17/12/2015 06:57 GMT+7

Cưỡng đoạt tài sản Tân Hiệp Phát: luật sư nghi ngờ năng lực hội thẩm

HOÀNG ĐIỆP - THANH TÚ
HOÀNG ĐIỆP - THANH TÚ

TTO TRỰC TUYẾN - Phiên xử sơ thẩm diễn ra sáng nay 17-12 tại TAND tỉnh Tiền Giang. Bị cáo Võ Văn Minh bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản của công ty Tân Hiệp Phát.

Ông Võ Văn Minh tại phiên tòa sáng 17-12 - Ảnh: H.Điệp
Ông Võ Văn Minh tại phiên tòa sáng 17-12 - Ảnh: H.Điệp

11g. Phần xét hỏi của hội thẩm Nguyễn Thị Huệ, trong phần xét hỏi này, cả 2 luật sư bào chữa cho Võ Văn Minh đã có ý kiến phản đối.

Luật sư: Tôi nghi ngờ năng lực của hội thẩm.

Hội thẩm hỏi bị cáo có cảm thấy oan không?

Minh nói không rõ.

Bị cáo có phạm tội đó không?

Tôi không biết đó là phạm tội cưỡng đoạt tài sản và bị khởi tố.

Hội thẩm tiếp tục hỏi Võ Văn Minh về các hành vi yêu cầu đưa tiền, muốn có nhiều tiền mà không phải lao động. Và hỏi Võ Văn Minh suy nghĩ gì trong những ngày ngồi trong trại tạm giam.

Sau phần xét hỏi có hướng “truy bức”, luật sư Phạm Hoài Nam (bào chữa cho bị cáo Minh) đã đứng lên yêu cầu HĐXX tôn trọng Hiến pháp, HĐXX xem xét tình tiết vụ án rồi đưa ra bản án chứ không thể xét hỏi theo hướng buộc tội bị cáo như vậy được.

Dù được yêu cầu ngồi xuống nhưng luật sư Nam nói rằng mình có quyền đưa ra yêu cầu đó để bảo vệ bị cáo Minh.

Sau phần ý kiến của luật sư Nam, vị hội thẩm tiếp tục xét hỏi Võ Văn Minh, luật sư Nguyễn Tấn Thi đã đề nghị HĐXX ngưng phần xét hỏi đối với hội thẩm, ông Thi cho rằng: “tôi nghi ngờ năng lực của vị hội thẩm này”.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Tôi nghi ngờ năng lực của hội thẩm - Ảnh Hoàng Điệp

 

 

Tân Hiệp Phát bị thiệt hại cả ngàn tỉ?

10g25. "Xin HĐXX khoan hồng cho anh Minh" - là khẳng định của bà Trần Ngọc Bích, giám đốc của Tân Hiệp Phát khi nói về thiệt hại trong 1 năm qua của Tân Hiệp Phát khi xảy ra vụ án “con ruồi”.

HĐXX hỏi bà Trần Ngọc Bích, bà Bích nói rằng bà trình bày tất cả các vấn đề. Bà Bích nói, bà là giám đốc của Tân Hiệp Phát, hiện nay thực hiện nhiệm vụ điều hành.

Công ty Tân Hiệp Phát có cổ phần góp vốn gồm 3 thành viên.

Về quy trình, thì các thành viên giao quyền cho giám đốc trong phạm vi điều hành hàng ngày bà Bích nói bà có toàn quyền quyết định.Còn khi quyết định đến số lượng tài sản lớn thì có xin ý kiến của Hội đồng thành viên.

Khi xảy ra vụ việc con ruồi năm 2014, bà Bích nói bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ đến công ty và đề nghị đổi chai nước với giá 1 tỷ.

Khi nhận được thông tin về chai nước ngọt của công ty có con ruồi, bà Bích nói rằng yêu cầu các nhân viên giải thích cho khách hàng, cụ thể là nhân viên Trương Tiểu Long (bộ phận khách hàng) trực tiếp tiếp xúc khách hàng. Sau đó, bà trực tiếp phân công Long liên hệ và gặp trực tiếp khách hàng.

"Công ty chỉ quy định các khách hàng đã được tiếp nhận thông tin và giải thích quy trình sản xuất tại công ty, nếu có sản phẩm có lỗi thì xin sản phẩm về để phân tích nguyên nhân. Một số khách hàng thì chúng tôi có phản hồi" - Bà Bích nói, việc giải quyết này, có quy trình hẳn hoi.

Chủ tọa hỏi, nếu nhân viên trực tiếp thỏa thuận với khách hàng thì giải quyết sao? Chúng tôi thấy rằng sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ có giá 10 ngàn, nên không thể có giá thỏa thuận nào khác.

Có khi nào chị nghĩ chai nước đó giả không?

Quy trình sản xuất của công ty chặt chẽ, khi có sản phẩm lỗi, thì cũng tôi muốn thu hồi về để phân tích xem sao lỗi, hay có phải sản phẩm giả không.

Như vậy, lần đầu tiên xuống, các bên gặp nhau, nhân viên Trương Tiểu Long báo về rằng đã giải thích nhưng chúng tôi không đồng thuận. Khi đem về báo cáo tình trạng đó, tôi nghe báo cáo.

Chủ tọa hỏi có ai hăm dọa công ty không thì bà Bích nói rằng, ngay lần thứ 2, ông Minh đã có lời hăm dọa rằng nếu công ty không đưa tiền thì sẽ đưa thông tin lên mạng.

Lần thứ 2 có kết quả gì không?

Dù chúng tôi đưa 2 người đi nhưng không đạt được kết quả, và chúng tôi không đạt được kết quả. Sau đó chúng tôi tiếp tục nhận được yêu cầu đòi tiền. Đến lần này, tôi cử nhân viên là trợ lý của tôi đến gặp và nói thông cảm.

Có bao giờ thống nhất cho Minh 100 triệu không?

“Chúng tôi không bao giờ thống nhất cho anh Minh 100 triệu.  Và sau lần thứ 3 chúng tôi cũng không tìm được tiếng nói chung”. Bà Bích nói.

Chúng tôi nghĩ, chỉ còn vài ngày nữa là Tết, nếu có chuyện gì xảy ra thì ảnh hưởng đến đời sống của anh em, bởi vậy, lúc ấy chúng tôi làm đơn nhờ công an giúp đỡ.

Tôi viết đơn ngày 21 và ngày 23 mới gửi đơn, do anh Long đưa đi gửi.

Khi gửi đơn, anh Long trình bày, công an ghi nhận vụ việc.

Sau đó, có bị áp lực gì nữa không?

Anh Minh vẫn tiếp tục đòi tiền, chúng tôi quyết định chi số tiền

Tại sao vừa báo công an, vừa chi tiền?

Khi tôi đưa đến công an, công an ghi nhận nhưng anh Minh vẫn o ép, vậy nên tôi sợ rằng cơ quan công an làm chậm thì hậu quả rất lớn.

Việc chi 500 triệu, tôi tự chi, và trong phạm vi quyết định trong tình huống rất nhiều áp lực buộc phải chi để đảm bảo công an việc làm cho anh em. Sau khi quyết định chi tiền thì giao cho anh Long.

Sau khi quyết định chi tiền, có liên lạc với cơ quan công an không?

Chúng tôi không nghe công an hồi báo lại.

Tại sao chi 500 triệu mà sợ sệt lo lắng?

Thời điểm đó chỉ còn vài ngày nữa Tết, nên tôi muốn mọi việc ổn thỏa để công ăn việc làm đảm bảo, khi đó không còn cách nào khác, tôi rất lo sợ.

Tác hại đối với việc này rất lớn, bởi chúng tôi tin rằng những thông tin đưa ra chưa được kiểm chứng, chúng tôi không kiểm soát được, và chúng tôi có thể thất thoát lãi suất kinh doanh với con số lớn.

Thực tế, công ty có bị ảnh hưởng lớn không?

Thiệt hại rất lớn, lên đến cả ngàn tỷ, bởi ảnh hưởng đến doanh số, công việc của anh em, đời sống anh em, hàng trăm cửa hàng kinh doanh.

Công ty có đề nghị bồi thường không?

Bản thân chúng tôi thiệt hại nhiều, nhưng tôi không yêu cầu bồi thường về trách nhiệm dân sự do anh Minh gây ra.

“Xin xem xét các tình huống giảm nhẹ, khoan hồng cho anh Minh”. Bà Bích nói.

 

Bị cáo Minh bị gài?

Khi viết giấy yêu cầu đưa tiền, bị cáo không biết điều ấy gây bất lợi cho mình.

Bị cáo Võ Văn Minh đã trả lời HĐXX như vậy về việc yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa tiền khi phát hiện con ruồi trong chai nước.

9g50: HĐXX hỏi bị cáo Minh về việc liên lạc với Tân Hiệp Phá, bị cáo Minh nói nếu Tân Hiệp Phát không trả tiền thì anh Minh sẽ đưa thông tin cho người tiêu dùng biết.

Minh cũng nói, mục đích lấy tiền của Tân Hiệp Phát là muốn mua mấy miếng đất.

HĐXX xét hỏi để làm rõ về việc Minh biết rõ Tân Hiệp Phát là công ty có uy tín, bởi vậy hù nhân viên liên hệ với mình. Đồng thời, HĐXX cũng làm rõ việc Minh đã viết giấy đưa cho nhân viên của Tân Hiệp Phát tên là Trương Tiểu Long để anh Long báo lại với công ty.

Khi bị cáo viết giấy và ký vào giấy yêu cầu, Minh nói không biết việc làm ấy gây bất lợi cho mình, kể cả khi về nhà rồi.

Bị cáo Minh nói rằng không biết quy trình sản xuất của công ty thế nào, mà chỉ biết là có con ruồi trong chai nên yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa tiền để đổi lại chai nước.

Sau 2 lần thỏa thuận không thành, Minh nói với nhân viên của Tân Hiệp Phát nếu không đưa tiền thì sẽ in 5.000 tờ rơi, sẽ đưa lên chương trình 60s.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng, khi xảy ra vụ việc, Minh biết rõ công ty có uy tín, thương hiệu, nên hù đưa lên mạng cho nhiều người biết. Bị cáo có biết cách lên mạng, có tờ rơi thế nào…

Lần thứ 3, nhân viên của Tân Hiệp Phát thống nhất đưa 500 triệu, hẹn gặp ở quán cà phê. Quán đó rất đông người.

Trong lần cuối cùng này,  phía công ty có 3 người đi gặp bị cáo. Khi vào gặp nhau các bên không trao đổi nhiều, mà chỉ thỏa thuận Tân Hiệp Phát nhận chai nước rồi đưa tiền cho bị cáo.

8g45. Phát biểu trong phần thủ tục tại phiên tòa, luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên Trần Đình Tâm, bởi ông Tâm tiếp nhận đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát, đồng thời, ông Tâm cũng là điều tra viên chính.

Luật sư Phạm Hoài Nam, bào chữa miễn phí cho Võ Văn Minh cho rằng điều tra viên có dấu hiệu không vô tư khách quan trong điều tra vụ án.

Luật sư Nam cũng đề nghị triệu tập luật sư Nguyễn Trung Trực, luật sư này tham gia bảo vệ Tân Hiệp Phát đã tham gia buổi hỏi cung Võ Văn Minh. Đây là điều làm bất lợi cho Võ Văn Minh và có dấu hiệu làm lộ bí mật điều tra vụ án.

Các nhân viên của Tân Hiệp Phát tiếp xúc với Võ Văn Minh trong lời khai được xác định là bị hại, nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì những người này không còn là bị hại nữa mà trở thành nhân chứng.

Luật sư Nam cũng cho rằng vụ án có dấu hiệu của việc thương lượng dân sự chứ không phải là hình sự.

Bị cáo Minh tại phiên tòa
Bị cáo Minh tại phiên tòa
Đại diện công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa
Đại diện công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa
Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa cho bị cáo Minh
Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa cho bị cáo Minh
Thân nhân bị cáo Minh có mặt rất sớm tại phiên tòa
Thân nhân bị cáo Minh có mặt rất sớm tại phiên tòa
Vật chứng tại phiên tòa
Vật chứng tại phiên tòa

Xem xét lại tư cách của luật sư bảo vệ Tân Hiệp Phát

Luật sư Nguyễn Tấn Thi (người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh), cho rằng phiên tòa vắng đến 4 người làm chứng, do đó LS đề nghị phải có mặt các nhân chứng là những nhân viên Tân Hiệp Phát, và những người đã chứng kiến sự việc.

Luật sư Thi cũng đề nghị HĐXX xem xét ai là người bị cưỡng đoạt tài sản, ai là người sợ hãi, bị uy hiếp.

"Đề nghị giám định thiệt hại của Tân Hiệp Phát khi xác định Tân Hiệp Phát là nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án.

Các nhân viên của Tân Hiệp Phát đã thương lượng, hòa giải với ông Võ Văn Minh, đây không phải là những người khách quan, tôi thấy rằng, những người này có hành vi thương lượng. Bởi vậy, đề nghị đổi tư cách tố tụng của những người này, họ không phải là người khách quan, biết sự việc.

Đề nghị xem xét lại tư cách tố tụng của luật sư Nguyễn Đức Hoàng, bởi luật sư này đã dự cung buổi lấy cung Võ Văn Minh và có thể toàn bộ nội dung điều tra đã bị lộ bí mật.

Đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tố tụng của các luật sư này. Họ không thể có tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại trong phiên tòa này" - luật sư Thi nói.

Phát biểu tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Đức Hoàng, bảo vệ quyền lợi cho Tân Hiệp Phát cho rằng những đề nghị của luật sư Thi là cảm tính và tư cách tố tụng của nhân chứng là đúng pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh.

Đúng 8g, ông Võ Trung Hiếu, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và làm thủ tục khai mạc phiên tòa.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa này là 2 kiểm sát viên Võ Hồng Phương và Võ Hải Phương.

Trước khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chai nước ngọt hiệu Number One màu vàng, vật chứng của vụ án cũng đã được đưa đến phiên tòa.

Đại diện bị hại là Công ty TNHH Tân Hiệp Phát cũng đã có mặt tại phiên tòa.

Chai nước ngọt vật chứng tại phiên tòa: Ảnh Hoàng Điệp.

Bà Trần Ngọc Bích, giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, đại diện bị hại đã có mặt trực tiếp tham gia phiên tòa. Ảnh: Hoàng Điệp

* 7g40. Bị cáo Võ Văn Minh được dẫn giải đến tòa, thần sắc của Võ Văn Minh tốt. Cha và mẹ của Võ Văn Minh cũng đã có mặt tại phiên tòa rất sớm.

Cáo trạng cho rằng ông Minh (30 tuổi, ngụ tại Cái Bè, Tiền Giang) đã có hành vi sử dụng chai nước ngọt có ruồi của Tân Hiệp Phát để uy hiếp, buộc Tân Hiệp Phát phải trả cho mình 500 triệu đồng.

Đổi chai nước có ruồi lấy 500 triệu đồng

Theo cáo trạng, ông Võ Văn Minh là người bán bún riêu kèm nước giải khát tại ngã ba An Cư (xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Ngày 3-12-2014, tại quán của mình, ông Minh phát hiện chai nước Number One loại chai 350ml của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi nên nảy sinh ý định dùng chai nước này để đe dọa, yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát giao tiền cho mình.

Ngày 5-12-2014, ông Minh đã điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu đưa 1 tỉ đồng để đổi lấy sự im lặng. Nếu không sẽ đưa vụ việc lên chương trình 60 giây, đăng tải lên báo và in 5.000 tờ rơi nêu nội dung chai Number One có ruồi nhằm hạ uy tín của công ty này.

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đã ba lần đến thương lượng với ông Minh nhưng ông vẫn không thay đổi ý định “đổi tiền lấy sự im lặng” nên Công ty Tân Hiệp Phát đã đưa cho ông Minh 500 triệu đồng vì lo sợ uy tín bị ảnh hưởng.

Ngày 27-1-2015, đích thân bà Trần Ngọc Bích - giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - đã phân công ba cán bộ của mình đem 500 triệu đồng đến một quán cà phê trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè giao cho ông Minh. 

Ngay khi nhận tiền (có ký giấy biên nhận) từ phía đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát, ông Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ.

Ngay sau khi Võ Văn Minh bị công an Tiền Giang bắt giữ, đã diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt trong giới chuyên gia luật pháp.

Có quan điểm cho rằng việc bắt giữ là có đủ cơ sở pháp lý vì Võ Văn Minh đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng ý kiến mạnh mẽ khác thì cho rằng, vụ việc hoàn toàn là giao dịch dân sự, và ông Võ Văn Minh có quyền yêu cầu bồi thường trên cơ sở quyền lợi của khách hàng tiêu dùng.

Cần làm rõ hành vi của nhân viên Tân Hiệp Phát?

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, tại bút lục số 283 (biên bản giao nhận cáo trạng) được lập giữa kiểm sát viên và bị can Võ Văn Minh cho thấy, trong phần ghi ý kiến của bị can ông Minh khẳng định những lời khai của bị can với cán bộ điều tra không được ghi đầy đủ.

Theo ông Minh, lúc đầu ông Minh đòi 1 tỉ đồng nhưng Tân Hiệp Phát không chấp nhận, sau đó, hai bên thỏa thuận nhiều lần mới xuống mức 500 triệu, và đại diện của Tân Hiệp Phát đã nói giao cho ông 100 triệu nhưng ông Minh không chịu.

Vì vấn đề có sự “thỏa thuận” hay không giữa Tân Hiệp Phát và ông Võ Văn Minh, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng nếu Võ Văn Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì cũng cần phải xem xét hành vi dẫn dắt, mồi chài, mặc cả để cho Võ Văn Minh phạm tội.

Bởi thực chất, Võ Văn Minh là người không am hiểu pháp luật, bất quá chỉ là một người quá tham lam, hành vi đáng bị lên án.

Còn những nhân viên của Tân Hiệp Phát được cử đi gặp Võ Văn Minh là những người am hiểu pháp luật, nhưng lại không giải thích cho Võ Văn Minh hiểu mà lại mặc cả, thỏa thuận để cho Võ Văn Minh tin rằng hành vi của mình là đúng, dẫn đến Võ Văn Minh vi phạm pháp luật.

“Việc có thỏa thuận hay không, có hành vi mồi chài, dẫn dắt hay không cần phải được làm rõ trong phiên tòa, và nếu nhân viên Tân Hiệp phát có hành vi này, thì họ không thể vô can” - ông Hùng nói.

Chuyên gia khác cũng cho rằng, việc Tân Hiệp Phát đưa hàng loạt khách hàng của mình vào bẫy bằng cách: tiếp nhận thông tin khách hàng, đi gặp khách hàng, hẹn giao tiền và báo công an “bắt sống”.

Thực tế, không phải chỉ có Võ Văn Minh bị bắt vì hành vi này, đã có ít nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp Phát đã bị công an bắt, trong đó có 2 người ở TP.HCM đã phải chịu các mức án khác nhau.

Riêng một trường hợp của một khách hàng tại Biên Hòa (Đồng Nai) thì sau khi công an bắt thì đã thả ra và có công văn xin lỗi vì đã bắt sai.

Chưa rõ ai mở chai nước ngọt

Cáo trạng cũng nêu rõ theo kết luận giám định đối với chai Number One của Viện Khoa học hình sự tại TP.HCM, các dị vật bên trong chai nước gửi giám định là bộ phận cơ thể ruồi.

Không phát hiện thấy vết rách, thủng chai; nắp chai có dấu vết biến dạng; có dấu vết trượt xước lạ bên trong nắp chai, dấu vết có chiều hướng từ dưới lên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra...

Đồng thời kết luận cũng nêu nắp chai Number One gửi giám định đã được mở ra khỏi chai và đóng nắp chai lại.

Tuy nhiên, cáo trạng không làm rõ việc ông Minh hay có ai đó đã mở nắp chai nước Number One dẫn đến có con ruồi bên trong.

Bởi, các lời khai của Minh tại cơ quan điều tra cho thấy, ông Minh không phải là người mở chai nước có ruồi cho đến khi trao nó cho đại diện của Tân Hiệp Phát.

Ông Võ Văn Minh (phải) tại cơ quan điều tra khi bị bắt
Ông Võ Văn Minh (phải) tại cơ quan điều tra khi bị bắt

 

 

HOÀNG ĐIỆP - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên