Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục tiêu của họ là khuyến khích sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến và tăng cường nguồn cung chip hiện nay - Ảnh: AFP
Ngày 6-9, Bộ Thương mại Mỹ công bố kế hoạch phân bổ gần 50 tỉ USD nhằm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và cạnh tranh với Trung Quốc.
Giới quan sát đánh giá đây là nỗ lực lớn nhất của Chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ, nhằm định hình một ngành công nghiệp chiến lược.
Theo báo New York Times, khoảng 28 tỉ USD trong Quỹ CHIPS cho nước Mỹ (CHIPS for America Fund) dự kiến sẽ dành cho các khoản tài trợ và cho vay đối với doanh nghiệp, nhằm giúp họ xây dựng cơ sở sản xuất, lắp ráp và đóng gói một số loại chip tiên tiến hơn trên thế giới.
Tiếp đến, 10 tỉ USD sẽ được dành để mở rộng sản xuất các thế hệ chip cũ được sử dụng trong ô tô và công nghệ truyền thông, cũng như các công nghệ đặc biệt và các nhà cung cấp khác trong ngành. 11 tỉ USD sẽ dành cho các sáng kiến nghiên cứu và phát triển liên quan đến ngành công nghiệp này.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết cơ quan này đang đặt mục tiêu bắt đầu kêu gọi các công ty nộp đơn xin tài trợ, trễ nhất là vào tháng 2-2023. Washington có thể bắt đầu giải ngân vào mùa xuân năm sau.
Dự luật về chip nêu rõ các công ty nhận tài trợ từ Quỹ CHIPS cho nước Mỹ không được phép thực hiện các khoản đầu tư công nghệ cao mới ở Trung Quốc, hoặc các quốc gia khác, trong ít nhất 10 năm. Ngoại lệ chỉ dành cho trường hợp doanh nghiệp đang sản xuất "chip kế thừa" công nghệ thấp hơn để phục vụ thị trường địa phương.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ xem xét và kiểm tra các công ty nhận tiền tài trợ, đồng thời thu hồi tiền từ bất kỳ công ty nào vi phạm.
Theo New York Times, Bộ Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm lựa chọn các công ty nhận tiền và giám sát các khoản đầu tư của họ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết quốc gia của họ vẫn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip, nhưng đã đánh mất vị thế trong việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc được đánh giá đang trở thành một điểm đến đáng chú ý trong ngành công nghiệp này.
Các công ty ở ngoài nước Mỹ vẫn có thể nhận tài trợ
Quỹ CHIPS cho nước Mỹ được Quốc hội nước này phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, với mục tiêu khuyến khích hoạt động sản xuất chất bán dẫn chiến lược, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vào thế hệ công nghệ chip tiếp theo.
Chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong điện thoại di động, máy điều hòa nhịp tim và máy pha cà phê, đồng thời chúng cũng là chìa khóa của các công nghệ tiên tiến như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái.
Các công ty trong và ngoài nước đều có thể đăng ký nhận tài trợ trong quỹ mới, miễn là họ đầu tư vào các dự án ở Mỹ. Để nhận được tiền, các công ty sẽ cần phải chứng minh khả năng kinh tế lâu dài của dự án của họ, cũng như "lợi ích lan tỏa" cho các cộng đồng mà họ hoạt động.
Bộ Thương mại Mỹ đang thành lập hai văn phòng mới trực thuộc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia để triển khai kế hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận