23/08/2011 06:14 GMT+7

Doanh nghiệp bỏ chạy, người dân lãnh đủ

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Nhiều người dân ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phản ảnh: nông dân không thể trồng lúa do doanh nghiệp xả thải than ô nhiễm lên đất, vậy nhưng doanh nghiệp này lại không chịu trách nhiệm gì.

Pwv01OgI.jpgPhóng to

Cánh đồng hoang này trước đây là một vựa lúa của người dân xã Đại Hưng - Ảnh: Đ.Cường

Hàng chục hecta đất trồng lúa của gần 100 hộ dân ở hai thôn Đại Mỹ, Thạnh Đại (xã Đại Hưng) giờ đây thành đất chết, không thể trồng trọt. Nguyên nhân do một doanh nghiệp khai thác than trên núi Khe Tre (xã Đại Hưng) xả chất thải của than xuống làm lúa chết hoặc không thể phát triển, cả một cánh đồng màu mỡ của hai thôn giờ đây chỉ còn là bãi đất cằn cỗi, nứt nẻ do lớp bùn than, cao lanh từ trên núi trôi xuống phủ lên bề mặt khiến không có cây nào sống nổi.

Đất chết

Doanh nghiệp phủi tay

Một vấn đề gây bức xúc cho người dân là trách nhiệm của Công ty Sơn Thắng, nhưng thay vì yêu cầu công ty này thực hiện cải tạo diện tích đất bị hoang hóa thì huyện Đại Lộc lại lấy tiền ngân sách của địa phương để làm. Ông Tính thừa nhận: “Sự cố trên đúng là do Công ty Sơn Thắng gây ra và công ty phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, năm 2009 khi Công ty Sơn Thắng mới bắt đầu khai thác thì ngay sau đó xảy ra sự cố và bị đình chỉ. Vì vậy, thực tế công ty này vẫn chưa làm được gì nên không có tiền để cải tạo”.

Người dân địa phương cho biết từ năm 2009, khi huyện Đại Lộc giao dự án khai thác than cho Công ty Sơn Thắng khai thác thì xảy ra sự cố: các chất thải than tràn xuống đồng ruộng khiến lúa cứ lụi dần, cây nào sống sót trổ bông thì không có hạt.

Bà Võ Thị Em (thôn Thạnh Đại) cho biết: “Nhà tôi có hơn 2 sào đất đủ cho bảy miệng ăn trong nhà, nhưng từ cuối năm 2009 đến nay, nước than trôi từ trên núi xuống khiến ruộng phải bỏ hoang. Đất không thể sản xuất, hai vợ chồng tôi phải vô rừng đốn củi đổi gạo ăn từng bữa”.

Bà Em cũng như mấy chục hộ dân ở thôn Thạnh Đại được UBND xã Đại Hưng cho một miếng đất bạc màu hơn để canh tác. Nhưng đất xấu, hơn 1 sào mà chỉ thu hoạch được một bao lúa. Trong khi gần 10ha đất trồng lúa của khoảng 100 hộ dân ở hai thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ phải bỏ hoang không thể sản xuất thì những diện tích lúa khác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Trong (thôn Thạnh Đại) lội xuống ruộng lúa lưa thưa bức xúc nói: “Hai vụ đông xuân và hè thu vừa qua lúa trổ bông nhưng không có hạt. Giờ không biết kêu ai mà đền bù cả”.

Dùng ngân sách huyện để cải tạo

Ông Phan Đức Tính - phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - xác nhận việc khai thác than ở Khe Tre của Công ty Sơn Thắng đã xảy ra sự cố khiến nước than, các chất thải, đất... tràn xuống 10ha đất ruộng của gần 100 hộ dân ở hai thôn Đại Mỹ và Thạnh Đại. Ngay sau đó, huyện Đại Lộc đã làm việc với xã Đại Hưng và Công ty Sơn Thắng để hỗ trợ thiệt hại các vụ lúa cho bà con nông dân, đồng thời tìm giải pháp cải tạo diện tích đất bị bồi lấp. Tuy nhiên do diện tích lúa bị bồi lấp quá nặng nên việc cải tạo đất không mang lại kết quả. Giải pháp tạm thời đã được huyện Đại Lộc đưa ra là cho người dân hai thôn nói trên mượn đất loại 2 để sản xuất, tuy nhiên do đất loại 2 rất xấu và năng suất quá thấp nên người dân không mặn mà lắm.

Cũng theo ông Tính, huyện Đại Lộc đã tính phương án cải tạo diện tích 10ha đất bị hoang hóa do sự cố khai thác than gây ra với kinh phí chừng 3,7 tỉ đồng, trong đó ngân sách huyện bỏ ra là 2,2 tỉ đồng. Số tiền 1,5 tỉ đồng còn lại lấy từ việc tận thu bán 1,4ha đất bề mặt (trong số 10ha đất ô nhiễm) cho một công ty làm gạch. “Sau khi bán lớp đất đi, diện tích 1,4ha sẽ trở thành một hồ chứa lớn và người ta sẽ cào lớp đất ô nhiễm xuống hố” - ông Tính nói.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên