Thậm chí có tín hiệu vui khi nhiều doanh nghiệp đến nay đã dần bắt nhịp phục hồi, tăng xuất khẩu và lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực.
Điểm sáng về rau quả xuất khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Xuân Thìn, giám đốc Công ty Rồng Đỏ, cho biết xuất khẩu trái cây tám tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này đã đạt những kết quả ấn tượng khi tăng 30 - 40% so với cùng kỳ. Trong đó, các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản... đều tăng trưởng tốt và tăng nhập với hầu hết mặt hàng.
Theo ông Thìn, sau vài năm tạm ngưng, hiện Mỹ đã mở cửa trở lại với mặt hàng dừa tươi của Việt Nam, khả năng trong tháng 10, Trung Quốc cũng cho Việt Nam xuất chính ngạch loại quả này. Do đó, ông Thìn nhận định cơ hội để giá trị dừa tươi xuất khẩu bứt phá như sầu riêng là rất lớn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng mít, dừa và sầu riêng sẽ là ba mặt hàng chính góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu cho trái cây Việt Nam, trong đó dừa tươi đang được nhiều thị trường ưa chuộng nên sẽ nối gót sầu riêng để sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu "tỉ đô".
"Xuất khẩu trái cây đã tăng mạnh so với cùng kỳ, và các tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức tốt. Riêng sầu riêng, dừa tươi đi Mỹ và Trung Quốc sẽ bứt phá", ông Nguyên nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết tháng 8 vừa qua, công ty này tăng xuất khẩu lên đến 37% so với tám tháng năm ngoái. Theo ông Tùng, rau quả toàn ngành đang phát triển và có sự tăng trưởng tốt.
"Năm nay, thị trường Mỹ đã tăng đơn hàng lớn, bưởi xuất sang được Mỹ, New Zealand. Các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng xuất khẩu tốt. Nhìn chung là một gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi lên tiếp vì đơn hàng rất nhiều", ông Tùng nói.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tám tháng, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,45 tỉ USD, đã vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (chỉ 3,16 tỉ USD), có thể vượt qua kỷ lục 3,81 tỉ USD trước đó vào năm 2018.
Ngành xuất khẩu tỉ USD dần phục hồi
Những ngày này, gần 500 công nhân của Công ty TNHH Hiệp Long vẫn đều đặn đến nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu sang Mỹ, EU... Dù không được tăng ca nườm nượp như trước, việc có đơn hàng, có công ăn việc làm cũng đã là niềm vui của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Quang Thanh - giám đốc công ty - cho biết đơn hàng đã dần phục hồi, lượng đơn hàng đã đạt 80% nên công ty duy trì toàn bộ công nhân sản xuất từ đây đến cuối năm.
Theo ông Thanh, điều quan trọng là dự báo hàng tồn kho của các nhà phân phối ở các thị trường xuất khẩu chủ lực bắt đầu vơi dần trong khi nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ, châu Âu cũng đã có những tín hiệu lạc quan hơn.
"Tình hình đơn hàng đã có những tín hiệu ấm lên, chúng tôi hy vọng trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau lượng đơn hàng mới sẽ cải thiện rõ nét hơn", ông Thanh chia sẻ.
Còn đối với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho biết thời điểm này đã có những tín hiệu phục hồi, các doanh nghiệp cũng lạc quan hơn khi có những doanh nghiệp chỉ giảm 15 - 20% thay vì giảm 20 - 30% như trước.
Các doanh nghiệp đã có các đơn hàng mùa Noel, năm mới và thậm chí có doanh nghiệp tại TP.HCM đã tương đối đủ lượng đơn hàng để sản xuất trong các tháng 9, 10 và 11. Riêng tháng 12, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đơn hàng mới trong những tháng tới để đủ việc cho người lao động.
Tuy vậy, ông Hồng cho rằng bối cảnh chung doanh nghiệp vẫn khó khăn, đơn hàng sản xuất chưa phủ công suất. Theo ông Hồng, đáy của sụt giảm đơn hàng ngành dệt may dường như đã đi qua, nhưng chưa thể khởi sắc hoặc phục hồi nhanh mà dự báo phải đến đầu năm 2024 thị trường mới phục hồi rõ rệt hơn.
"Lúc đó nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ tăng mạnh hơn, kéo theo các doanh nghiệp sản xuất sẽ có công ăn việc làm ổn định trở lại", ông Hồng nói.
Công nghiệp hỗ trợ đã được tìm đến
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho biết đơn hàng xuất khẩu phụ tùng, linh kiện cũng đang có tín hiệu khởi sắc trở lại. Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc kết nối tìm kiếm nhà cung cấp hỗ trợ diễn ra nhộn nhịp, có kết quả khả quan.
Nhiều nhà sản xuất quốc tế và doanh nghiệp FDI tìm được nhà cung cấp sản phẩm linh phụ kiện trong nước để đa dạng chuỗi cung ứng và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Các nhà mua hàng là các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc như Samsung Electronics, Bosch, Nidec Powertrain System... có nhu cầu tìm kiếm nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Điển hình như doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gia dụng của Nhật Bản là Takara Industry tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng.
Tập đoàn Takara Industry có ba doanh nghiệp tại Việt Nam đang gia công, cung ứng linh kiện, vật liệu nhôm đúc và ép nhựa. Các sản phẩm này được sử dụng cho hai nhà máy của tập đoàn tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Kazutomi Miura, trưởng văn phòng đại diện Takara Industry tại TP.HCM, cho biết sẽ tìm thêm các nhà cung ứng mới để có thể không chỉ cung ứng linh phụ kiện mà có thể sản xuất, gia công hàng OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) cho tập đoàn. Công ty này muốn tìm cả doanh nghiệp tại Việt Nam có thể trực tiếp sản xuất và cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của tập đoàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành sản xuất dây đồng cung cấp cho Panasonic, Sony, Bosh... cho biết đơn hàng với các đối tác lớn vẫn ổn định. Một khi đã vào được chuỗi cung ứng, doanh nghiệp đảm bảo được nhịp sản xuất chứ không đứt gãy đột ngột như các ngành nghề khác.
Phải nghiêm túc đón nhận sự dịch chuyển
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỉ lệ nội địa hóa. Theo bà Oanh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ càng, nghiêm túc để đón nhận sự dịch chuyển và lựa chọn Việt Nam là nơi cung ứng.
Ngành thủy sản nỗ lực vượt khó
Ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty Nam Việt (Navico), cho biết dù đầu ra vẫn rất khó khăn, Navico vẫn có những "nước đi" để chinh phục những thách thức từ thị trường tiêu thụ. Trong đó, doanh nghiệp này bán cá tươi tại chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam là một trong các hướng đi để giải quyết một phần khó khăn hiện tại này.
"Chúng tôi đã khai phá thị trường nội địa, mở rộng danh mục bán hàng, duy trì đều đặn công việc cho công nhân", ông Tới nói.
Theo ông, hiện Navico xuất bán khoảng 140.000 tấn cá tra các loại mỗi năm. Chỉ trong ba tháng thử nghiệm bán cá phi lê đông lạnh cho hệ thống bán lẻ trong nước, doanh nghiệp bán được 600 tấn. "Cũng phải mất nhiều thời gian để tăng tỉ trọng lên, giải quyết sự sụt giảm hai chữ số về doanh thu xuất khẩu nói chung của ngành cá tra", ông Tới chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết dù còn gặp nhiều khó khăn so với năm ngoái, tình hình xuất khẩu đang ấm dần lên khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận lượng hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đông Nam Á... đang tăng so với các tháng đầu năm.
"Trung Quốc dần chuộng loại thủy sản giá tốt nên cá tra Việt Nam đang được ưa chuộng và thị trường này đang hạn chế nhập hàng từ Nhật Bản, nên đây là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, Mỹ và Nhật cũng tăng dần lượng nhập đối với mặt hàng tôm. Ngoài ra, cuối năm lễ hội nhiều nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản cũng tăng hơn so với đầu năm", bà Sắc lý giải.
Khả quan nếu nhìn theo chứng khoán
Mặc dù thị trường chứng khoán liên tục xảy ra các biến động, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 217 điểm, đang neo ở sắc xanh với mốc 1.234 điểm. Sự tăng trưởng trên cũng giúp vốn hóa thị trường tăng vọt, riêng sàn chứng khoán TP.HCM đã nhận thêm hơn 878.270 tỉ đồng vốn hóa.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect, cho rằng diễn biến này được thúc đẩy nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Việt đã tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, kéo theo nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm tài chính - chứng khoán.
Chưa kể, Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các bước hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển.
Trong khi đó, về tình hình vĩ mô, ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường - khối phân tích VNDirect, cho biết kỳ vọng những tháng cuối năm nay lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 - 1,5%, trở thành động lực chính cho sự phục hồi tiêu dùng tư nhân và đầu tư.
Phía Chứng khoán Mirae Asset thì chia sẻ, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ chính sách, thể hiện qua việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự án sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ tăng tốc tiến độ xây dựng từ quý ba năm nay, sau khi giai đoạn lựa chọn nhà thầu cho gói thầu giá trị hơn 35.000 tỉ đồng được hoàn thành. Thêm vào đó, dòng vốn FDI đăng ký mới đã cải thiện đáng kể.
Du lịch kỳ vọng hồi phục, chính sách nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày cũng góp phần tăng số lượng khách quốc tế và doanh thu dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành.
Doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng ấn tượng
Giữa tháng 8 vừa qua, tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh Brand Finance đã công bố Tập đoàn Viettel được vinh danh là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á. Năm 2023, Viettel được định giá gần 9 tỉ USD, chiếm gần 36% tổng giá trị 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (25,1 tỉ USD).
Một tập đoàn công nghệ khác là FPT cũng ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng theo sự phục hồi kinh tế. Trong sáu tháng đầu năm 2023, FPT đạt doanh thu 24.166 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỉ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Công ty FPT Software (thành viên của Tập đoàn FPT) đã ký thỏa thuận hợp tác, phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki - tập đoàn sản xuất thiết bị đo tốc độ lớn nhất Nhật Bản với lịch sử 70 năm hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, FPT Software thành lập trung tâm phần mềm chiến lược với hơn 100 người tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Với sự khởi sắc của tình hình kinh tế Việt Nam, một doanh nghiệp công nghệ khác là VNG cũng đã đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2023 đạt 9.281 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022 (7.801 tỉ đồng) tại đại hội cổ đông vừa diễn ra của công ty này.
Trong năm 2023, VNG tiếp tục nâng cao năng lực công nghệ của các sản phẩm chủ lực, hướng đến mục tiêu "Go Global" (vươn ra thế giới) và xác định chuyển đổi số (Digital Business) là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận