08/07/2022 08:02 GMT+7

Đổi mới đề thi để thay đổi dạy học

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Cả đề thi môn ngữ văn và môn toán trong ngày thi đầu tiên 7-7, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đều được đánh giá là an toàn, vừa sức nhưng không dễ để thí sinh đạt điểm cao.

Đổi mới đề thi để thay đổi dạy học - Ảnh 1.

Thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc môn văn tại điểm thi Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TP.HCM) sáng 7-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đánh giá cao đề thi môn ngữ văn và toán phù hợp với lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên các chuyên gia, nhà giáo khẳng định cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn trong việc ra đề thi, từ đó kéo theo sự thay đổi trong dạy, học và thi.

Đề văn: phản ứng trái chiều

Tại Hà Nội, khá nhiều thí sinh ra khỏi điểm thi với sự phấn chấn và cho rằng đề thi "dễ thở" vì rất căn bản. Nguyệt Hà, một thí sinh tại điểm thi THPT Phạm Hồng Thái, cho biết em làm xong bài còn 30 phút mới hết giờ. 

Đề thi đúng cấu trúc quen thuộc. Câu hỏi nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề gần gũi với học sinh. Câu nghị luận văn học với ngữ liệu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã được giáo viên dạy kỹ nên không có gì trở ngại. "Em hy vọng đạt điểm 7 trở lên" - Nguyệt Hà cho biết.

Một nhóm thí sinh khác ở điểm thi này cũng cho rằng chắc chắn đạt khoảng 6-7 điểm.

Tuy nhiên, theo một giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đề thi văn đúng cấu trúc đề thi tham khảo đã công bố và cũng bám sát chương trình học sinh đã học nhưng không dễ lấy điểm cao.

Cô giáo này cho rằng nếu yêu cầu thí sinh phân tích về số phận của con người trong "chiếc thuyền ngoài xa" sẽ dễ và quen thuộc hơn với thí sinh. Nhưng đề lại yêu cầu thí sinh liên hệ giữa hình ảnh con thuyền ở điểm đầu và điểm cuối truyện để làm rõ thông điệp quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Đây là một câu hỏi thực sự phân hóa.

Tương tự, một số giáo viên phổ thông ở Hà Nội cũng cho rằng câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp luôn khiến học sinh thấy "dễ thở" và lạc quan về kết quả. Nhưng ở đề thi năm nay, với yêu cầu viết về sự hy sinh của lớp người đi trước và trách nhiệm của giới trẻ, sẽ không có nhiều bài viết thực sự sâu sắc.

Nhóm giáo viên văn của hệ thống Hocmai nhận định "câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập".

Với phân tích của các thầy, cô giáo thì cách hiểu của thí sinh khác nhau sẽ có thể có những điểm tiếp cận, hướng triển khai bài viết khác nhau. Mức độ hời hợt hay sâu sắc, thấu đáo của mỗi bài viết cũng khiến điểm thi của thí sinh có khoảng cách và sẽ có những thí sinh thất vọng khi nhận kết quả thi.

Trong khi đó, ThS Phạm Thị Thanh Nga - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - đánh giá: 

"Dù đề cập đến những đơn vị kiến thức cơ bản nhưng đề vẫn có tính phân hóa, giúp phân biệt học sinh có khả năng cảm thụ tinh tế, biết chú ý đến các chi tiết đặc sắc và học sinh trung bình, thiếu khả năng liên tưởng, nhận xét. 

Phần liên hệ của đề có thể xem là một điểm sáng gợi mở tư duy, khơi gợi hứng thú của học sinh. Nhìn chung với đề này, thí sinh dễ đạt điểm trên trung bình nhưng khó đạt mức điểm giỏi".

Đổi mới đề thi để thay đổi dạy học - Ảnh 2.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trao đổi sau khi kết thúc thi môn toán chiều 7-7 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cần đột phá

Ông Trương Minh Đức - giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM - nhận định không phải riêng năm nay, đề thi môn văn tốt nghiệp THPT nhiều năm gần đây đều ra theo kiểu an toàn và thiếu sự đột phá. 

Như đề năm nay phần đọc - hiểu quá dễ, giúp thí sinh có điểm để tốt nghiệp THPT là phù hợp với tình hình học tập trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng câu hỏi về phần nghị luận xã hội thì quá cũ, không tạo "đất" cho học sinh thể hiện quan điểm trái chiều.

Bên cạnh đó, câu hỏi về nghị luận văn học thì lại lựa chọn ngữ liệu không phù hợp. Bởi đoạn trích trong đề thi không phải là phần chính nói lên thông điệp của tác phẩm. 

Câu hỏi phần mở rộng: "Từ đó liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống" thì như đánh đố thí sinh.

Bởi hình ảnh "chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió" không có trong đoạn trích của đề thi. Chỉ những thí sinh nào nhớ được chi tiết này khi học tác phẩm mới có thể làm tốt được.

Điều đáng nói ở đây chính là sự đổi mới. Khi đổi mới phương pháp dạy văn, giáo viên sẽ dạy cho học sinh kỹ năng phân tích, kỹ năng cảm thụ văn học... chứ không dạy học sinh phải ghi nhớ dữ liệu như trước đây. Thế nhưng với câu hỏi nghị luận văn học như năm nay thì đòi hỏi thí sinh phải nhớ các chi tiết trong tác phẩm.

"Do đó tôi mong Bộ GD-ĐT thường xuyên đổi mới đội ngũ giáo viên ra đề thi với hy vọng đề thi thực sự bám sát quá trình đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông. 

Đề thi phân hóa theo kiểu yêu cầu thí sinh phải sáng tạo, có sự cảm thụ văn học tốt. Chứ như đề thi năm nay, dễ thì có dễ nhưng thí sinh sẽ khó đạt được điểm cao, tôi dự đoán phổ điểm sẽ ở mức 6-7 điểm" - ông Đức nói.

Đổi mới đề thi để thay đổi dạy học - Ảnh 3.

Thí sinh dự thi môn văn sáng 7-7 tại điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày thi đầu tiên 22 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo thông tin nhanh từ Bộ Giáo dục và đào tạo, có 22 thí sinh bị đình chỉ thi trong ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên do mang điện thoại di động vào phòng thi (17 thí sinh) và mang tài liệu vào phòng thi (5 thí sinh).

Cả nước có 79 thí sinh là F0, trong đó có 18 thí sinh đến dự thi tại 20 hội đồng thi, 61 thí sinh không dự thi. Thí sinh F0 đều được bố trí dự thi ở phòng thi riêng, thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ.

Ngày thi đầu tiên có trên 99% số thí sinh đã đăng ký đến dự thi.

Đề toán: tính phân hóa cao

Theo thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), đề thi môn toán năm nay bám sát đề minh họa mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố trước đó. Thí sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt được 5-6 điểm nếu có học bài đàng hoàng.

"Tuy nhiên tôi cho rằng đề thi năm nay hay hơn năm trước vì phân hóa thí sinh khá nhuyễn. Trong đó có nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải tư duy mới làm được. Cách ra đề như thế này dần dần sẽ làm triệt tiêu tình trạng học vẹt, học tủ của học sinh.

Ngoài ra, đề thi năm nay cũng khắc phục được tình trạng ra đề quá dài, các câu hỏi của đề được biên soạn ngắn gọn, súc tích, rất phù hợp với một đề thi trắc nghiệm. Tóm lại, đề thi này phù hợp với mục tiêu 2 trong 1 của kỳ thi" - ông Ngọc nói.

Tương tự ý kiến thầy Ngọc, thầy Lê Văn Cường, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng đề toán năm nay có cấu trúc như đề thi của những năm gần đây.

Trong đó, kiến thức thuộc chương trình toán 11 có 5 câu, đều là những câu cơ bản; còn lại thuộc chương trình toán 12. "Đề thi năm nay phân hóa tốt hơn năm ngoái. Đề sẽ đáp ứng được 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học" - ông Cường khẳng định.

Tương tự, nhóm giáo viên toán của hệ thống Hocmai cũng đánh giá đề thi có tính phân hóa cao hơn đề thi năm trước. Nhưng vẫn có tới 38 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Số câu ở mức vận dụng, vận dụng cao không nhiều.

Đổi mới đề thi để thay đổi dạy học - Ảnh 6.

Tư liệu: TRẦN HUỲNH - Đồ họa: TUẤN ANH

Đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

TTO - Hết giờ làm bài thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, thí sinh cho biết đề không quá phức tạp nhưng cũng không dễ lấy điểm cao.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên