Đoàn doanh nghiệp Nhật tại buổi làm việc với UBND TP.HCM - Ảnh: NHƯ BÌNH |
Tại buổi gặp gỡ với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chiều 7-10, ông Amano Shinya - tổng giám đốc Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Quảng Châu, Trung Quốc - cho biết các doanh nghiệp Nhật trong đoàn đều có mặt hơn 20 năm tại thị trường Trung Quốc với nhiều kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh hợp tác sản xuất.
Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Quảng Đông, tương đương với số doanh nghiệp Nhật tại VN.
Tuy nhiên đến năm 2008, Luật lao động Trung Quốc sửa đổi, có hiệu lực làm cho giá nhân công nước này trở nên đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc gặp khó khăn.
Từ năm 2015 đến nay, không ít doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc bắt đầu tìm hiểu hoạt động kinh doanh tại Hà Nội và TP.HCM để phân tán rủi ro, dịch chuyển nhà máy.
“Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, làm thế nào để có thể tuyển lao động có kỹ năng và chi phí nhân công hợp lý, tránh những khó khăn tương tự ở thị trường Trung Quốc là rất quan trọng” - đại diện một doanh nghiệp trong đoàn Nhật Bản cho biết.
Trả lời các mối bận tâm của nhà đầu tư Nhật Bản, ông Lê Thanh Liêm cho biết chủ trương thu hút đầu tư của TP.HCM là thu hút những ngành không thâm dụng lao động, có hàm lượng chất xám cao.
TP rất quan tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện nhà đầu tư Nhật Bản đứng thứ sáu ở TP.HCM với 900 dự án, tổng vốn đăng ký 3 tỉ USD.
Hằng năm, TP đều có hội nghị bàn tròn lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Các buổi đối thoại này rất được cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hoan nghênh.
Ông Liêm cũng cho biết hiện nay TP.HCM có nhiều khu công nghiệp sở hữu mặt bằng có sẵn, chào đón doanh nghiệp Nhật vào đầu tư, mở nhà máy, nhà xưởng. TP cũng đang xúc tiến xây dựng nhà xưởng cao tầng, riêng lẻ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tham quan, tìm hiểu TP sẵn sàng tạo điều kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận