Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT ngày 15-2-2024 rằng mục tiêu doanh nghiệp không chỉ là lợi nhuận, sau lợi nhuận là sứ mệnh, giải quyết vấn đề xã hội, nhân loại.
Doanh nghiệp phải có giấc mơ lớn nếu không sẽ về không, bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta phải phá vỡ vòng lặp này.
Phần của các bạn là rất lớn, trách nhiệm lớn nếu không nói là lớn nhất. Vậy những doanh nghiệp này đã làm cách nào để có thành công đó và triển vọng trong tương lai ra sao?
Chiếm lĩnh nhiều thị trường
Cuối năm 2023, trong chuyến thăm và làm việc tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc thăm và làm việc tại Công ty Star Telecom - công ty liên doanh của Tập đoàn Viettel tại Lào (với thương hiệu Unitel). Unitel hiện là mạng di động lớn nhất tại đất nước Lào.
Những thông tin được đưa ra thật ấn tượng. Hơn 14 năm đầu tư tại Lào, Viettel đã góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Lượng người dân Lào tiếp cận với di động đã tăng 6 lần, từ 18% lên 100%.
Hạ tầng mạng lưới của Unitel đã phủ sóng tới 100% các huyện, trong đó 4G phủ sóng tới 70% (thủ phủ hơn 96%), góp phần đưa Lào thành một trong các nước có vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á.
Hiện Unitel là doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông với trung bình mỗi năm trên 53 triệu USD, tạo nhiều công ăn việc làm nhất tại Lào với hơn 27.000 lao động.
"Unitel là ví dụ điển hình thành công về đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel trên khắp thế giới trong những năm qua.
Unitel cũng đã góp phần giúp cho năng lực về viễn thông cũng như chuyển đổi số của Lào gia tăng và có những bước tiến thần kỳ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.
Không chỉ thành công tại Lào, năm 2023, một doanh nghiệp viễn thông khác do Viettel đầu tư là Natcom cũng xuất sắc vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại sáu thị trường nước ngoài (Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myanmar, Telemor tại Timor Leste, Lumitel tại Burundi).
Chưa hết, lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ cũng đã mở rộng kinh doanh ra bốn thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Timor Leste và Hong Kong.
Nền tảng tài chính số Viettel cũng đã xuất khẩu ra bảy thị trường, nhiều nơi có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Timor Leste (139%), Burundi (91%)...
Đại diện Viettel cho biết doanh thu từ các thị trường nước ngoài đã tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao bảy năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới.
Thoát mác "gia công", chủ động kiếm tỉ đô
Một tập đoàn công nghệ khác của Việt Nam cũng thành công vang dội từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 là FPT với doanh thu đạt mốc hơn 1 tỉ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Điều đáng nói thay vì mang tiếng "gia công phần mềm" như trước đây, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ với 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 6 lần trong vòng 5 năm qua.
Trong đó tập trung vào các công nghệ mới như Cloud (đám mây), AI (trí tuệ nhân tạo), phân tích dữ liệu...
Theo chia sẻ của FPT, năm 2023 hồ sơ của họ lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD.
Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành.
Vượt hơn 100 nhà thầu quốc tế, FPT đã trở thành đối tác chính, tư vấn và cung cấp giải pháp toàn diện, từ nền tảng vận hành doanh nghiệp đến chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tốc bán lẻ, giúp khách hàng bán hơn 5 triệu xe mỗi năm tại Mỹ và tối ưu chi phí.
Bí quyết nào để thành công? Chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ, ông Trần Trung Hưng, tổng giám đốc Unitel, cho hay Unitel đã giao những vị trí quản lý và quan trọng cho chính những nhân viên người Lào để họ cảm nhận được Unitel là nhà mạng của chính họ.
Từ những việc như vậy, Unitel đã gây dựng được niềm tin yêu với người dân Lào kể từ khi bắt đầu khai phá thị trường này.
"Thành quả không thể miêu tả hết qua con số mà với cách làm "cho đi trước, nhận lại sau", chúng tôi trở thành nhà mạng ngày càng được tin yêu tại đất nước triệu voi và trở thành một hình mẫu, cầu nối giữ tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia, dân tộc", ông Hưng nói.
Tương tự, việc thích ứng với thị trường bản địa cũng chính là bài học xương máu mà ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, chia sẻ. "FPT từng tiêu hết 1 triệu USD và thất bại cho đến khi nhờ sự giúp sức của "những người bạn" ở Nhật Bản để rút ra được bí quyết: muốn làm phần mềm phải chịu khó nói tiếng bản địa", ông Bình cho hay.
Bên cạnh "các chiêu thức" thích ứng thị trường mới, "đi trước đón đầu" là một bí quyết được lãnh đạo các doanh nghiệp trên chia sẻ trên đường thành công ở nước ngoài.
Chẳng hạn FPT tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.
Nhờ đó, năng lực trong những mảng công nghệ mới trở thành "vũ khí" để FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn.
Doanh nghiệp Việt phải có giấc mơ lớn
* Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình: "Hơn 2 thập niên trước, FPT khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu và FPT Software được thành lập để hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Sau 2 thập niên, Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số.
Chúng tôi đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt tỏa sáng khắp năm châu. Trên hành trình phía trước, chúng tôi sẽ vẫn một giấc mơ đưa đất nước lên tầm cao nhất bằng công nghệ, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc".
* Tổng giám đốc Unitel Trần Trung Hưng: "Doanh nghiệp Việt muốn "lột xác" phải dũng cảm đi ra ngoài vùng an toàn, vươn ra thế giới, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ. Khi ra nước ngoài đầu tư, điều quan trọng nhất là sự hiểu biết đầy đủ về hệ thống pháp luật của nước sở tại.
Bên cạnh đó, sự am hiểu về văn hóa bản địa cũng cực kỳ quan trọng. Khi xảy ra sự cố, xử lý khủng hoảng, việc đảm bảo công ty ổn định kinh doanh và giữ vững tinh thần cho toàn thể cán bộ nhân viên đòi hỏi cấp lãnh đạo phải cực kỳ nhạy bén, linh hoạt, am hiểu và luôn bình tĩnh. Đồng thời công tác nhân sự, dùng người và giữ người chính là nền móng vững chắc".
Sẽ thêm nhiều tỉ nơi "biển lớn"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Hưng cho biết mục tiêu năm 2025 của Unitel là trở thành tập đoàn kinh tế lớn nhất tại Lào, tham gia sâu rộng tới mọi mặt kinh tế Lào, trong đó viễn thông là dịch vụ chủ đạo; các dịch vụ fintech, giải pháp công nghệ, nội dung số, thương mại điện tử, y tế... là động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Unitel cũng đặt mục tiêu doanh thu tới năm 2025 đạt hơn 306 triệu USD.
Tại lễ khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh (sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hóa, hệ thống chia hàng lớn, dạng băng tải) đầu tiên của Việt Nam vào cuối tháng 1-2024, ông Hoàng Trung Thành, tổng giám đốc Tổng công ty bưu chính Viettel (Viettel Post), cho biết doanh nghiệp đã có mặt tại Myanmar và Campuchia.
Năm 2024 sẽ đầu tư tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc rồi vươn sang Úc, châu Âu, tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của toàn cầu.
Trong khi đó, Tập đoàn FPT cho biết sẽ tiếp tục đưa Việt Nam thành trung tâm công nghệ mới với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hàng tỉ USD từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng duy nhất.
Mới đây, FPT đã thành lập Công ty FPT Automotive (công nghệ ô tô) với mục tiêu đạt 1 tỉ USD vào năm 2030.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ: "Nếu như trước đây FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT.
Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ".
Start-up Việt có nhiều cơ hội
Nói về những thành công bước đầu nhưng hết sức có ý nghĩa của các doanh nghiệp công nghệ Việt, anh Huy Nguyễn - nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Phygital Labs (từng là một trong những lãnh đạo cấp cao trẻ tuổi nhất Google - vị trí Senior Tech Lead Manager - nằm trong top 10% người có thứ hạng từ level 6 trở lên ở Google) - cho rằng về cơ bản, một doanh nghiệp chiếm được thành công từ một thị trường mới sẽ có các yêu cầu về chất lượng, giá cả và đặc biệt là giải quyết đúng nhu cầu nước sở tại cần.
Ngoài FPT và Viettel, Việt Nam còn có các start-up trong các lĩnh vực mới như mobile game, blockchain. Việt Nam cũng đã có các công ty từng đứng hàng đầu thế giới và kiếm rất nhiều tiền như Axie Infinity, Amanotes...
Phân tích về ba yếu tố của thành công, chuyên gia này chia sẻ cụ thể: thứ nhất về chất lượng, thế giới phẳng, mạng Internet phát triển, các bí kíp về công nghệ được học và tái chế nhanh hơn gấp nhiều lần trước đây nên các nước không còn sự khác biệt quá to lớn, đặc biệt khi công nghệ được thay đổi rất nhanh và đập đi xây lại dễ dàng.
Nó không giống công nghiệp nặng như máy móc xe hơi trước đây...
Thứ hai là về giá cả, Việt Nam vẫn là nước có dân số vàng, lao động nhiều, học hỏi công nghệ nhanh, nên chi phí giá cả còn rất hợp lý so với các nước cạnh tranh khác cả trong khu vực và trên thế giới.
Yếu tố thứ ba - rất quan trọng - là hiểu được nhu cầu thị trường thế giới. Đây là bài toán khó nhất, cần giải với các doanh nghiệp Việt muốn ra toàn cầu.
Bài toán này yêu cầu doanh nghiệp phải hiểu được: ngôn ngữ (ít nhất là tiếng Anh); có thời gian thực sống và hiểu văn hóa (có thể không phải biên giới quốc gia, mà là biên giới thế hệ); có các mối quan hệ dẫn dắt để tiếp cận được với tập khách hàng đó; có bảo chứng về sự đáng tin cậy và đạt đầy đủ các điều kiện để hoạt động tại môi trường đó.
Để chuẩn bị tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt muốn ra "biển lớn", theo anh Huy Nguyễn, ngoài việc tự học thì cần có mạng lưới các công ty Việt giúp đỡ nhau cả trong và ngoài nước.
Công ty lớn đi trước giúp công ty nhỏ, thành các cộng đồng cùng đưa doanh nghiệp Việt ra toàn cầu. Chính phủ cũng có thể có các chương trình để giúp đỡ, như đưa doanh nghiệp Việt đến giới thiệu tại các nước sở tại, tạo uy tín...
Bên cạnh đó, rất cần các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ và thúc đẩy những doanh nghiệp Việt ra thế giới. Một khi đã đủ các yếu tố về chất lượng và giá cả, tức doanh nghiệp sẽ không gặp thêm trở ngại nào nữa về hành chính, pháp lý, kế toán...
Doanh nghiệp Việt, nhất là các start-up, sẽ dễ dàng vươn ra biển lớn. Và Việt Nam chúng ta sẽ nhanh chóng có nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu tỉ USD từ thị trường toàn cầu.
Start-up Việt cán mốc 100 triệu người dùng toàn cầu
Topebox, một studio phát triển game tại TP.HCM, cho hay đã cán mốc 100 triệu người dùng toàn cầu trong năm 2023. Trong làn sóng sa thải nhân sự diễn ra tràn lan ở các doanh nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ nói chung và game nói riêng, start-up Việt không những giữ vững sự ổn định mà còn đạt cột mốc thành tích đáng tự hào nêu trên.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Thái Thanh Liêm - nhà sáng lập, giám đốc điều hành Topebox - cho hay đây là điều rất đáng tự hào, và đặc biệt hơn, tiềm năng của Topebox những năm qua đã khiến start-up này rơi vào tầm ngắm đầu tư, thậm chí mua lại của nhiều công ty nước ngoài, nhất là trong tình cảnh đầy khó khăn của năm qua. Tuy nhiên, anh Liêm chia sẻ đã quyết "giữ mình là công ty Việt Nam để đương đầu với những thử thách đã trải qua".
Thay vì "bán mình", anh Liêm kể năm 2023 Topebox dốc toàn lực chú trọng vào việc xây dựng những sản phẩm cốt lõi mới để làm nền tảng cho năm 2024 và những năm về sau, do "ngành game Việt Nam và thế giới đang đứng trước những bước chuyển mình lớn và cần thiết, đòi hỏi những sản phẩm trong tương lai phải mang đậm tính sáng tạo và chất lượng hơn".
Theo anh Liêm, đặc điểm chung của những dự án ở Topebox là các sản phẩm đều là thành quả của khát khao được biến những thứ chỉ trong trí tưởng tượng của các bạn trẻ Việt Nam, chưa được biết đến và chưa được công nhận ở bất cứ đâu trên thế giới thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận