16/10/2019 12:25 GMT+7

'Doanh nghiệp có sống thì ngân hàng mới thu được nợ'

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Các tổ chức tín dụng phải có cơ chế tự kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT... và đặc biệt là những khách hàng có dư nợ lớn từ 5.000 tỉ đồng trở lên...

Doanh nghiệp có sống thì ngân hàng mới thu được nợ - Ảnh 1.

Dự án đã được bán đấu giá hơn 1 năm, các bên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa thể sang tên cho chủ mới - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã khuyến cáo như vậy tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và quyết định 1058 của Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020, được Ngân hàng (NH) Nhà nước tổ chức hôm 15-10.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, phó tổng giám đốc Agribank, cho rằng nghị quyết 42 ra đời đã tháo gỡ rất nhiều những vướng mắc trước đó trong việc xử lý nợ xấu, như cho phép TCTD có thể xử lý thu hồi nợ dưới giá gốc, bán nợ theo giá thị trường... Nhờ đó, trong 2 năm qua, Agribank đã thu hồi được khoảng 60.000 tỉ đồng trên tổng số 140.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Vượng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ xấu là phát sinh thuế. Trong thực tế, nhiều tài sản đảm bảo đã được đấu giá thành công và dù thu hồi nợ dưới giá gốc nhưng cơ quan thuế các địa phương áp dụng khác nhau khiến giao dịch kéo dài và người mua thiệt hại khi không thể chuyển đổi, sang tên, tiếp tục sử dụng tài sản này.

Theo quy định của nghị quyết 42, ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ cho TCTD. Tuy nhiên, cơ quan thuế một số địa phương yêu cầu phải nộp đủ các loại thuế, nếu không sẽ không thể chuyển tên tài sản sang cho chủ mới. Ngoài ra, theo ông Đỗ Giang Nam - phó tổng giám đốc VAMC, việc sang tên tài sản đảm bảo của nợ xấu là bất động sản cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Dẫn trường hợp một doanh nghiệp (DN) đã mua lại tài sản của Công ty CP đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành là dự án khách sạn Tân Thành (Vũng Tàu) với giá trị đấu giá gần 153 tỉ đồng, các bên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và bàn giao tài sản từ tháng 5-2018. "Nhưng đến nay đã 14 tháng vẫn chưa thể sang tên được giấy nhận quyền sử dụng đất cho chủ mới, dù VAMC cũng như DN này đã gửi rất nhiều văn bản đến các cơ quan liên quan" - ông Nam cho biết.

Siết tín dụng vào lĩnh vực rủi ro

Dù đánh giá thành công bước đầu của hệ thống NH trong xử lý nợ xấu, nhưng theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, ngành NH phải tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, xây dựng cơ cấu tín dụng hợp lý, kiểm soát chặt chẽ các phương án phát hành trái phiếu DN để huy động vốn...

"Số lượng tín dụng không quan trọng bằng cơ cấu và chất lượng tín dụng. Có khi chỉ 1 khách hàng lớn, khách hàng VIP bị đổ bể, NH cũng gay go, ảnh hưởng đến hệ thống" - ông Huệ khuyến cáo, đồng thời yêu cầu các TCTD phải kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT...

Theo ông Huệ, các TCTD cũng phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với DN, có giải pháp để hạ chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là khi NH Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành và lạm phát thực của VN rất thấp, chỉ 2-3%. "Nếu giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đó chính là nuôi dưỡng thị trường, giống như thuế là bồi dưỡng nguồn thu" - ông Huệ nói.

Riêng với 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương với dư nợ khoảng 23.000 tỉ đồng, ông Huệ giao NH Nhà nước xây dựng đề án xử lý nợ theo hướng có cơ chế tín dụng phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động của các dự án này, bởi "DN có sống được thì NH mới thu được nợ". "Nếu NH cứ chắc lép quá sẽ không bao giờ xử lý được các dự án này và hơn 20.000 tỉ đồng nợ xấu sẽ không bao giờ thu được" - ông Huệ nói.

Theo ông Nguyễn Kim Anh - phó thống đốc NH Nhà nước, sau 2 năm triển khai nghị quyết số 42 và quyết định 1058, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 236.800 tỉ đồng nợ xấu, trung bình mỗi tháng xử lý được 9.600 tỉ đồng, cao hơn 4.700 tỉ đồng/tháng của giai đoạn 2012 - 2017. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.

2 năm các ngân hàng xử lý được hơn 236.000 tỉ đồng nợ xấu 2 năm các ngân hàng xử lý được hơn 236.000 tỉ đồng nợ xấu

TTO - Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 2 năm thực hiện nghị quyết 42, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 236.800 tỉ đồng. Như vậy, bình quân mỗi tháng các tổ chức tín dụng xử lý gần 10.000 tỉ đồng nợ xấu.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên