Ngày 10-10, Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng cao kỹ năng của lao động Việt Nam đáp ứng thị trường châu Âu".
Đa dạng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh
Tại đây, TS Nguyễn Thị Thanh Bình - chuyên viên chính Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - nhận định dù nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp châu Âu khá lớn nhưng tính kết nối của các trường cao đẳng, trung cấp Việt Nam đang còn nhiều hạn chế.
Bà Bình cho rằng khả năng tiếp cận thông tin của các trường với những doanh nghiệp châu Âu chưa cao. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động và xem đây như một cơ hội lớn.
Ngoài ra, công nhận và chuyển đổi bằng cấp cũng đang là một rào cản. Một số bằng cấp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang bị một số nước châu Âu từ chối hoặc chỉ công nhận một phần.
TS Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông - chỉ ra một điểm yếu hiện tại của sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp các trường nghề là ngoại ngữ.
Ông phân tích trong sáu môn học bắt buộc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cho các trường nghề Việt Nam, lựa chọn ngoại ngữ chỉ có tiếng Anh.
Nhiều sinh viên muốn học các ngôn ngữ khác phải học thêm bên ngoài, hoặc trường nghề sẽ phải liên kết giảng dạy cho các em.
"Theo tôi, mở rộng lựa chọn ngôn ngữ là rất cần thiết, giúp các em hướng đến nhiều thị trường lao động hơn. Chẳng hạn với tiếng Đức, nếu trong 2-3 năm học tại trường cao đẳng, các em bắt đầu học tiếng Đức thì khi tốt nghiệp có thể đạt trình độ A2 hoặc B1. Cơ hội cho các em đi làm tại các doanh nghiệp Đức sẽ nhiều hơn", ông Hải nói.
Doanh nghiệp châu Âu sẽ tham gia giải bài toán lao động
Trong khi đó, ông Bạch Hưng Trường - trưởng hợp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục chất lượng cao thuộc Chương trình Hợp tác Việt - Đức về đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) - cho biết các doanh nghiệp Đức đang rất quan tâm đến mô hình kết hợp cùng các cơ sở giáo dục, trong đó có Việt Nam, để phối hợp đào tạo nghề.
Ông Trường cho rằng các doanh nghiệp nhận thấy lợi ích lớn xét về kinh tế nếu hợp tác đào tạo lao động với trường nghề và khi tự đào tạo.
Chẳng hạn, nếu không kết hợp với các trường nghề, chi phí ròng đào tạo một kỹ thuật viên cơ điện tử ô tô tại Đức là 7.550 euro/người/năm. Còn nếu kết hợp, chi phí giảm chỉ còn 4.595 euro/người/năm.
Thậm chí có những nghề liên kết đào tạo lại giúp doanh nghiệp… có lãi. Điển hình với nghề làm bánh, tổng chi phí để đào tạo một kỹ thuật viên làm bánh là 12.572 euro/người/năm.
Tuy nhiên nếu kết hợp với trường nghề và trên 50% thời gian người học được đến doanh nghiệp để thực hành, công lao động của người học đó có thể đóng góp cho doanh nghiệp đó đến 15.818 euro/năm. Đồng nghĩa, doanh nghiệp đã lãi 3.246 euro/người/năm.
Vì vậy, theo ông Trường, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường hợp tác đào tạo tại Việt Nam. Các doanh nghiệp không chỉ tham gia xây dựng danh mục nghề, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo mà còn có thể ở các khâu lựa chọn, trả lương, đào tạo học viên, thẩm định chất lượng.
Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động quốc tế
Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng đào tạo gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động quốc tế là một trong nhiều định hướng của Việt Nam.
Theo bà Hương, đây cũng là cơ hội để nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài khi trở về nước sẽ đóng góp trình độ, kỹ năng để đào tạo cho những thế hệ lao động tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận