18/03/2023 10:11 GMT+7

Thủ tướng: 19 doanh nghiệp nhà nước nắm 1,17 triệu tỉ đồng tiền vốn, đóng góp chưa tương xứng

Dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng, theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng: 19 doanh nghiệp nhà nước nắm 1,7 triệu tỉ đồng tiền vốn, đóng góp chưa tương xứng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước - Ảnh: VGP

Sáng 18-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) về giải pháp đổi mới hoạt động của ủy ban, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Doanh nghiệp nhà nước không có nhiều công trình mới được khởi công, chủ yếu xử lý dự án tồn đọng

Trong đó 19 doanh nghiệp nhà nước thuộc ủy ban có tổng vốn chủ sở hữu là 1,17 triệu tỉ đồng, tổng tài sản là 2,4 triệu tỉ đồng (tương ứng khoảng 66%). Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp đạt kết quả bước đầu, nhưng có 10 dự án lớn, quan trọng cấp thiết đã chậm tiến độ nhiều năm, với tổng mức đầu tư 259.000 tỉ đồng.

Trong số các dự án, lĩnh vực năng lượng (điện, than) chiếm tỉ trọng lớn với tổng giá trị đầu tư năm 2022 là 125.950 tỉ đồng tổng số giá trị đầu tư là 156.494 tỉ đồng. Các doanh nghiệp đã có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển hạ tầng với nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối lan tỏa, động lực cao…

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các doanh nghiệp nhà nước dù nắm giữ nguồn lực vốn, tài sản lớn nhưng chưa huy động, khai thác hiệu quả. Vì vậy, vai trò, vị trí của các doanh nghiệp có quy mô lớn không đạt như kỳ vọng.

Đáng chú ý, thời gian qua có rất ít dự án, công trình mới được khởi công, hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ tiếp tục thực hiện dự án dở dang, hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ trước. Việc xử lý dự án thua lỗ, yếu kém đòi hỏi tập trung nguồn lực, nên một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro, không muốn thực hiện dự án mới.

Có nghịch lý là trong khi có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn, như dự án điện, dầu khí, thì vẫn còn doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi. Năng lực triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu, việc tổ chức triển khai dự án còn kéo dài, làm giảm hiệu quả nguồn lực, nên đầu tư chưa đạt như kỳ vọng.

Còn theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nguồn vốn được phân bổ tới 19 doanh nghiệp nhà nước này nhưng lợi nhuận chủ yếu chỉ tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty như: Petrolimex, MobiFone, ACV, VIMC, Vinachem, Vinataba, SCIC…

Bàn thảo mô hình phát triển để doanh nghiệp nhà nước là động lực dẫn dắt

Ủy ban cũng đánh giá các doanh nghiệp này chưa phát huy được hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được giao. Chưa phân bổ vốn vào lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn lớn nhưng không thành công, rủi ro cao…

Tuy vậy, về cơ bản, các doanh nghiệp đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm tăng trưởng. Năm 2022 tổng doanh thu đạt 1,5 triệu tỉ đồng (năm 2021 là 1,3 triệu tỉ đồng). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 191.781 tỉ đồng.

Từ thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị là để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm và giải pháp sắp tới để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, phải nghiên cứu kết luận của Bộ Chính trị về đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng. Vì vậy cần tìm ra mô hình tổ chức hoạt động của ủy ban để hiệu quả hơn.

Trong đó tập trung các vấn đề như: vấn đề quản trị kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu…

Thiếu vốn, doanh nghiệp đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thiếu vốn, doanh nghiệp đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước 'thấu hiểu'

TTO - Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã trở thành nơi các doanh nghiệp “trút bầu tâm sự” với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên