24/10/2019 10:49 GMT+7

Đổi mới giáo dục không phải bắt đầu từ số 0

VĨNH HÀ Thực hiện
VĨNH HÀ Thực hiện

TTO - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), chia sẻ như thế cùng Tuổi Trẻ trước những lo lắng của giáo viên về việc thử nghiệm cách dạy mới.

Đổi mới giáo dục không phải bắt đầu từ số 0 - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) trong buổi ngoại khóa thực nghiệm đo chu vi Trái đất trong ngày Xuân phân 21-3-2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Thành khẳng định việc Bộ GD-ĐT sẽ kế thừa những giá trị đã triển khai, thử nghiệm nhằm hướng đến mục tiêu mới phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình mới.

Không thể không thay đổi được

* Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung đổi mới giáo dục trong các nhà trường phổ thông, việc tiếp thu những thành quả này khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Nội dung các môn học sẽ hướng tới việc vận dụng, gần gũi với thực tiễn đời sống. Vì thế các mô hình, phương pháp dạy học tạo cơ hội cho học sinh học chủ động, tích cực, học qua trải nghiệm, thực nghiệm sẽ tiếp tục được phát huy.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện các phương pháp dạy học tích cực theo hướng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông.

Việc cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục giúp các trường có điều kiện xây dựng các nội dung dạy học, trải nghiệm theo chủ đề, dự án, triển khai các hình thức dạy học sáng tạo.

Các trường có thể thiết kế thời khóa biểu theo kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp và điều kiện dạy học của địa phương. Trong đó linh hoạt tổ chức các dự án học tập theo chủ đề liên môn.

Những thành quả từ các phương pháp này là một trong các cơ sở thực tiễn để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới giáo dục không phải bắt đầu từ số 0 - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

* Nhưng trên thực tế có nơi làm sai, nhiều nơi không có sự chuyển biến về việc thực hiện các phương pháp trên...

- Những nơi thực hiện chưa tốt và sa vào hình thức thường do chưa hiểu, thực hiện cứng nhắc. Các nhà trường chưa xây dựng được kế hoạch dạy học tích cực, kỹ năng nghiệp vụ của giáo viên chưa tốt, chưa được tập huấn kỹ, chưa có sự kết nối phát huy chất xám của đội ngũ giáo viên trong các tổ bộ môn.

Tuy nhiên, nếu bắt tay vào làm và điều chỉnh dần thì sẽ thấy không phải khó đến mức không làm được. Những nơi đã thực hiện tốt các mô hình, phương pháp dạy học tích cực, tôi tin khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.

* Cũng từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng các phương pháp dạy học tích cực sẽ bỏ quên những học sinh yếu do giáo viên để học sinh chủ động mà không có sự uốn nắn như cách dạy học truyền thống?

- Có ý kiến này do ở một số nơi triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực chưa đúng, có sự "tam sao thất bản". Chuẩn bị một tiết học công phu, học liệu, thiết bị hiện đại nhưng không nắm được mục đích, phương pháp phù hợp cũng trở thành hình thức. Ngược lại, hiểu rõ cốt lõi vấn đề thì có thể vận dụng sáng tạo với những học liệu không đắt tiền, đơn giản.

Một số nhà trường, giáo viên vì hiểu sai nên làm sai. Tôi ví dụ như mô hình trường học mới (còn gọi là mô hình VNEN) rất tốt nhưng bị phản ứng là do cách triển khai cứng nhắc, dẫn tới bị biến tướng.

Ở các phương pháp dạy học tích cực khác hay việc mở rộng không gian lớp học, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng thế - phải tùy thuộc vào yêu cầu môn học, chủ đề học tập, các giáo viên, tổ bộ môn thảo luận, cùng xây dựng nội dung dạy học một cách linh hoạt.

Xác định rõ giáo viên đang ở đâu

* Cụ thể thì việc tập huấn cho giáo viên sẽ phải triển khai thế nào để đáp ứng yêu cầu chương trình mới trên cơ sở phát huy những giá trị thực tiễn đã triển khai?

- Nhiều giáo viên lo khi triển khai chương trình mới vì họ nghĩ sẽ phải bắt đầu từ số 0. Nhưng thực tế không phải thế mà chương trình mới triển khai trên cơ sở kế thừa những giá trị đã có.

Điều quan trọng là xác định xem giáo viên đang ở đâu, cần bổ sung, hỗ trợ gì để đáp ứng yêu cầu mới. Yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong năm 2019 là cán bộ, giáo viên phải hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới, đối chiếu với chương trình hiện hành, từ mục tiêu của chương trình để xem có khác biệt gì và xác định cách thức phải triển khai.

Ở đây là cách thức để xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức bố trí giáo viên hợp lý và tập huấn giáo viên dựa trên những yêu cầu cụ thể.

* Còn về các mô hình, phương pháp giáo dục đã thực hiện, khi bước vào triển khai chương trình mới sẽ duy trì như thế nào?

- Những mô hình, phương pháp hướng đến việc dạy học tích cực đều phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai.

Chương trình được thiết kế mở, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo chủ động sáng tạo. Dĩ nhiên những khó khăn, hạn chế do điều kiện khách quan, do trình độ giáo viên, do cách hiểu sai sẽ phải khắc phục.

Đừng cứ thấy ý kiến trái chiều mà phủ nhận

* Nếu phát huy những mô hình, phương pháp dạy học tích cực vào chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông, cần rút ra bài học gì?

- Có hai điểm yếu phải khắc phục. Một là tập huấn giáo viên phải kỹ hơn, hai là tuyên truyền tốt để cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu được vấn đề cốt lõi của mục tiêu chương trình, các phương pháp dạy học được lựa chọn.

Còn một điểm nữa, nhìn lại quá trình triển khai những nội dung đổi mới giáo dục đã làm, tôi thấy chúng ta cần thay đổi tư duy. Đừng cứ thấy bị chê, thấy có ý kiến trái chiều thì co lại, thậm chí dừng thực hiện mà phải bình tĩnh, phân tích tình hình để xem những hạn chế, bất cập đến từ nguyên nhân nào.

Thử nghiệm cách dạy mới xong, kinh nghiệm là gì? Thử nghiệm cách dạy mới xong, kinh nghiệm là gì?

TTO - Cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung đổi mới thay cho cách dạy "đọc - chép" truyền thống. Bài học thành - bại trong các thử nghiệm này như thế nào?


VĨNH HÀ Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên