03/07/2015 10:32 GMT+7

Đoán "trúng tủ" đề địa lý, thí sinh khắp nơi vui mừng

N.TRINH - T.THÀNH - M.DUNG - P.DƯƠNG - H.NGUYÊN - TTRINH - N.TUYỀN - HQUÂN - SƠN LÂM - THÂN HOÀNG - T.NHƠN - T.TRUNG - M.TÂM  - N.TRẦN -Q.THẾ - T.THẮNG - H.GIANG - L.HỒNG - D.HÒA - T.HẰNG - N.NGỌC - Đ
N.TRINH - T.THÀNH - M.DUNG - P.DƯƠNG - H.NGUYÊN - TTRINH - N.TUYỀN - HQUÂN - SƠN LÂM - THÂN HOÀNG - T.NHƠN - T.TRUNG - M.TÂM - N.TRẦN -Q.THẾ - T.THẮNG - H.GIANG - L.HỒNG - D.HÒA - T.HẰNG - N.NGỌC - Đ

TTO CẬP NHẬT - Hết 2/3 thời gian làm bài, các sĩ tử ở tỉnh Đắk Lắk ra khỏi phòng thi với tinh thần rất vui vẻ. Các em cho biết, những vấn đề liên quan đến biển đảo xuất hiện nhiều trong đề thi.

Thí sinh ra khỏi trường thi sau 2/3 thời gian tại điểm thi Trường THPT Gia Định - Ảnh: Hồng Nguyên

* Đa số các thí sinh Đắk Lắk đều cho rằng đề địa lý năm nay dễ hơn năm ngoái, những vấn đề liên quan đến biển đảo chỉ cần theo dõi thời sự là có thể giải quyết được hết. Bên cạnh đó, đề thi cũng kích thích các em nêu lên suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng biển đảo như kinh tế, đánh bắt hải sản và những mối liên quan của nó.

Em Phạm Trung Kiên (huyện Cư Kuin) chia sẻ: “Đề địa năm nay ra đúng những gì em đã ôn, hầu như không phải học thuộc bài máy móc, rất hay và sát với thực tế tình hình biển đảo của nước ta”. Kiên cũng cho biết thêm, đề địa lý năm nay tuy không khó, nhưng rắc rối ở phần vẽ biểu đồ, “theo em thì câu biểu đồ là sự kết hợp giữa biểu đồ cột và biểu đồ đường, em nghĩ mình đã làm đúng”.

Sau 2/3 thời gian, lác đác thí sinh tại điểm thi Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Lắk ra về. Lý Văn Sơn (H. Cư Jut, Đắk Nông) cho rằng đề địa chỉ cần học kỹ lý thuyết đã làm được 5 đến 6 điểm.

Các thí sinh thảo luận về đề thi Địa - Ảnh: Tiến Thành
Một thí sinh được bạn cõng ra ngoài phòng thi Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Tiến Thành

“Hay nhất là câu hỏi về xác định các tỉnh giáp Trung Quốc. Yếu tố này không phải ai cũng để ý nhưng nhờ Atlat nên củng cố thêm được vấn đề về biên giới” - Sơn hồ hởi.

Còn bạn Cao Thị Hằng thì rất hứng khởi khi bước ra khỏi phòng thi vì đề Địa không quá khó như dự đoán. “Trước khi thi. Mình nghĩ đề địa năm nay sẽ có những câu rất khó và có thể sẽ “gài bẫy” nhưng thực ra thì cũng “dễ thở” - Hằng cười tươi nói.

* TP.HCM: Kết thúc 2/3 thời gian làm bài môn địa lý, rất nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Hầu hết các thí sinh cho rằng đề thi môn địa dễ thở, sử dụng Atlat là có thể làm tốt bài thi. 

Tại điểm thi THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM, hầu hết các bạn tự tin bài làm của mình đạt kết quả tốt.

Thí sinh ra về sớm sau khi kết thúc môn thi Địa lý tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM trưa 3-7 - Ảnh: Quang Định
Thí sinh ra về sớm sau khi kết thúc môn thi Địa lý tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM trưa 3-7 - Ảnh: Quang Định
Thí sinh ra về sớm sau khi kết thúc môn thi Địa lý tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM trưa 3-7 - Ảnh: Quang Định

Phạm Ngọc Thái (THPT Đông Đô) là thí sinh ra đầu tiên cho biết: “Mình làm bài được, đề có 4 câu trong đó câu biển đảo dễ, với đề này, mình làm được 7-8 điểm. 

Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM, hầu hết thí sinh ra về sau khi hết 2/3 thời gian làm bài. Các thí sinh tự tin sẽ đạt điểm cao với đề địa năm nay. Đề thi đề cập đến ý nghĩa của việc bảo vệ biển đảo, biên giới với Trung Quốc và tài nguyên quốc gia.

Tại điểm thi Trường THPT Bình Phú, Q.6, đa phần cảm thấy đề thi vừa sức, hơi dài, nằm trong dự đoán về nội dung biển, đảo nhưng học sinh trung bình có thể làm được 50%. Thí sinh Lê Quang Trường, học tại THPT Bình Phú cho biết “gần như đề thi dính với biển đảo, câu hỏi về khai thác biển khá đơn giản, câu hỏi về vùng kinh tế không hỏi cụ thể một vùng mà chỉ nêu chung về các vùng kinh tế trọng điểm, có thể dựa vào Atlat để làm”. Thí sinh này cho biết câu khó nhất là câu vẽ biểu đồ yêu cầu vẽ các loại biểu đồ tích hợp.

Một số thí sinh tranh cãi nhau về việc vẽ biểu đồ cột chồng và biểu đồ đường hay miền. “Nếu không hiểu tính chất của mỗi dạng biểu đồ sẽ dễ rất nhầm lẫn, thí sinh Lê Quang Trường cho biết. Thí sinh Phương Phương Thanh, THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, cho rằng  đề vừa sức, không có điểm nhấn, dễ đoán, nằm hoàn toàn trong chương trình học, có thể làm được trên 5 điểm.

Hơn 10g, cả trăm thí sinh tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã ra khỏi cổng, dù 11g mới hết thời gian làm bài. Trong khi một số thí sinh chỉ “nhớ” được đề hỏi về “hệ thống sông ngòi, lập biểu đồ”, thì nhiều thí sinh nhớ chi tiết đề thi và cả cách mình đã trình bày trong bài thi. Thí sinh Nguyễn Văn Bi, thí sinh tự do thi khối C với dự định xét tuyển vào vào ĐH Cảnh sát nhận xét: Đề địa lý “toàn” những vấn đề hay, nhấn mạnh vào vị trí trọng yếu của các khu kinh tế, các ngành kinh tế tài nguyên của Việt Nam, đề thi địa lý năm nay “hay” mà không đánh đố. 

Tại cụm thi Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, thí sinh Nguyễn Hoàng Văn (Trường GDTX, ĐH Công Nghiệp) chia sẻ: “Đề năm nay dễ hơn đề năm ngoái nhưng lại dài hơn. Vấn đề biển đảo vẫn được đưa vào đề, em tự tin làm được khoảng 8 điểm”.

Giám thị đang kiểm tra cuốn Atlat địa lý của thí sinh trước giờ làm bài môn địa lý tại điểm thi trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên thuộc cụm thi ĐHQG TPHCM kỳ thi THPT Quốc Gia - Ảnh: Như Hùng

Là thí sinh chuyên Địa, Đức Ân cho biết đề này quá dễ so với em. Hai câu hỏi liên quan đến mạng lưới sông ngòi, kinh tế biển và kể tên những tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc, theo Ân rất ý nghĩa trong bối cảnh thời sự hiện nay. “Khi chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến ngoại giao Trung Quốc”, Ân nói.

* Hải Phòng: Làm bài ngay không suy nghĩ nhiều. Đúng 10g, hàng chục thí sinh tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) đã ra khỏi phòng thi. Đa số các thí sinh đều đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay rất dễ, không có nhiều bất ngờ.

Khoảng 20 phút sau gần như tất cả thí sinh tại điểm thi này đã ra ngoài, còn rất ít thí sinh trong phòng.

Hàng chục thí sinh ra sớm lúc 10g tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) - Ảnh: Thân HoàngHàng chục thí sinh ra sớm lúc 10g tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) - Ảnh: Thân Hoàng

Thí sinh Lê Minh Đức (THPT Lương Thế Vinh, Quảng Ninh) cho biết: “Em làm xong bài chỉ trong khoảng 60 phút. Câu 1, 2, 3 chỉ cần học chắc kiến thức là làm được. Câu 4 có phần hỏi sự phát triển kinh tế liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển Đông thì trước khi thi cũng được ôn luyện kỹ, chỉ cần xem thời sự và đọc báo nhiều là có thể liên hệ để làm bài. Em ước tính bài làm của mình được khoảng 8 điểm”.

Nhiều thí sinh cho biết đề thi Địa lý năm nay vừa sức, học sinh khá dễ kiếm điểm 7, 8. “Trước khi thi em chỉ lo câu vẽ bài tập vẽ biểu đồ ra yêu cầu phức tạp nhưng đề năm nay nói rõ vẽ biểu đồ kết hợp. Phòng thi của em hầu như bạn nào cũng làm xong sớm”, Nguyễn Thị Huyền (Quảng Ninh) cho biết.

Cái nóng oi ả hơn 40 độ C cũng không làm giảm đi sự phấn khởi, không khí bàn luận sôi nổi của các sĩ tử tại điểm thi trường ĐH Hàng hải. Thí sinh Trần Khắc Phú (Đông Triều, Quảng Ninh) tự tin: "Khi vừa đọc xong đề là em bắt tay vào làm ngay mà không cần phải nghĩ quá nhiều"

Nhóm thí sinh dự thi tại điểm thi ĐH Hàng hải (Hải Phòng) bàn luận sôi nổi sau khi kết thúc môn thi Địa lý - Ảnh: Tiến Thắng
Thí sinh rạng rỡ sau khi làm xong môn thi Địa lý - Ảnh: Tiến Thắng

Nhóm thí sinh nữ cười nói rôm rả sau khi rời điểm thi trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) luôn miệng tấm tắc khen đề thi địa lý năm nay hay và phù hợp với phần lớn các thí sinh dự thi. 

* Thí sinh Đồng Tháp: có câu dễ như cho không. Khác với hai môn thi tự luận trước khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài có rất ít thí sinh rời khỏi phòng thi, ở môn thi Địa lý sáng nay, sau 120 phút đã có rất nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi.

Đa phần các thí sinh nhận định đề Địa lý năm nay dễ, câu hỏi không đánh đố thí sinh và nằm trong chương trình ôn tập của trường. Thí sinh tự tin dễ đạt 7,8 điểm với đề thi Địa năm nay.

Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, trường THPT Phú Điền nói: “Đề cơ bản, nhiều câu như cho không đáp án với tụi em như câu kể các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc. Ngoài ra ở phần thi vẽ biểu đồ, đề đã nêu rõ dạng biểu đồ phải thể hiện nên không cần suy nghĩ nhiều”.

* Đà Nẵng trúng tủ: Vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn địa lý, tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Hải Châu, Đà Nẵng) đã có nhiều thí sinh kết thúc phần thi môn địa lý và ra khỏi phòng. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn địa lý năm nay rất thời sự và nhiều thí sinh đã đoán trúng chủ đề. Em Ngô Thị Hương Xuân (thí sinh Đà Nẵng) nói: “Qua sách báo em đoán được vấn đề nóng của thời sự hiện nay là chuyện biển đảo, từ đó em tập trung ôn phần này nhiều, thành ra khi câu 4 ra về vấn đề kinh tế biển em làm rất nhanh”.

Ngoài ra theo đánh giá của Xuân, đề thi năm nay “quá dễ”, trong đó có câu hỏi liên quan đến biên giới với Trung Quốc hầu như thí sinh nào cũng làm được. Còn thí sinh Ngọc Lan, thi tại điểm Trường THPT Trần Phú Đà Nẵng thí nhận định: “Thí sinh miền Trung còn có thêm lợi thế về câu hỏi về các trung tâm công nghiệp ở miền Trung nên chắc năm nay điểm thi địa lý sẽ khá cao. Chắc điểm từ 5-8 sẽ khá nhiều”.

Tại điểm thi Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, rất nhiều thí sinh làm xong sớm bài thi đến gần 1 tiếng. Thí sinh Nguyễn Hoàng Giang (THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) cho biết: "Đề thi năm nay khá dễ. Mặc dù em không chuẩn bị gì nhiều cho môn Địa lý nhưng vẫn dễ dàng nắm được 6 điểm".

Thí sinh N.N.Phương Trinh (Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ: "Đề thi Địa lý mặc dù có đề cập đến tiềm năng kinh tế biển của nước ta nhưng không ra về Hoàng Sa, Trường Sa như đồn đại".

Thí sinh kết thúc mon địa lý cụm thi Đà Nẵng - Ảnh: Hoài Giang

* Cần Thơ hồ hởi: Nhiều thí sinh ở Cần Thơ hồ hởi bởi đề thi môn địa năm nay đều nằm trong chương trình 12. Thí sinh chỉ cần thuộc bài và sử dụng thạo Atlat là có thể dễ dàng kiếm điểm 8.

Thí sinh ở hội đồng thi Trường Cao Đẳng Cần Thơ ra về sau khi kết thúc môn địa. Ảnh: Minh Tâm 

Thí sinh Trần Thanh Thảo, trường THPT Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) hoàn thành bài sớm hơn so với quy định 30 phút, cho biết: câu vẽ biểu đồ không đánh đố thí sinh, dễ xác định biểu đồ ngay sau khi đọc bài.

Đặc biệt trong câu 4 có phần đòi hỏi thí sinh phải có tư duy suy luận. Đó là tại sao việc khai thác kinh tế biển lại có ý nghĩa phát triển kinh tế và phát triển đất nước. Bạn Thảo cho biết: “Do em có nghe đài, đọc báo và ôn tập khá kỹ về phần này nên câu này rất hay, rất sáng tạo để em có thể thoải mái, trình bày những suy nghĩ của mình. Với đề thi này, em có thể đạt 8 điểm trở lên” .

* Thái Nguyên: Thí sinh phấn khởi vì đoán được đề. Em Nông Thị Kiều Oanh thí sinh trường THPT Bình Trung, Bắc Kạn cho biết câu kinh tế biển đảo nhiều bạn rất phấn khởi vì có thể đoán được vào phần này với lại đây là một câu đề mở khá hay và thời sự.

Do năm nay thí sinh có thể mang Atlat vào phòng thi nên việc làm bài có lợi hơn rất nhiều, nhiều em còn chắc chắn nắm chắc khoảng 4 điểm nhờ được mang Atlat vào.

Tuy nhiên cũng có nhiều thí sinh ra sớm khỏi phòng thi vì quá áp lực và thời tiết nắng nóng. Nhiều em nói rằng bị run nên không biết mình làm có đúng không và không được chắc chắn với phần viết.

Trước đó theo báo cáo của hội đồng thi tại Thái Nguyên sau bốn môn thi, tại các điểm thi đã có 61 thí sinh bị đình chỉ thi, 4 thí sinh bị khiển trách trong đó chỉ riêng môn văn đã có 53 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế. 

Đúng 10g, rất nhiều thí sinh tại ĐH Y dược Thái Nguyên đã ra khỏi phòng thi - Ảnh: Quang Thế

Trưa 3-7, khi vừa kết thúc 2/3 thời gian làm bài thi môn địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều sĩ tử tại điểm thi trường ĐH Hàng hải vừa rời phòng thi đã bàn luận sôi nổi về câu hỏi xung quanh vấn đề giá trị biển đảo đối với kinh tế Việt Nam.

* Nghệ An chung không khí vui mừng. Sau 2/3 thời gian làm bài môn thi Địa lý, lúc 10g10 tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh (Nghệ An) đã rời phòng thi với tâm lý rất thoải mái và phấn khởi. Tại hội đồng thi này có các thísinh thi môn Địa lý chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp và lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ. Nhiều thí sinh khi được hỏi đều nhận xét, đề Địa lý vừa sức và còn vui mừng nói “trúng tủ”.

Thí sinh Thái Thị Huy (ngụ huyện Đô Lương, Nghệ An) vui vẻ cho biết: “Đề thi sát với cấu trúc đề thi của Bộ giáo dục, phần vẽ biểu đồ kết hợp nói về diện tích và giá trị cây công nghiệp lâu năm và cây công nghiệp hàng năm cũng không quá khó. Trong 4 câu hỏi thì có một câu hỏi liên quan đến biển đảo, yêu cầu phân tích ý nghĩa của tài nguyên biển đảo đối với sự phát triển kinh tế và chủ quyền biển đảo”. Huy dự thi khối C và ôn tập kỹ các nên dự đoán mình đạt điểm 7 môn này.

Kết thúc môn thi thứ 5 ở ngày thi thứ ba, thời tiết ở Nghệ An tiếp tục nắng nóng gay gắt và oi bức. Ghi nhận các tuyến giao thông ở TP Vinh không xảy ra tình trạng ách tắc do lượng thí sinh dự thi môn này ít hơn những môn thi đầu.

Thí sinh Thái Thị Huy vui vẻ chia sẻ đề thi môn Địa lý với tình nguyện viên - Ảnh: Doãn Hòa

* Trà Vinh: Làm từ 70% trở lên. Phần biểu đồ có thí sinh cho rằng đề nêu rõ nội dung vẽ biểu đồ cột chồng, kết hợp biểu đồ đường nên thí sinh không sợ nhầm lẫn. “Phần xem atlat yêu cầu xác định các tỉnh đất liền giáp với Trung Quốc khá lý thú. Ngoài ra còn có câu hỏi việc khai thác tài nguyên biển góp phần như thê nào để bảo vệ tổ quốc cũng hay. Đây là những vấn đề thời sự, chúng em thường cập nhật, thầy cô cũng có hướng dẫn nên làm bài được. Em làm cũng được khoảng 70%.”-Trâm nói.

Thí sinh hớn hở sau khi hoàn thành bài thi môn Địa lý - Ảnh: Thúy Hằng

Trong giờ thi môn địa, tại điểm thi số 15 khu I Đại học Trà Vinh, thí sinh Trần Thị Kiều Oanh-Trường THPT Phú Quới (Vĩnh Long) bị xỉu phải đưa đi cấp cứu tạu Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh. Trước đó vào đầu buổi thi Oanh đã có dấu hiệu bị ói liên tục và được các nhân viên y tế chăm sóc để trở vào phòng thi. Tuy nhiên đến giữa giờ thì Oanh ngất. Thí sinh này do gia đình đưa đi thi nên ngay sau đó gia đình đã đến bệnh viện chăm sóc, thông tin ban đầu có thể Oanh bị rối loạn tiền đình nên mới bị choáng.

Giáo viên nhân định: Điểm thi sẽ cao

Theo cô Võ Thị Ngọc Quý, giáo viên môn địa lý Trường THCS-THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, TPHCM, đề thi môn Địa năm nay ra vừa sức với thí sinh, nhất là những thí sinh có mục tiêu thi để xét tốt nghiệp THPT. Câu I xem như tặng 2 điểm cho thí sinh vì tất cả đều nằm trong sách giáo khoa, học sinh có học bài là làm được. Câu II cũng thuộc dạng tặng điểm cho thí sinh vì nó đã hiện rất rõ trong Atlat, thí sinh cứ nhìn vào Atlat để viết ra. Như vậy, thí sinh đã được 4 điểm.

Câu III là câu vẽ biểu đồ cũng không có gì phức tạp. Nếu như những năm trước, đề thi tuyển sinh Đại học chỉ yêu cầu học sinh vẽ biểu đồ (tùy theo yêu cầu đề thi mà thí sinh quyết định vẽ biểu đồ hình gì) thì năm nay đề thi đã xác định trước cho thí sinh là vẽ biểu đồ kết hợp giữa cột chồng và đường.

Trong đề thi, chỉ có câu IV thuộc dạng phân loại thí sinh. Tuy kiến thức của câu hỏi này cũng nằm trong sách giáo khoa nhưng thí sinh cần phải suy luận chút xíu thì mới trả lời đúng ý. Nói chung là câu này có đòi hỏi sự tư duy (chứ không phải học thuộc lòng như những câu trên) nhưng tư duy không cao. Nếu so với đề thi tuyển sinh đại học năm trước thì đề thi môn địa năm nay có phần nhẹ hơn, dễ thở hơn. Học sinh trung bình cũng dễ dàng đạt 6 điểm nếu có học bài. Tôi dự đoán điểm thi môn Địa năm nay sẽ rất cao.

Không khó để đạt 6 điểm

Đánh giá về đề thi môn địa lý, Th.S Võ Thị Kim Hiệp giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - cho rằng đề thi đã cập nhật các vấn đề thời sự về chủ quyền, toàn vẹn lạnh thổ, vùng trời, vùng đất và vùng biển của Việt Nam. Việc đưa các vấn đề thời sự vế chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ như vậy là cần thiết nhằm giáo dục ý thức cho học sinh.

So với đề thi ĐH năm trước thì đề năm nay dễ hơn khi thí sinh được sử dụng Atlat, câu về biểu đồ cho sẵn định dạng biểu đồ mà thí sinh cần phải vẽ chứ không phải tự xác định laoị biểu đồ như đề thi ĐH mọi năm. Tuy nhiên câu biểu đồ cũng là câu hay vì đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp khi nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này nhưng thực tế vẫn còn nhiều  yếu tố chưa ổn định, trở ngại.

Đề dàn trải nhiều vấn đề nhưng không quá xé nhỏ khi đề cập đến những vấn đề quan trọng như phát triển nông nghiệp, kinh tế vùng. Đề không quá khó, hầu hết các câu hỏi đều rất quen thuộc, nằm trong chương trình và giáo viên đã ôn tập cho học sinh. Với đề thi này, học sinh có thể dễ dàng đạt từ 5 đến 6 điểm. Trong đề chỉ có một câu phân loại đó là câu IV.1, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, kiến thức xã hội nhưng cũng không phải quá khó.

H.HG - MINH GIẢNG

* Kiên Giang: Thí sinh tự tin dễ dàng lấy 5 điểm môn địa lí: Thí sinh Trần Minh Cảnh - học sinh Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Kiên Giang  tự tin mình có thể lấy được điểm 7 môn địa lí sau khi chỉ mất khoảng 120 phút để hoàn thành bài thi vì đề dễ và rơi vào ngay những phần trọng tâm đã học, đề không khác nhiều so với những đề thi được dự đoán trên mạng.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá) bàn luận sau khi kết thúc môn thi địa lí - Ảnh: Như Ngọc

Theo em Cảnh, đề địa lí năm nay các bạn có học lực yếu vẫn có thể dễ dàng lấy được điểm 5 vì riêng phần vẽ biểu đồ không phải tính toán số liệu và được hướng dẫn cách vẽ biểu đồ có thể lấy ngay 3 điểm, còn phần xem atlat nếu các tỉnh giáp với Trung Quốc thì có thể làm bài được ngay và lấy được 2 điểm quá dễ.

Thí sinh Nguyễn Thị Hiền – học sinh Trường THPT Lại Sơn ( huyện đảo Kiên Hải) – phấn khởi cho biết đề thi địa lí năm nay học sinh có thể dễ dàng liên hệ và mở rộng kiến thức.

* Quảng Ninh lại ít có thí sinh ra sớm. Ghi nhận lúc 11g tại điểm thi trường THPT Hoành Bồ (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) không có thí sinh nào ra sớm. Đa phần thí sinh nhận định, đề thi Địa lý năm nay không quá khó, tuy nhiên điểm không cao, đa phần từ 5-6 điểm. Nhiều em đánh giá câu 4 về công nghiệp khai thác và kinh tế biển là câu hỏi khó, mang tính phân loại cao.

Thí sinh hồ hởi sau buổi thi môn Địa lý, so sánh đáp án với các bạn - Ảnh: Đức Hiếu

“Đề thi năm nay cũng tương đối khó, trong đó khó nhất là phần kinh tế biển trong câu 4. Em làm được khoảng 70%, chắc được 5-6 điểm” - Thí sinh Nguyễn Công Duy, học sinh trường THPT Hoành Bồ nói.

Thí sinh Ngô Tiến Dũng, trường Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hoành Bồ cho biết, bài thi Địa lý em chỉ làm được 3 câu đầu, câu cuối khó quá nên bỏ lại không làm. Tuy nhiên, so với đề thi tốt nghiệp năm 2014, đề thi có phần dễ hơn. Thi xong rồi mà vẫn hồi hộp chờ điểm Đây là buổi thi cuối cùng của nhiều em, vậy nên các em ra về tâm trạng khá thoải mái.

* Đồng Nai: chắc cú 70% bài thi. Tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, sau 2/3 thời gian, rất nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi. Em Nguyễn Đức Tuấn (học sinh trường Cao đẳng nghề Đồng Nai) vui mừng vì đề thi môn địa lý khá dễ nhưng hơi dài. Theo Tuấn đánh giá làm được trên 70% bài thi, nhiều thí sinh cùng phòng làm xong bài thi từ lúc 10g30 sáng.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn địa - Ảnh: A Lộc
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn địa - Ảnh: A Lộc
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn địa - Ảnh: A Lộc
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn địa - Ảnh: A Lộc
Nhiều thí sinh bịt kín mít do thời tiết nắng nóng - Ảnh: A Lộc
Nhiều thí sinh bịt kín mít do thời tiết nắng nóng - Ảnh: A Lộc

Thí sinh Đỗ Thị Nguyên Phương Tại điểm thi Trường THPT Tam Hiệp nhận định câu 4 là câu nâng cao hơi khó một xíu, còn câu làm bằng Atlat khá đơn giản. Phương tự tin kiếm được 7-8 điểm từ môn địa lý. Còn em Nguyễn Thế Thành nhận định đề thi dễ, ngắn, không có câu nào khó, nội dung đề thi sát với nội dung khối 12.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đồng Nai, có tổng cộng 7.443 thí sinh thi, đạt tỉ lệ 99,06%. Trong đó, có tổng cộng 67 thí sinh bỏ thi không rõ lý do, một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi.

* Nha Trang : “ Đề dễ thở hơn dự đoán“. Hầu hết các thí sinh đều cho biết đề dễ làm không khó khăn lắm, chỉ một số ít thí sinh không làm trọn vẹn và cho biết do mình học lơ tơ mơ.

Các chú bộ đội rời phòng thi đầy tự tin sau môn thi địa lý - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương
Các chú bộ đội rời phòng thi đầy tự tin sau môn thi địa lý - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương
Phụ huynh đang chờ con em trong khuôn viên trường - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương
Phụ huynh đang chờ con em trong khuôn viên trường - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương
Các tình nguyện viên mang cơm đợi sẵn trước cổng trường phát cho thí sinh - Ảnh: Hữu Khoa
Các thí sinh xem lại Atlat Địa Lí Việt Nam sau khi kết thúc môn Địa Lí tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa
Các thí sinh xem lại Atlat Địa Lí Việt Nam sau khi kết thúc môn Địa Lí tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa
Các thí sinh vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn Địa Lí tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa

                      

N.TRINH - T.THÀNH - M.DUNG - P.DƯƠNG - H.NGUYÊN - TTRINH - N.TUYỀN - HQUÂN - SƠN LÂM - THÂN HOÀNG - T.NHƠN - T.TRUNG - M.TÂM - N.TRẦN -Q.THẾ - T.THẮNG - H.GIANG - L.HỒNG - D.HÒA - T.HẰNG - N.NGỌC - Đ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên