24/04/2012 07:43 GMT+7

Doanh nghiệp mong Nhà nước tiếp sức

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Ngày 23-4, đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu làm việc với lãnh đạo TP.HCM về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

PSyQc2VI.jpgPhóng to

20 kiến nghị thuộc sáu nhóm vấn đề nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo ngày 23-4.

Cuộc làm việc tập trung thảo luận 20 kiến nghị cụ thể thuộc sáu nhóm vấn đề trọng tâm của TP.HCM.

Nợ xấu ngày càng lớn

Một trong những kiến nghị đầu tiên của UBND TP là Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại với giải pháp cụ thể: khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hạn chế rủi ro trong hệ thống này.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Những khoản nợ xấu phát sinh ngày càng lớn, đặc biệt liên quan đến tín dụng bất động sản”. Ở TP.HCM, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài khiến việc xử lý và thu hồi nợ hết sức khó khăn.

Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, UBND TP nêu rõ trong số hơn 23.000 doanh nghiệp TP vay vốn, có trên 1.400 doanh nghiệp phát sinh nợ xấu với tỉ lệ nợ xấu chiếm 5,8% so với tổng dư nợ cho vay. Cũng theo UBND TP, thực tế đáng lo lắng nói trên tập trung cao nhất vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản với nợ xấu gần 4.000 tỉ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra do khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán, trả nợ vay ngân hàng.

Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Trần Quốc Mạnh phản ảnh toàn bộ yếu tố đầu vào tăng, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp, mới đây giá xăng dầu tiếp tục tăng, trong khi giá xuất khẩu giảm...

Trong khi đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định lãi suất đang có xu hướng giảm. Theo ông Tiến, có lẽ trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, những gì được cải thiện từng bước là tín hiệu tích cực. Mỗi quý giảm lãi suất cho vay 1% và hi vọng lãi suất này còn 12-13%/năm vào cuối năm nay. Ông Tiến nêu cụ thể một số mức lãi suất cho vay tại một số ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước nắm bắt được. Theo đó thấp nhất là 13%/năm, còn những lĩnh vực được khuyến khích chỉ 14-14,5%, cho vay xuất khẩu 14-16%... Ngoài ra, còn có gói tín dụng hàng chục nghìn tỉ đồng dành cho các lĩnh vực được khuyến khích với lãi suất 13-16%.

pZLv3SI4.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp đồng loạt kêu khó trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: đóng gói túi nilông tự hủy tại Công ty CP Văn hóa Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Tiến Thành

Mong lãi suất giảm thật

Đại diện các doanh nghiệp TP.HCM bức xúc hiện các ngân hàng thích cho vay lẫn nhau hơn cho doanh nghiệp vay. Chênh lệch đầu ra và đầu vào của các ngân hàng quá cao, nên đề nghị áp dụng trần lãi suất cho vay (hiện đang khống chế trần lãi suất huy động)... Trao đổi vấn đề này, ông Tiến cho rằng trần lãi suất cho vay sẽ tạo nên phân bố vốn không hiệu quả và đây là giải pháp từng được áp dụng. Theo cá nhân ông là chưa nên áp dụng trần lãi suất cho vay.

Thận trọng xác định giá trị doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng ngoại trừ yếu tố tiếp cận vốn khó, đa số các kiến nghị hay vấn đề được TP.HCM đặt ra có tính chất dài hạn.

Riêng yếu tố tiếp cận vốn, bộ hứa sẽ bàn cách cùng với Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc thù của loại hình doanh nghiệp này vốn yếu mà ngân hàng cứ đòi thế chấp thì không thể tiếp cận vốn. Ở Nhật, đối với quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ và các cơ quan tham gia từ A-Z, từ đánh giá năng lực quản lý đến trình độ công nghệ. Nếu thấy dự án tốt thì theo từ đầu đến cuối, đến khi dự án sản xuất và có tiền đóng thuế. Do vậy, tỉ lệ nợ xấu của họ kiểm soát được khoảng 1,2%.

Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp thu kiến nghị của UBND TP về ghi nhận giá trị đầu tư bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Đông cho rằng cần thận trọng khi đánh giá giá trị thật của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thực tế chưa có khả năng đánh giá thật sự doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị với giá trị thật là bao nhiêu, có đội giá lên hay không... Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu vấn đề này để đánh giá, xác nhận giá trị đầu tư thực của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ngay lập tức bà Nguyễn Thị Hồng xin đăng đàn. Bà nói đã bao năm nay doanh nghiệp gắn bó với ngân hàng, cùng chia sẻ khó khăn với ngành này. Nhưng sự chia sẻ này của doanh nghiệp đã kéo quá dài, trong khi ngân hàng chốt lãi suất huy động. Những con số UBND TP báo cáo là lãi suất cho vay thật đang diễn ra ở TP.HCM. “Anh Tiến (phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến) nói xu hướng lãi suất cho vay đang giảm, nhưng ở thời điểm này không nên dùng từ xu hướng nữa, mà có thật sự giảm lãi suất cho vay hay không?” - bà Hồng đặt vấn đề. Đồng thời nói thẳng nếu Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo cụ thể vấn đề này thì doanh nghiệp chết, đương nhiên ngân hàng sẽ chết theo.

Báo cáo của UBND TP cho thấy lãi suất cho vay đã có điều chỉnh nhưng vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. UBND TP nêu cụ thể từng mức lãi suất cho vay, theo đó thấp nhất là 17,3% (cho vay ngắn hạn) và 18,3% (dài hạn). UBND TP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể nhằm giảm lãi suất cho vay ở mức 14-15%/năm đối với sản xuất kinh doanh. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng so với chuẩn mực chung thì lãi suất không cao, nhưng ông đồng tình so với điều kiện khó khăn hiện nay thì mức lãi suất như vậy là cao. Phó thủ tướng nói cần chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này. Về kiến nghị áp dụng trần lãi suất cho vay, Phó thủ tướng nhấn mạnh hiện tại không áp dụng biện pháp này, nhưng có khung lãi suất cho vay để kiểm soát.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó, cũng cần hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn được để họ có điều kiện phát triển tốt hơn.

Ông đồng tình để hạn chế hàng nhập khẩu không cần thiết, cần xây dựng hàng rào kỹ thuật như kiến nghị của UBND TP. Tại buổi làm việc, UBND TP nhấn mạnh các loại hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh quyết liệt, đang có lợi thế lớn về chi phí tài chính, trong khi chưa có hàng rào kỹ thuật hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo UBND TP, một số sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu, tuy nhiên phải sử dụng một số linh kiện đặc chủng nhập khẩu và phải chịu thuế nhập khẩu, làm giá thành sản phẩm tăng, trong khi sản phẩm cùng loại nhập khẩu thì thuế nhập khẩu hầu như bằng 0. UBND TP cho rằng điều này làm các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, không có khả năng tái đầu tư máy móc hiện đại, năng lực cạnh tranh kém.

Nói về giá xăng dầu, Phó thủ tướng cho biết hiện Chính phủ không thu một đồng thuế nào cả, nhưng có ý kiến nêu giá xăng dầu rất khó giảm, giữ được như hiện nay là giỏi lắm. Ông cho biết thêm cuối quý 4 năm ngoái dự báo tình hình khó khăn hơn thực tế bây giờ, nhưng diễn biến cho thấy đã có tín hiệu vượt qua khó khăn, tốt hơn dự báo một chút, tăng trưởng kinh tế của quý đầu trong năm đạt 4%.

Ngoài yêu cầu điều hành linh hoạt, Chính phủ tính toán giải quyết các vấn đề đặt ra của kinh tế - xã hội làm sao không để phát sinh các mâu thuẫn mới. Phó thủ tướng cũng đề nghị nâng cao vai trò, sức mạnh của hiệp hội ngành hàng như ở nhiều nước. Ông nói ở Mỹ hiệp hội trâu bò rất mạnh, làm thay đổi cả chính sách của chính phủ.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên