18/09/2018 10:44 GMT+7

'Đội' cứu hộ cá heo

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Họ là những bạn trẻ làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng. Hễ có thông tin cần ứng cứu cá heo là họ lên đường, bất kể là đêm khuya hay mưa gió bão bùng. Họ tự bỏ tiền túi của mình để "hành hiệp" cứu những động vật hoang dã.


Đội cứu hộ cá heo - Ảnh 1.

Các bạn trẻ và chuyên gia của Vinpearl chăm sóc cá heo đi chữa trị trưa 30-6 - Ảnh: Đoàn Cường

Đó là "Đội" cứu hộ cá heo - Sasa Team.

Một buổi chiều cuối tháng 7. Nhóm cứu hộ Sasa nhận được tin về chú cá heo bị thương ở vùng biển Núi Thành, Quảng Nam. Lập tức liên lạc xác định vị trí, ít phút sau họ lên đường.

Hai đêm trắng

Ngay khi tiếp cận được chú cá heo, các thành viên nhanh chóng giải tán những người hiếu kỳ. "Cá heo rất thông minh, nếu mọi người tiếp cận sai cách khiến chúng hoảng, mất phương hướng nên sẽ lao đầu vào đá, san hô" - anh Lê Chiến – trưởng nhóm cho biết.

Các thành viên khẩn trương vệ sinh, sát trùng vết thương, tiếp nước cho cá heo...

Cá heo bị thương ở vùng biển rất hoang vắng. Trời về đêm sấm chớp đùng đùng, mưa gió dữ dằn nên "chú" cá heo bị thương hoảng loạng.

"Tụi mình dầm nước biển để ngồi nói chuyện, trấn tỉnh nó" - anh Chiến kể lại. Mất gần 18 tiếng đồng hồ dầm mình trong nước biển lạnh, giữa đêm tối như mực, sấm chớp xé trời. Chú cá heo với tên gọi Mun đã về với mẹ đại dương.

"Sau gần 2 giờ đồng hồ, qua 3 lần xác định hướng thì chú cá heo mới tìm đường về biển khơi. Mọi người chia nhau đi dọc bãi biển trong gần 1 giờ để xem chú cá heo có quay lại bờ không. Đồng thời nhờ người dân nếu có phát hiện thì thông báo cho nhóm" - anh Chiến cho hay.

"Tên Mun là lưu dấu kỷ niệm của một đêm đen tối mưa gió, kinh khủng. Và Mun là mạnh mẽ và rắn rỏi vượt qua tất cả" - anh Chiến tâm sự.

Vào cuối tháng 6, Sasa Team cũng đã trắng đêm trên biển Mỹ Khê, Đà Nẵng để cứu một "bé" cá heo bị thương. Chị Nguyễn Minh Thu - thành viên nhóm chia sẻ, tối 29-6, khi nhận cuộc gọi báo có cá heo bị thương nên đã huy động nhóm lập tức qua biển. Các bạn vừa cố gắng sơ cứu cá heo vừa liên hệ với các chuyên gia để nhờ hỗ trợ.

"Một chuyên gia ở Malaysia đã gọi skype hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu vết thương, cho cá heo ăn như thế nào" - chị Thu tâm sự. Suốt thời gian đó cho đến sáng, mọi người thức trắng đêm để nói chuyện với cá heo cho đến khi các chuyên gia của Vinpearl có mặt để đưa vào Nha Trang điều trị.

Bỏ tiền túi đi…cứu hộ

Giữa tháng 7-2018, Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa còn gọi là Sasa Team với 7 thành viên, tuổi đời từ 25-35 ra đời. Họ mỗi người làm một việc, người bán café, người hướng dẫn viên, nghiên cứu môi trường…

Nhưng khi nhận tin ứng cứu, các thành viên lập tức lên đường, và tự bỏ tiền túi của mình ra cho những cuộc giải cứu đó. "Có một điểm chung rất lớn của anh em là tình yêu thiên nhiên" - anh Chiến tâm sự.

Theo anh Chiến, nhóm sẽ tập trung vào các hoạt động cứu hộ sinh vật trên biển. Trên biển thì khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều kỹ năng như bơi, lặn, thể lực, hiểu biết về sinh vật đại dương, thú y… Ngay sau khi thành lập nhóm đã bắt tay vào quá trình tập luyện, trang bị các kỹ năng.

Những ngày này đi trên bờ biển Mỹ Khê sẽ nhìn thấy Sasa Team cần mẫn tập luyện bơi lội, rèn thể lực mỗi buổi sáng. Huấn luyện viên của họ là một chuyên gia cứu hộ biển. Đó là anh Đỗ Quang Anh- HDV du lịch tại Đà Nẵng.

Người huấn luyện viên này đến với nhóm cũng chính vì sự cảm mến tình yêu động vật của các bạn trẻ ở Đà Nẵng. Mỗi tuần anh sắp xếp công việc của mình và dành ra 3 buổi để tập luyện cho nhóm. Quang Anh cho biết thêm tình cờ chứng kiến các bạn trẻ cứu cá heo trên biển Mỹ Khê, anh đã tự nguyện tìm đến và hỗ trợ nhóm.

Anh Quang Anh chia sẻ thêm: "Mình được học cứu hộ của Hoàng gia Úc nên cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ và rèn luyện cho các bạn trong nhóm với mong muốn các bạn tự an toàn trên biển và cứu các nạn nhân - động vật trên biển" - anh Quang Anh tâm sự.

Cơ duyên từ đợt cứu Sasa đã giúp các thành viên kết nối được với chuyên gia cá heo của Vinpearl để trang bị cho nhóm những kiến thức cơ bản về thú ý, sơ cứu như thế nào, cách nhận biết vết thương….

Anh Chiến cũng chia sẻ thêm sắp tới, sẽ hình thành hotline, đồng thời gây dựng các cộng tác viên ở các địa phương để kịp thời ứng cứu động vật hoang dã. "Nhóm đang có kế hoạch dọn dẹp rác thải sau đó sẽ tái chế thành một sản phẩm để có thể chuyển thành tài chính, vừa bảo vệ môi trường. Không chỉ ở Đà Nẵng mà nhóm sẽ lan tỏa ra các tỉnh ở miền Trung" - anh Chiến tâm sự.

Nhật ký cứu hộ cá heo

"Trời mưa giông, sấm chớp đùng đùng nên hai anh em lấy thúng của ngư dân làm nhà. Muỗi quá trời đất nên lấy hoa sake làm nhang muỗi. Ở đây tụi tớ hay đi lượm hoa sake đực về phơi khô thay nhang muỗi, vừa bảo vệ môi trường vừa không độc hại vì khói. Em í đã được uống nước, ăn no và giờ đã ra khơi rồi.

Mun đã cho tụi mình thưởng thức cảm giác ngồi dưới trời mưa gió bão bùng, sấm chớp đùng đùng. Mun cho tụi mình tận hưởng một đêm giữa biển nước tối đến mức cách một bước chân cũng đã không thấy đường đi. Mun cho mình cảm giác hãi hùng khi ở một mình ngoài biển không có đèn và chớp sáng cả bầu trời ..." - Trích Nhật ký cứu hộ cá heo

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên