Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội, 676 doanh nghiệp nhà nước (gồm doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn) hiện có tổng tài sản 3,82 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1,8 triệu tỉ đồng.
Lãi 241.165 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 70.000 tỉ đồng
Các doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư 1,7 triệu tỉ đồng, có tổng doanh thu là 2,64 triệu tỉ đồng, chủ yếu đến từ các tập đoàn, tổng công ty là 2,45 triệu tỉ đồng, chiếm 91% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.
Năm 2022, các doanh nghiệp nhà nước đạt lãi phát sinh trước thuế là 241.165 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Tuy vậy, 64/676 (chiếm 9%) có tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỉ đồng; 144/676 (chiếm 21%) có tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng.
Đáng chú ý tổng nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước là 1,9 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả. Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp nhà nước là 1,09 lần, cho thấy các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nợ vay cho hoạt động.
Theo đánh giá của Chính phủ, về cơ bản các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là đơn vị đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Đặc biệt, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất.
Các doanh nghiệp cũng đã tăng cường công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, đi đầu trong các công nghệ mới, công nghệ 4.0…
Tuy vậy một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng đến việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế: gồm ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn...
Vận hành chuỗi khép kín nội bộ
Đáng chú ý hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều vận hành theo phương thức khép kín. Gần như toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ, chưa tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp khác tham gia.
Chính phủ cũng đánh giá hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án đầu tư nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.
Chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách.
Do đó Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu tới đây sẽ hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, cơ bản xử lý những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận