10/07/2016 09:34 GMT+7

Đời không như màu hồng

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO - TP Quy Nhơn trở thành điểm nóng của giới nghiên cứu khoa học cơ bản trên thế giới khi ở đó diễn ra sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 - 2016 với sự góp mặt của nhiều tên tuổi đỉnh cao trí tuệ loài người.

Cũng nhân dịp này, nhà báo chuyên viết về khoa học - ông Hàm Châu - đã ra mắt cuốn sách Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý dày đến hơn 800 trang.

Đọc cuốn sách của ông Hàm Châu, mới nhớ năm nay là tròn nửa thế kỷ cho sự kiện khoa học (chủ yếu dành cho giới vật lý) gắn với hai từ “gặp gỡ” mà cha đẻ ra nó chính là giáo sư Trần Thanh Vân.

Vào năm 1966, khi vừa tròn 30 tuổi, Jean Trần Thanh Vân khi ấy là tiến sĩ vật lý lý thuyết của Pháp đã nảy ra ý tưởng tổ chức những cuộc “gặp gỡ” (rencontres, tiếng Pháp) thay vì là những hội thảo, hội nghị, diễn đàn quen thuộc.

Tại sao vậy? Ở hội nghị, hội thảo, diễn đàn đương nhiên là phải có kẻ trên người dưới. Ở đó, ắt phải có khoảng cách giữa những chàng tiến sĩ trẻ tập tễnh vào con đường nghiên cứu khoa học cơ bản với những vị giáo sư lừng lẫy râu tóc bạc phơ.

Còn “gặp gỡ” của Trần Thanh Vân, ông không muốn có khoảng cách đó. Với “gặp gỡ”, bầu không khí phải thật cởi mở, không phân biệt già trẻ, tiếng tăm hay không tiếng tăm; và chỉ có khoa học thuần túy ngự trị.

Trên tinh thần đó, Gặp gỡ Moriond (tên một ngôi làng nhỏ bé bên dãy núi Alps trên biên giới Pháp - Ý) ra đời năm 1966. Cuộc gặp gỡ ấy có 20 nhà vật lý. Nghe kể về lịch hoạt động của Gặp gỡ Moriond là đã thấy thú vị: Sáng nghe thông báo chương trình và tranh luận về vật lý lý thuyết và thực nghiệm.

Từ 13g đến 16g đi trượt tuyết. Đến 17g30 về khách sạn họp và tranh luận tiếp. 20g ăn tối và tiếp tục bàn luận khoa học trong bữa ăn. Sau bữa ăn tối, các nhà khoa học người thì chơi đàn guitar, người chơi violin, người đi dạo...

Nghe kể lại thôi thấy đời nghiên cứu khoa học cơ bản đúng là màu hồng!

Tiếng lành của Gặp gỡ Moriond 1966 nhanh chóng đồn xa. Những lần sau, các nhà vật lý của các nước châu Âu, rồi Mỹ, dần dà lan tới cả châu Á xin tham gia. Thậm chí còn có nhiều cuộc gặp gỡ khác ra đời, như Gặp gỡ mùa đông Aspen (Mỹ), Gặp gỡ mùa đông ở hồ Louise (Canada), Gặp gỡ Aosta (Ý)...

Giáo sư Trần Thanh Vân, người con chôn nhau cắt rốn ở đất Quảng Bình, đã mang mô hình ấy về quê hương như một món quà ở tuổi xế chiều, đó chính là Gặp gỡ Việt Nam mà đến năm nay đã lên tuổi 12. Giáo sư Vân mong muốn Gặp gỡ Việt Nam với sự hiện diện của những tên tuổi “thượng đẳng thần” trong giới khoa học sẽ nâng cao thương hiệu quê hương.

Và quan trọng hơn cả, ông muốn sự kiện truyền thống này sẽ thổi vào thanh niên Việt tinh thần ham mê nghiên cứu khoa học cơ bản - món được xem là quan trọng bậc nhất để đưa loài người tiến bộ.

Thế nhưng, vào cái hôm khai mạc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12, tôi có dịp ngồi với một thạc sĩ trẻ có 5 năm thâm niên công tác ở một viện. Hỏi anh về sự kiện này thì nhận được nụ cười buồn. Rỉ rả tâm tình, mới nghe những chuyện chua cay của giới nghiên cứu khoa học cơ bản tại Việt Nam.

Đó là một ông viện phó có vài chục công trình đăng tạp chí quốc tế nhưng lương chỉ 6,5 triệu đồng/tháng! Còn anh thạc sĩ với hệ số lương 2.67, sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm còn đúng 2,6 triệu đồng để sinh sống.

Bởi vậy, chiều chiều anh thạc sĩ này phải phụ vợ dọn hàng bán áo quần bên lề đường ở quận 12 (TP.HCM)! Lương như thế, cuộc sống toàn loay hoay theo cơm áo gạo tiền như thế làm sao thấy màu hồng ở khoa học cơ bản, làm sao có tâm trạng đến với Gặp gỡ Việt Nam để bàn luận chuyện của vũ trụ, hạt Higgs, sóng hấp dẫn...

Đúng là đời không hoàn toàn màu hồng mà Gặp gỡ Việt Nam muốn tạo ra cho những người đam mê nghiên cứu khoa học!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên