08/11/2017 10:04 GMT+7

Đổi cách đóng BHXH để tăng lương hưu

Đ.BÌNH - M.HIẾU ghi
Đ.BÌNH - M.HIẾU ghi

TTO - Bàn thêm về “Giải bài toán lương hưu thấp”, nhìn sang các nước họ áp dụng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc có sự chia sẻ của nhà nước để tạo mức lương hưu tốt cho người dân.

Đổi cách đóng BHXH để tăng lương hưu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội: để lương hưu của nhiều người không ở mức thấp như hiện nay, cần phải cải cách chính sách tiền lương và có hệ thống BHXH đa tầng, trong đó cần có sự chia sẻ và có sự tham gia của nhà nước như cách làm ở Trung Quốc.

Trung Quốc không quy định BHXH bắt buộc hay tự nguyện, mà là BHXH theo khu vực. Ở khu vực nông thôn, họ quy định 3 mức đóng, thấp nhất là mức tiền tương đương 3 USD, 6 USD và cao nhất là 20 USD - tương đương với đó là các mức hưởng khi hưu. 

Nhà nước sẽ bù mức đóng cho người lao động khó khăn, thường là người lao động chỉ phải đóng 50%, còn lại 50% là sự chia sẻ, "đóng bù" của địa phương và trung ương.

Việt Nam cần quy định nhiều tầng nấc, cách đóng, hưởng BHXH. Tầng thấp nhất, như bên Trung Quốc, BHXH kiểu như trợ giúp xã hội, quy định 3 mức đóng tối thiểu 3-6-20 USD và nhà nước phải tham gia tài trợ mức đóng, mức hưởng. 

Tầng thứ 2 nên là BHXH bắt buộc theo từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, ai đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao, đóng ít hưởng ít. Tầng thứ 3 là BHXH tự nguyện để những người thu nhập cao họ tự nguyện mức đóng để hưởng chế độ hưu trí tự nguyện.

Còn một điều cần lưu ý là BHXH có liên quan rất nhiều đến chính sách lương. Như trong khối nhà nước, người lao động đi làm được lương trên 10 triệu đồng một tháng nhưng lại đóng BHXH trên mức lương cơ sở chỉ khoảng mấy triệu đồng thì không hợp lý. Phải thay đổi để đóng BHXH theo mức lương thực tế, từ đó mới có mức lương hưu cao.

Kinh nghiệm từ Singapore, Đan Mạch

Ở Singapore, chương trình Quỹ Dự phòng trung ương (CPF) được đánh giá là hệ thống hưu trí tốt nhất châu Á. Quỹ hoạt động với nguồn tài chính được trích từ chính người lao động và bên sử dụng lao động.

Đa số người lao động ở Singapore sẽ đóng 34,5% tiền lương của mình vào chương trình CPF, với người làm công trung bình chịu 20%, còn bên sử dụng lao động trả 14,5%.

Người sử dụng lao động buộc phải đóng CPF cho nhân viên có thu nhập quá 25 EUR/tháng. Còn người lao động sẽ đóng vào quỹ khi có thu nhập trên 247 eur/tháng và phải đảm bảo số tiền dự trữ trong tài khoản hưu trí ở mức tối thiểu 155.000 USD, không được rút cho tới khi nghỉ hưu.

Tại "thiên đường hưu trí" Đan Mạch, nước đứng đầu thế giới ở lĩnh vực này 6 năm liên tục, người dân được trang bị kế hoạch nghỉ hưu bằng nhiều khoản. Khoản bảo hiểm công là hạng mục do chính phủ tài trợ hoàn toàn cho công dân mà không cần quan tâm họ đã đóng góp bao nhiêu trong quá khứ.

Ngoài ra, lao động ở Đan Mạch nhận thêm khoản tiền nữa từ chương trình ATP. Họ sẽ phải đóng một khoản nhất định vào chương trình này, nhưng bên sử dụng lao động sẽ chịu 2/3.

NHẬT ĐĂNG

Đ.BÌNH - M.HIẾU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên