Nhóm cổ phiếu dầu khí tại các phiên giao dịch tuần trước ghi nhận sắc xanh nổi bật trong bối cảnh giá dầu thô thế giới leo cao.
PVS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam), PVD (Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí) và một số mã khác như PVT, GAS... đều tăng tốt, bất chấp sự điều chỉnh đồng loạt nhiều ngành khác.
Như cổ phiếu PVS phiên 15-9 đã leo lên vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, đạt 39.400 đồng. Mức tăng giá tính theo tháng gần 24%. Sau PVS, PVD áp sát đỉnh.
PVS: Lãi tiền gửi cũng hàng trăm tỉ đồng, lãnh đạo thu nhập tăng
Cổ đông lớn nhất của PVS là PVN (51,38% vốn). Lũy kế 6 tháng năm 2023, PVS có bức tranh kinh doanh tích cực với doanh thu thuần hợp nhất đạt 8.415 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện cùng kỳ 2022.
Lợi nhuận trước thuế tăng gần 50%, lên mức 557 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 462 tỉ đồng, tăng 78%.
6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp chi gần 29,5 tỉ đồng cho lương và các quyền lợi gộp khác cho lãnh đạo chủ chốt, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, ông Phan Thanh Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị - nhận cao nhất với hơn 2,77 tỉ đồng, tăng gần 18%, bình quân mỗi tháng hơn 460 triệu đồng.
Tiếp đến, ông Lê Mạnh Cường - tổng giám đốc - nhận hơn 2,64 tỉ đồng, tăng gần 17%, bình quân mỗi tháng 440 triệu đồng...
Cuối tháng 6-2023, tổng tài sản của PVS đạt hơn 27.000 đồng, tăng 5% so với đầu năm. PVS có lượng tiền dồi dào với hơn 10.700 tỉ đồng đem gửi ngân hàng, tăng 6% so với hồi đầu năm.
Nhờ vậy, lãi tiền gửi ngân hàng nhận về trong 6 tháng đầu năm của PVS là 232 tỉ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngày 30-6-2023, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của PVS tại OceanBank hơn 187 tỉ đồng vẫn đang tạm dừng giao dịch.
Tuy nhiên, ban tổng giám đốc PVS đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ này, PVS cũng đề cập tới một số nợ tiềm tàng, trong đó có liên quan đến dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.
Cụ thể, năm 2019, JSC Power Machines (PM) - thành viên đứng đầu liên danh nhà thầu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 - gửi đơn kiện đến Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore về tranh chấp chưa được giải quyết liên quan đến hợp đồng EPC số 9488 năm 2013 ký giữa liên doanh nhà thầu PM - tổng công ty này với PVN.
Tại ngày lập báo cáo tài chính, vụ kiện trên vẫn đang được Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore xem xét và chưa có kết luận. Do vậy, PVS vẫn chưa ghi nhận bất kỳ khoản dự phòng nào liên quan tới vụ kiện này.
Cùng kỳ vẫn lỗ, sang năm nay PVD lãi lớn
Tại báo cáo hợp nhất soát xét giữa niên độ 2023, PVDrilling (PVD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.637 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 209 tỉ đồng, tích cực hơn nhiều so với mức lỗ 148 tỉ đồng nửa đầu năm trước.
Lãnh đạo PVD cho biết doanh thu thuần giảm nhẹ chủ yếu do 6 tháng đầu năm không phát sinh doanh thu giàn khoan thuê so với cùng kỳ. Các doanh thu dịch vụ liên quan đến khoan cũng giảm do khối lượng công việc giảm.
Ngược lại, doanh thu cho thuê giàn khoan tự nâng tăng do tăng hiệu suất sử dụng và đơn giá tăng hơn 26% so với nửa đầu năm trước.
Nhờ vậy, lợi nhuận hợp nhất tăng tới 241% so với cùng kỳ trước. Ngoài ra, PVD còn ghi nhận một khoản thu nhập khác từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng và tăng lợi nhuận từ công ty liên doanh.
Đến cuối tháng 6 năm nay, PVD có hơn 2.600 tỉ đồng gửi ngân hàng. Trong đó, doanh nghiệp còn hơn 12 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng cùng 120 tỉ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng tại Oceanbank.
Ngoài ra, báo cáo tài chính PVD cũng tiết lộ thu nhập của hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và người quản lý trong kỳ này.
Cụ thể, ông Mai Thế Toàn - chủ tịch hội đồng quản trị - nhận 557 triệu đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Ông Đỗ Đức Chiến - phó chủ tịch và ông Nguyễn Cường - thành viên hội đồng quản trị cùng mức 563 triệu đồng, cao gấp hơn 2,2 lần.
Người được nhận cao nhất trong hội đồng quản trị là ông Vũ Thụy Tường nhận 728 triệu đồng, tăng gần 15%.
Ông Đào Ngọc Anh - phó tổng giám đốc (đã miễn nhiệm từ 1-6-2023) - nhận 728 triệu đồng, còn 2 phó tổng giám đốc khác là ông Hồ Vũ Hải và Đỗ Danh Rạng nhận lần lượt 810 - 809 triệu đồng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận