản quyền, với niềm tin hành lang pháp lý sẽ bảo vệ họ. Ông Xavier Bouckaert, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông tạp chí châu Âu, cho biết: "Các tòa báo thuộc đủ mọi quy mô và các nhà sáng tạo nội dung giờ đã có quyền để đặt ra các điều khoản và điều kiện với những bên muốn sử dụng lại nội dung của mình theo cách thương mại, công bằng và thỏa đáng mà vốn dĩ phải thế".
Cùng với báo chí, ngành xuất bản và công nghiệp âm nhạc cũng phản ứng tích cực với tin này. "Đây là một ngày cột mốc với các nhà sáng tạo nội dung và cư dân của châu Âu, và là bước quan trọng hướng tới một mạng Internet công bằng hơn" - bà Helen Smith, người đứng đầu Hiệp hội Các công ty âm nhạc độc lập (Impala), hồ hởi.
Luật bản quyền của EU sẽ chỉ áp dụng tại EU, tuy nhiên có khả năng một số công ty sẽ cố gắng thực thi ở phạm vi toàn cầu. Điều này cũng giống như Công ty Microsoft cho biết họ đang áp dụng các quy định quản lý về quyền riêng tư của EU ở cả bên ngoài châu Âu.
Không dễ thu tiền
Tuy vậy, theo tạp chí Fortune, trước đây Tây Ban Nha và Đức từng thử nghiệm việc thu phí bản quyền tin tức của các nền tảng công nghệ nhưng đều thất bại. Tại Đức, Công ty Axel Springer - chủ sở hữu những tờ báo nổi tiếng như Die Welt và Bild, cũng là công ty vận động ủng hộ Chỉ thị bản quyền - từng yêu cầu Google trả phí khi dẫn lại nội dung của họ. Tuy nhiên, Google đã phản ứng bằng việc không dẫn lại trích đoạn các bài báo của Axel Springer trong kết quả tìm kiếm của họ nữa để không phải trả tiền.
Còn tại Tây Ban Nha, luật bản quyền của nước này buộc các tòa báo phải yêu cầu thanh toán bản quyền, do đó Google cũng chấm dứt luôn hoạt động dịch vụ tin tức của họ tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận