04/03/2022 08:30 GMT+7

Doanh nghiệp Việt ứng phó ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây xáo trộn cho cả hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường này của Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan cùng doanh nghiệp đang tìm phương án ứng phó.

Doanh nghiệp Việt ứng phó ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phẩn kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trong khi xuất khẩu gặp khó vì vận chuyển hàng đi Nga phải qua các cảng trung chuyển tốn thêm thời gian, chi phí và thanh toán khó khăn, thì ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga và Ukraine như lúa mì, bắp, phân bón... có dấu hiệu khan hàng, giá tăng.

Hàng phải nằm chờ ở cảng

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021 Việt Nam xuất sang Nga khoảng 550 triệu USD hàng nông - lâm - thủy sản. Trong đó thủy sản (164 triệu USD), cà phê (173 triệu USD), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm khoảng 2%).

Khi xung đột nổ ra, việc xuất khẩu sang Nga phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu và chi phí cao. Các doanh nghiệp đang theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc xuất sang các thị trường khác.

Ngày 3-3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có công văn gửi Bộ NN&PTNT xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm 2022 từ 3,8 tỉ USD xuống còn 3,2 tỉ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với năm 2021. Vinacas dẫn lý do lo ngại bất ổn chính trị thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều tại Bình Phước cho biết các khách Nga đã dừng đặt đơn hàng mới. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng không dám ký hợp đồng mới với Nga bởi quá rủi ro. "Vận chuyển hàng có sự thay đổi, không thể đi thẳng sang Nga, trong khi thanh toán gặp khó vì Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT", vị này cho biết.

Ông Đặng Hoàng Giang, tổng thư ký Vinacas, cho biết với các lô hàng đã xuất bến tại Việt Nam lúc này không thể đến trực tiếp cảng Nga mà phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan. Tại đó, hàng hóa sang Nga sẽ phải đợi để đi tiếp nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. "Các hãng tàu thông báo với doanh nghiệp như vậy, phải lưu bãi chi phí càng tăng thêm", ông Giang cho hay.

Doanh nghiệp Việt Nam thường giao hàng tới cảng của người mua kèm bộ chứng từ để khách hàng làm việc với ngân hàng chuyển tiền. Nay thanh toán khó khăn, hồ sơ lênh đênh trên biển hoặc nằm ở cảng trung gian chưa biết bao giờ mới tới.

Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều sang Nga chiếm 1,63% tổng lượng điều xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch năm 2021 là 61,8 triệu USD. "Dù Nga không phải thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng cũng gây tác động dây chuyền với các thị trường khác và ảnh hưởng đến giá mua điều nguyên liệu trong nước khi tháng 3 này là thời điểm thu hoạch chính", ông Giang nhận định.

Chiến tranh ảnh hưởng giá... cám

Trong những ngày đầu tháng 3 đến nay, các nhà máy cám đang lùng mua nguyên liệu nội địa do giá thế giới tăng đến mức phi lý. Giá bắp về cảng là 8.950 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. "Chưa bao giờ chính vụ đông xuân ở ĐBSCL mà giá tấm mua cho heo ăn đắt hơn giá mua gạo là do các công ty thức ăn chăn nuôi trong nước phải bổ sung nguồn nội địa vì nhập khẩu khó khăn và giá tăng quá cao", vị giám đốc này cho hay.

Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lúa mì chính cho chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới. Việc họ giảm xuất khẩu sẽ tác động trực tiếp đến giá cả chung theo quy luật cung cầu. Không chỉ thế, giá khô dầu đậu nành cũng tăng cao kỷ lục.

Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như lúa mì (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Úc, Nam Mỹ, Nam Phi.

Cuộc chiến Nga - Ukraine cũng đẩy giá lúa mì, ngô... trên thế giới tăng 10 - 20%, phân bón tăng trên 20%.

Tìm giải pháp thích ứng

Bộ NN&PTNT cho biết đang theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội ngành hàng như: VASEP, Hiệp hội Cà phê - ca cao (VICOFA), Hiệp hội Điều, Hiệp hội Gỗ để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bộ cũng làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá. Thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.

Xuất khẩu thủy sản tăng vọt, rau quả giảm sâu Xuất khẩu thủy sản tăng vọt, rau quả giảm sâu

TTO - Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mặt hàng rau quả đạt 445 triệu USD, giảm trên 21% so với cùng kỳ năm trước.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên