10/06/2015 11:55 GMT+7

Đọc sách dạy làm giàu để giàu có...tâm hồn

NGUYÊN MINH
NGUYÊN MINH

TTO - Đọc sách nói chung và đọc sách kỹ năng (self help) nói riêng là một cách hay để tích lũy vốn sống. Tôi đọc đâu đó rằng: “Đọc sách là cách duy nhất giúp ta sống nhiều hơn một cuộc đời”.

Là một sinh viên, đối với tôi đọc sách là một sở thích vừa có ích mà lại không quá tốn kém. Trước đây thể loại ưa thích của tôi là sách văn học, từ khi lên đại học tôi đã bổ sung một vài cuốn kỹ năng sống, dạy làm giàu và tu dưỡng đạo đức.

Việc thay đổi này một phần là do tò mò và một phần do nhiều thầy cô khuyên tôi nên thử đọc những loại sách này vì biết đâu sẽ có ích, bản thân trưởng thành hơn.

Thế là tôi chọn cho mình quyển sách về kỹ năng đầu tiên Đắc nhân tâm. Lúc đó quyển sách này rất “hot”, có nhiều apphich quảng cáo và khu trưng bày nổi bật. Kể từ đó tôi bắt đầu chú ý hơn đến gian hàng sách kỹ năng và thỉnh thoảng “tậu” cho mình vài quyển.

Ban đầu khi đọc loại sách này tôi thấy rõ một điều là chúng rất “nhẹ”, không cần phải suy nghĩ nhiều như thể loại văn học nặng đầu. Hơn thế nữa những điều được viết thường là điều đã xảy ra trong cuộc sống của một người nào đó, họ gặp khó khăn, vượt qua và họ chia sẻ cách mình làm.

Tuy nhiên không phải quyển sách nào tôi cũng thích và trong mỗi quyển chỉ có vài phần là tôi cảm thấy có ích đối với bản thân.

Như quyển Tôi tài giỏi bạn cũng thế của Adam Khoo, khi mới bắt đầu đọc tôi rất thích vì cách vượt lên từ một học sinh yếu thành giỏi của tác giả và cách tác giả vận dụng sơ đồ tư duy.

Nhưng khi đọc sâu hơn tôi lại cảm thấy nó không hợp với mình nữa, nhiều lúc tác giả viết ra những việc đậm chất cá nhân mà không phải ai cũng có thể học hỏi.

Tính đến nay tôi cũng chỉ đọc được gần 20 quyển ở thể loại này, có thể kể: Đời thay đổi khi ta thay đổi (Andrew Matthews), Đừng bao giờ đi ăn một mình (Keith Ferrazzi và Tahl Raz ), Dốc hết trái tim (Howard Schultz và Dori Jones Yang), Quẳng gánh lo đi mà vui sống (Dale Carnegie), ...

Đôi khi tôi tìm thấy một vài câu nói tâm đắc, những suy nghĩ, những cách đối phó với khó khăn… tôi ghi chép lại trong một quyển sổ riêng mà tôi hay gọi đùa là “Kinh thánh của bản thân”, lâu lâu cảm thấy mệt mỏi, cần một phút bình tâm lấy ra đọc tự dưng thấy bản thân ít nhiều cũng thay đổi một cách tích cực.

Ví dụ, đi trên đường thi thoảng vài người vô tình va phải tôi, nếu là trước đây tôi đã phản ứng dữ dội, nhưng giờ nếu không có gì nghiêm trọng tôi cũng không để bụng. Bản thân tôi cũng từng phóng xe nhanh nên việc va chạm nhẹ đôi khi không tránh khỏi, vậy tại sao lại cứ nghĩ rằng người khác cố ý làm thế? Đó là những gì mà quyển Đắc nhân tâm dạy tôi, trước khi phê phán người khác hãy nhìn lại chính mình.

Nhưng việc ứng dụng sách là hoàn toàn không dễ bởi chúng đòi hỏi việc bạn phải thay đổi thói quen của mình. Thường những quyển về bí quyết thành công hay khuyên những việc đơn giản như khi đi học nên học bài mỗi ngày, ghi chép lại cẩn thận, đừng để đến tận ngày thi mới học, điều này đọc qua ai cũng biết như thế là đúng, cần làm theo nhưng đâu dễ áp dụng.

Tôi thay đổi được thói quen xấu “nước tới chân mới nhảy” một phần do ảnh hưởng từ sách, nhưng cũng có một phần do tự mình thấy được hậu quả mà đổi thay. Vì vậy đọc sách rút ra được điều hay là tốt nhưng muốn thật sự thấm thía và áp dụng được thì trải nghiệm của bản thân là điều hết sức cần thiết, “có nếm mới biết mùi”.

Hiện nay sách dạy kỹ năng, bí quyết thành công, tư duy tích cực… đang là một mảng sách chiếm lĩnh thị trường. Nhiều người ủng hộ nhưng nhiều người lại cho rằng những quyển sách này, đặc biệt là sách dạy làm giàu, chỉ dành cho những người làm ăn lớn thôi, đọc coi chừng bám theo lối sống thực dụng. Tôi không hoàn toàn đồng ý, mỗi người có một quan điểm riêng.

Trước đây tôi từng cho rằng chuyện của người ta làm sao mình theo được, mình đâu có giống những người đó. Tuy nhiên, sau khi đọc qua nhiều sách tôi mới phát hiện rằng đôi khi những điều mình học được nằm xa hơn mục đích vật chất.

Tôi đọc sách trước hết là để làm giàu tâm hồn. Những gì viết trong sách vốn dĩ theo quan điểm riêng của một cá nhân hay một tổ chức, cho nên điều gì bản thân thấy thực dụng, thấy đáng chê trách thì chỉ cần ghi nhớ không phạm phải, những gì hay, những gì tốt cứ tiếp thu.

Đọc sách nói chung và đọc sách kỹ năng nói riêng là một cách hay để tích lũy vốn sống. Tôi đọc đâu đó rằng: “Đọc sách là cách duy nhất giúp ta sống nhiều hơn một cuộc đời”.

Thế nhưng chúng ta còn có thể học hỏi những điều trên bằng cách tự mình góp nhặt qua hằng ngày, thông qua những gì ta thấy, ta làm hoặc tham gia các phong trào tình nguyện, các lớp học, câu lạc bộ dạy kỹ năng hay tìm một việc làm thêm tại trung tâm tiếng Anh như tôi chẳng hạn.

Đối với tôi vốn sống được tích góp tốt nhất là chính mình trải nghiệm.

[poll width="400px" height="230px"]149[/poll]

* Mời bạn tiếp tục trao đổi ý kiến, quan điểm của mình về câu chuyện này qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên