Thiếu lao động nên Duy Anh Foods không thể tăng mạnh lượng bún, mì, bánh tráng xuất khẩu - Ảnh: N.TRÍ
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không sớm có các giải pháp, đặc biệt là chấn chỉnh khâu đào tạo nguồn nhân lực đang dần mất cân đối, không theo kịp thực tế sau dịch COVID-19 thì tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ngày càng trầm trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khách hàng.
Tuyển liên tục nhưng chỉ đạt 60%
Nhiều ngày qua bà Ngô Tường Vy, tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), phải chạy ngược chạy xuôi tìm công nhân chọn hái, bốc tách sầu riêng nhưng vẫn không tuyển được người.
Theo bà Vy, dù đã lên kế hoạch tuyển lao động từ rất sớm và thường xuyên nhưng đến nay lượng lao động chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, đặc biệt lực lượng có tay nghề cao trong bóc tách, chọn sầu riêng đang cực kỳ khan hiếm.
Ông Nguyễn Minh Đoan, chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Bà Rịa, cho biết đang thiếu 15 - 20% lao động so với kế hoạch, tương đương 300 - 350 lao động nhưng không tuyển được. Công ty Cao su Đồng Nai cũng thường xuyên thiếu đến 500 - 600 lao động mỗi năm.
Tương tự, từ đầu năm đến nay Công ty Duy Anh Foods (TP.HCM) chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu với nhu cầu khoảng 250 - 300 công nhân, luôn trong cảnh thiếu hụt lao động, hiện chỉ tuyển được 60 - 70% so với nhu cầu. Theo đại diện đơn vị này, nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%, thay vì chỉ xuất khoảng 34 tấn hàng mỗi ngày như hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì tuyển liên tục vẫn không đủ lao động, đặc biệt lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực như may mặc, giày da và các công việc dịch vụ như kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh.
"Dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều lao động về quê, ngành dịch vụ chuyển qua làm online nên nhiều người lao động giờ đã quen việc, không muốn bó buộc, dẫn đến nguồn nhân lực đang thiếu ổn định, dịch chuyển rất nhanh. Ngoài ra chi phí đi lại tốn kém do giá xăng dầu tăng nên không ít lao động chọn nghỉ việc khi nơi làm ở xa", ông Anh lý giải.
Ảnh hưởng lớn xuất khẩu
Do bị động về nhân sự, theo bà Vy, doanh nghiệp này buộc phải chọn cách "làm tới đâu xuất tới đó". Vì vậy lượng hàng chỉ đạt khoảng 60% nhu cầu đối tác, nhiều thời điểm phải chia hàng ra bán, đặc biệt là cơm sầu riêng cấp đông với nhu cầu đặt hàng của khách lên tới 2 container (hơn 50 tấn) nhưng không có đủ người làm hàng.
"Sản lượng trái cây đang tăng cao, thêm thị trường xuất khẩu rộng mở, đặc biệt nhu cầu trái cây tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật... tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 11. Do đó, áp lực nhân sự trong thời gian tới là rất lớn. Nếu thiếu hụt nhân sự kéo dài sẽ khó nâng cao được giá trị xuất khẩu nông nghiệp", bà Vy lo lắng.
Với 80% sản phẩm được xuất khẩu, ông Kiều Huỳnh Sơn, tổng giám đốc Công ty TNHH máy và sản phẩm Thép Việt (TP.HCM), cho biết không chỉ giá đầu vào tăng 15%, tiền lương lao động từ đầu năm đến nay cũng được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng 7 - 10%, chưa kể tăng thưởng, nhằm giữ chân lao động.
"Không tăng lương thì không giữ được lao động, không hoàn thành đơn hàng, còn tăng lương thì đội giá thành sản xuất, không có lãi", ông Sơn than.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 3 nhưng không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, không thể cung cấp đủ sản phẩm cho đối tác do thiếu lao động.
"70 - 80% đơn hàng giày da của Việt Nam là gia công. Do đó, nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ mất mối làm ăn", ông Khánh lo ngại.
Mất cân đối trong đào tạo nhân lực
Theo ông Trần Việt Anh, khái niệm "tận dụng nguồn lao động dồi dào tại Việt Nam" đã không còn đúng và điều quan trọng hiện nay là phải cân đối ngành đào tạo tại các trường cho phù hợp với nhu cầu thực tế về lao động. Trong thực tế, theo ông Anh, ngành bao bì có nhu cầu lao động rất lớn và doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại đang chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tương tự tái chế là ngành kinh tế tuần hoàn, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn.
"Nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các ngành xuất khẩu đem về ngoại tệ, hoặc những ngành doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư nhằm dễ đáp ứng nguồn cung, thừa hưởng công nghệ khi họ rút đi", ông Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Khánh cũng cho rằng các doanh nghiệp không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo.
"Giờ chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng hỏi các trường đều không đủ. Do đó doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để tăng lượng nhân lực được đào tạo cấp tốc nhằm chữa cháy, đồng thời hỗ trợ chỗ ở, ăn uống để kêu gọi lao động", ông Khánh cho biết.
Ngoài ra, theo ông Khánh, hội đang khuyến khích doanh nghiệp tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Với ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động.
"Ngoài ra phải có phương án liên kết để giãn vụ, đa dạng mùa vụ nhằm có nguồn cung rải đều, ổn định giúp giữ chân người lao động", một chuyên gia khuyến cáo.
May mặc, giày da hưởng lợi từ Trung Quốc
Theo ông Trần Việt Anh, do Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero COVID" kéo dài nên nhiều đối tác đang chuyển hướng đầu tư, làm ăn sang các thị trường khác, đặc biệt là ngành may mặc, giày da, đồ nhựa, thực phẩm. Do đó, Việt Nam phải tăng tốc đầu tư cho nhân lực để tận dụng điều này.
"Do ảnh hưởng dịch bệnh nên trong 3 năm tới thị trường thế giới vẫn rất khát hàng, đặc biệt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường được mua nhiều từ Trung Quốc", ông Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận