07/12/2013 15:03 GMT+7

Doanh nghiệp không tuyển dụng người chỉ biết đọc sách

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TTO - Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nicola Connolly, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại VN và là chủ tịch Ủy ban Nhân sự và đào tạo, đã nói về vướng mắc của lao động VN hiện nay.

Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam:

4978jJF4.jpgPhóng to
Bà Nicola Connolly - Nguồn: www.adecco.com.vn

Nói về vướng mắc của lao động VN hiện nay, bà Connolly cho biết:

- Vì VN muốn tiến đến các ngành dịch vụ và công nghiệp cần nhiều vốn và giá trị cao hơn nên VN cần phải điều chỉnh lực lượng lao động sao cho họ được trang bị cho môi trường thay đổi này. Hiện tại, ít nhất một nửa việc làm ở VN vẫn dựa vào khu vực không chính thức, tiền công thấp hơn mức lương tối thiểu và không có bảo hiểm xã hội hay y tế. Trong ASEAN, VN xếp ở nửa dưới xét về phát triển nguồn nhân lực.

Do đó, việc cải thiện và nâng cấp kỹ năng của lực lượng lao động là một trong các nhiệm vụ then chốt giúp VN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời cần phải ưu tiên việc chuyển lao động từ khu vực không chính thức sang chính thức.

Bà Connolly hiện là tổng giám đốc Công ty Adecco Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp nguồn nhân lực toàn diện.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 do Ngân hàng Thế giới công bố đầu tháng 12-2013 cho biết người sử dụng lao động Việt Nam đang tìm kiếm một tập hợp các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật chất lượng cao.

Khảo sát PISA 2012 (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thực hiện cho thấy nền giáo dục Việt Nam có truyền thống thành tích rất tốt trong việc cung cấp các kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản, nhưng Ngân hàng Thế giới cho rằng nền giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về việc đào tạo các kỹ năng tiên tiến theo yêu cầu sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.

* Bà nhận xét thế nào về chất lượng lao động VN nhìn từ góc độ giáo dục-đào tạo?

- Trong Sách Trắng mà EuroCham vừa xuất bản tháng 12, Ủy ban Nhân sự và đào tạo nhấn mạnh rằng giáo dục theo tiêu chuẩn vàng ngày nay tập trung vào việc dạy học điều chỉnh cho từng cá nhân. Việc này cho phép có sự khác nhau trong tốc độ và phong cách học của học sinh (ví dụ như mỗi người lại có thể tiếp thu tốt hơn hay yếu hơn tùy thuộc vào các yếu tố về không gian, vận động, nghe...). Việc điều chỉnh các phương pháp dạy để phù hợp với khác biệt về kỹ năng và nhu cầu của mỗi người sẽ dẫn đến kết quả học tập tốt hơn. Ý tưởng này vẫn chưa thâm nhập vào văn hóa VN.

Hiện nay, học sinh VN vẫn được yêu cầu phải thể hiện tốc độ học tập như nhau và thực hiện các bài tập giống nhau, bất kể khả năng hay trình độ kỹ năng của họ thế nào. Do đó, các học sinh yếu hơn thường bị bỏ lại sau và các học sinh có khả năng thường cảm thấy không có đủ thách thức. Phong cách giáo dục được đồng nhất vào văn hóa, dẫn tới chuỗi sự việc tuần hoàn khi mỗi thế hệ này lại dạy thế hệ kế tiếp theo một cách thức tương tự mà không có kết quả tốt hơn. Tác động của cách dạy kỳ vọng mọi sinh viên phải có hành vi và kết quả giống nhau cũng được phản ánh ở nơi làm việc, và có khả năng dẫn đến chuyện nhân viên không thể có sáng kiến hay tư duy chủ động.

* Vậy để tăng năng suất và tính cạnh canh của người lao động VN, đâu là những bước đi quan trọng nhất?

- Việc giảng dạy phải áp dụng một cách tiếp cận "cá nhân hóa" hơn để phù hợp với trình độ khả năng khác nhau trong cùng một lứa tuổi. Ví dụ: hệ thống chấm điểm chia học sinh thành các nhóm dựa theo mức độ khả năng sẽ giúp các học sinh kém học hiệu quả hơn và thách thức các học sinh giỏi hơn. Hoặc có thể tạo các bài học bổ sung cho những học sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập hơn. Quy mô lớp học phải nhỏ hơn. Lớp học lớn cỡ 60 học sinh có thể rẻ hơn về ngắn hạn nhưng lại tốn kém hơn trong dài hạn, vì các sinh viên tốt nghiệp phải được đào tạo mới thì mới đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp.

Lương giáo viên hiện còn thấp, dẫn đến động lực yếu và kéo theo chất lượng giảng dạy đi xuống. Đầu tư vào giáo dục - bao gồm cả lương giáo viên - sẽ có lợi về lâu dài. Hiện nay, chỉ có sinh viên “giỏi nhất” mới có điều kiện thành công ở nơi làm việc. Việc cắt giảm chi phí ở giáo dục cuối cùng sẽ dẫn đến một lực lượng lao động không có kỹ năng, cần được đào tạo lại, khiến cho chi phí cuối cùng không thấp hơn và thậm chí còn tốn kém hơn.

* Bản thân bà cũng là doanh nhân, công ty bà và các công ty thành viên của EuroCham cũng như các doanh nghiệp nói chung thường tìm kiếm kiểu nhân viên có những phẩm chất gì?

- Rõ ràng các nhà tuyển dụng cần tìm những người có tiềm năng ở nơi làm việc. Họ cần tìm kiểu thái độ “có thể làm”, “sẽ làm” và “sẽ phù hợp”. Nhiều ứng cử viên người Việt có giáo dục nhưng thiếu những kỹ năng toàn diện mà các công ty đòi hỏi, ví dụ như thái độ và sự chuyên nghiệp. Đây là những gì các công ty thực sự tìm kiếm: những người đã được học kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm làm việc chứ không phải chỉ biết đọc sách.

VN cần phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo nghề, bỏ bớt hạn chế về giấy phép lao động để có thể đón nhận thêm các chuyên gia nước ngoài đến chia sẻ kiến thức.

* Xin cảm ơn bà.

"Nhiều ứng cử viên người Việt có giáo dục nhưng thiếu những kỹ năng toàn diện mà các công ty đòi hỏi, ví dụ như thái độ và sự chuyên nghiệp". Bạn suy nghĩ gì về nhận định của bà Connolly? Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, quan sát cũng như ý tưởng mới của mình cho thực trạng "có giáo dục" mà "thiếu kỹ năng" này.

Ý kiến có thể chia sẻ qua công cụ phía dưới bài. Chân thành cám ơn bạn đọc. TTO

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên