12/08/2021 10:30 GMT+7

Doanh nghiệp gặp khó '3 tại chỗ', Bộ Công thương đề xuất sửa thế nào?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ngoài mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", Bộ Công thương đề xuất bổ sung các hình thức khác để doanh nghiệp lựa chọn, có quy định cụ thể với trường hợp người lao động được về nhà và cam kết với chính quyền địa phương.

Doanh nghiệp gặp khó 3 tại chỗ, Bộ Công thương đề xuất sửa thế nào? - Ảnh 1.

Mô hình "3 tại chỗ" sẽ được bổ sung bằng nhiều hình thức khác - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nội dung trên được đưa ra trong văn bản do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Để thực hiện hiệu quả các mô hình trên, đảm bảo sản xuất an toàn, Bộ Công thương đề xuất bên cạnh yêu cầu thực hiện 5K, cài đặt và sử dụng Bluezone, thì những người sử dụng xe cá nhân cần chạy theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.

Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với những kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Trong trường hợp có F0, F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác.

Đối với phương án xét nghiệm, cần bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian, cũng như tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất) tùy điều kiện.

Trường hợp địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.

Theo Bộ Công thương, giải pháp "3 tại chỗ" sau một thời gian triển khai đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Nhiều doanh nghiệp tại các địa phương - đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam - đã phải đóng cửa do không áp dụng được phương án này.

Trả lời tại họp báo thường kỳ ngày 11-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay mô hình này trước đây được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Song khi triển khai ở địa bàn phía Nam có bất cập, nên chỉ có thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

Cũng bởi, các doanh nghiệp phía Nam có hàng chục nghìn công nhân, người lao động ở nhiều tỉnh thành, nên ở tại một chỗ lâu quá ảnh hưởng tâm lý người lao động...

"Chi phí thực hiện 3 tại chỗ quá cao, gây cản trở cho thực hiện, trong khi quy định của mỗi địa phương là khác nhau, có nơi chỉ cần ca F0 là đóng cửa ngay doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp không muốn làm" - ông Hải nêu.

Đưa doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Y tế đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, đặc biệt là các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp tìm được nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vắc xin, các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Sẽ sửa đổi mô hình Sẽ sửa đổi mô hình '3 tại chỗ' để duy trì sản xuất

TTO - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế để có phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả sản xuất và chống dịch cao nhất.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên