22/05/2012 02:03 GMT+7

Đội nắng mưa chờ xe buýt

NGUYỄN HÀ - NGA LINH
NGUYỄN HÀ - NGA LINH

TT - Hà Nội có 1.800 điểm dừng xe buýt nhưng chỉ 300 điểm dừng có nhà chờ và mái che nên cảnh hành khách đội nắng đội mưa đón xe buýt là chuyện thường ngày ở thủ đô.

laEph7uk.jpgPhóng to
Ngồi xổm chờ xe buýt trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN HÀ

Tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy, trục chạy chính của hơn chục tuyến xe buýt số 20, 32, 39, 50, 34..., nơi đi và đến gần chục trường đại học lớn ở Hà Nội nhưng chỉ có 5/10 điểm dừng xe buýt có nhà chờ, mái che, ghế ngồi.

Tại những điểm dừng xe buýt ngay trước cổng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ĐH Quốc gia vào những giờ sinh viên tan tầm, cảnh tượng sinh viên đỏ mặt tía tai như đi xông hơi, đứng chật vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường là quen thuộc. Do khu vực nhà chờ xe buýt nhỏ, không thể chứa nổi một lượng sinh viên khổng lồ.

Nối liền với tuyến phố Xuân Thủy là phố Hồ Tùng Mậu - quốc lộ 32, trong 20 điểm dừng xe buýt dọc hai bên đường tính từ Trường ĐH Thương mại đến cổng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chỉ có hai điểm dừng có mái che. 18 điểm còn lại, hành khách phải đứng phơi mặt dưới nắng hè gay gắt, hay mưa gió.

Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng chạy dài tới tận bến xe Nam Thăng Long, hành khách thường xuyên đứng chờ xe buýt rất đông nhưng không có một điểm dừng nào có mái che. Tuyến phố Thụy Khuê (Q.Tây Hồ) có gần chục điểm dừng xe buýt chẳng mái che, ghế chờ. Nhiều điểm đã biến thành nơi tập kết xe rác hoặc bị các quán cà phê bên đường chiếm dụng làm chỗ đậu xe.

Mồ hôi ròng ròng, ông Hoàng Trọng Lưu, một hành khách thường đi xe buýt qua tuyến phố Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên, bức xúc: “Điểm dừng xe ngay trước cổng Bảo tàng Dân tộc học đã không có nhà chờ lại bị một hàng dài xe khách, xe chuyên chở học sinh án ngữ ngay trước mặt. Nhiều lúc xe buýt chạy qua tôi không nhìn thấy, lỡ mất mấy chuyến. Muốn không lỡ chuyến, tôi phải đứng dưới lòng đường vẫy xe...”.

Những tuyến đường càng xa trung tâm thành phố, số điểm dừng xe buýt có nhà chờ, ghế ngồi càng thấp. Những tuyến đường này lại ít cây xanh che phủ nên hành khách đứng chờ xe buýt rất cực. 20 điểm dừng xe buýt trên đường đê Gia Lâm, tính từ chân cầu Chương Dương sang đến Bát Tràng - Gia Lâm, không điểm nào có mái che. Nhiều cột treo biển lộ trình xe buýt nghiêng ngả, hỏng nát nhiều ngày cũng không được sửa chữa. Người dân sống bên triền đê thấy bà con đứng đợi xe buýt khổ quá đã tình nguyện mang ghế đá ra xếp quanh chân cột báo xe buýt tại một số điểm cho bà con ngồi.

Theo ông Vũ Quý Kiên - trưởng phòng hạ tầng Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, do quỹ đất để xây dựng nhà chờ eo hẹp nên việc đặt nhà chờ có mái che rất khó. Năm nay, trung tâm dự kiến đặt thêm 100 nhà chờ ở một số điểm dừng có đông người đợi xe buýt.

Hỏng hệ thống báo điểm dừng

Hệ thống báo điểm dừng của nhiều tuyến xe buýt ở trung tâm thành phố (9, 45...) hay khu vực gần ngoại thành Hà Nội (20, 47...) đã không còn hoạt động. Điều này khiến nhiều người không thuộc phố xá khó biết điểm xuống và phải liên tục hỏi người bán vé hoặc hành khách đi cùng.

Ông Nguyễn Thủy, phụ trách hệ thống phát thanh trên xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, cho hay đơn vị này đã và đang thí điểm áp dụng hệ thống báo điểm dừng trên 50 tuyến xe buýt của công ty. Xung quanh việc hành khách phàn nàn nhiều tuyến xe buýt của công ty không có hệ thống phát thanh này, hoặc lúc có lúc không, ông Thủy lý giải: “Có thể do người lái xe quên mở hệ thống phát thanh hoặc cũng có thể do hệ thống chập chờn. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.

NGUYỄN HÀ - NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên