Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Kon Tum có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp đầu tư và lãnh đạo UBND cùng các sở ban ngành tỉnh này - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt ý kiến và giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đặt nhiều câu hỏi, trình bày vướng mắc trong thủ tục pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách, quy hoạch, việc xác định thời điểm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng… khi đầu tư dự án tại địa phương.
Năm 2021, trên địa bàn huyện Kon Plông có sự sai khác giữa diện tích rừng tự nhiên hiện có và kết quả kiểm kê rừng năm 2014, kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2020. Do đó, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi đầu tư dự án.
Bà Lê Thị Hoài - đại diện Công ty cổ phần Golden City - nêu các vướng mắc trong quá trình nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như vướng mắc trong việc triển khai thực hiện khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án; việc thực hiện dự án có ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên…
"Trong trường hợp tài sản trên đất là rừng trồng do chính quyền địa phương quản lý thì có được xác định là đất đã giải phóng mặt bằng chưa? Phương án xử lý đối với rừng trồng như thế nào?
Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Vậy thời điểm thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ thực hiện từ thời điểm nào?" - bà Hoài đặt câu hỏi đối với lãnh đạo tỉnh Kon Tum.
Trả lời vấn đề dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Liêm cho biết đến năm 2024, chủ trương kiểm kê rừng phải thực hiện từ cấp xã, huyện, tỉnh và công bố trên toàn quốc.
Cấp tỉnh không có kế hoạch kiểm kê hiện trạng rừng chi tiết cho nên tỉnh không thể tổ chức kiểm kê rừng và công bố được. "Khi nào Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chủ trương cho kiểm kê rừng và công bố thì đơn vị phối hợp triển khai thực hiện" - ông Liêm nói.
Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trình bày những khó khăn vướng mắc đang gặp phải và mong muốn được tỉnh tạo điều kiện để đầu tư vào địa bàn. UBND tỉnh Kon Tum cùng các sở ban ngành liên quan cũng tiếp thu ý kiến, giải đáp những khó khăn của các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình khảo sát đầu tư.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum tại hội nghị trên, trong năm 2021 có 226 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và thông báo giải thể. Trong đó, có tới 137 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động) chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ (chiếm 33%); xây dựng (chiếm 22%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 10%)…
Còn trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 7.300 tỉ đồng; thực hiện thu ngân sách hơn 2.260 tỉ đồng. Đã thu hút 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.360 tỉ đồng; cấp giấy phép đăng ký thành lập mới cho 208 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 3.930 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận