15/11/2011 13:13 GMT+7

Đổ xô khoan giếng lấy... nước mặn

Ông Kỷ Quang Vinh (giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ)
Ông Kỷ Quang Vinh (giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ)

TT - Gần đây rất nhiều hộ dân ven biển ở một số tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh đã lén lút khoan giếng lấy nước mặn ngay giữa vùng ngọt hóa để... nuôi tôm. Theo các nhà khoa học, việc làm này rất tai hại, cần ngăn chặn ngay.

N0TTCeP4.jpgPhóng to
Ông Đỗ Hồng Phượng vận hành giếng khoan xả nước mặn nuôi tôm - Ảnh: M.THUẬN

Đua nhau đào ao, khoan giếng nuôi tôm

"Việc khoan giếng như vậy để lại tác hại khôn lường là giảm nguồn dự trữ quý giá, làm ô nhiễm nguồn nước và làm cao trình mặt đất lún xuống"

Dọc tuyến tỉnh lộ 883 qua các xã Lộc Thuận, Phú Vang, Phú Long, huyện Bình Đại (Bến Tre) có vô số ao nuôi tôm mới đào. Một số nơi máy đào đang mở hết công suất phá bỏ vườn dừa để đào ao nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Cam ở ấp 8, xã Lộc Thuận cho biết vụ tôm vừa rồi ao tôm 1.300m2 của ông cho lợi nhuận 80 triệu đồng, trong khi nếu diện tích này mà trồng dừa cao lắm chỉ thu lợi được 12 triệu đồng/năm. Thấy ông Cam làm được, nhiều người dân địa phương dù chỉ có 1.000m2 đất cũng bắt chước đốn bỏ dừa, đào ao nuôi tôm.

Xã Phú Long, huyện Bình Đại là một trong những địa phương có số người đốn bỏ vườn dừa để đào ao nuôi tôm nhiều nhất. Ông Đỗ Hồng Phương, một hộ nuôi tôm ở đây, cho biết từ cuối năm 2010 đến nay, nhà nhà người người đào ao, khoan giếng nuôi tôm. Những ngày này trong xã có cả chục máy đào hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Đầu năm nay ông Phương cũng đào 3.000m2 đất thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm mới đây ông thu hoạch được 1,7 tấn, bán được 220 triệu đồng. “Tiền vốn bỏ ra đầu tư ban đầu tui đã thu lại hết rồi. Vụ tới tiền lời tui sẽ cất nhà” - ông Phương nói.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, hiện toàn huyện có khoảng 502ha nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Để có nước mặn nuôi tôm, người dân phải khoan giếng lấy nước mặn ở độ sâu 80-100m. Toàn huyện hiện có khoảng 863 giếng khoan kiểu này (nhiều nhất là xã Phú Long với 450 giếng).

Theo ông Dương Tấn Đởm - phó Phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), huyện này cũng xuất hiện một số trường hợp nông dân dẫn nước mặn vào để nuôi tôm. Riêng các trường hợp người dân khoan giếng lấy nước mặn đều bị ngành nông nghiệp ngăn chặn khi phát hiện.

Ông Trần Trung Hiền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, xác nhận có tình trạng người dân phá đê, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm do sức hút lợi nhuận của nghề này đem lại. Ngành nông nghiệp đang lo người dân lấn đất lúa để đưa nước mặn vào nuôi tôm sẽ gây tác động xấu đến môi trường và vùng ngọt hóa. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Cầu Ngang đã yêu cầu sở quy hoạch lại vùng nuôi tôm để tăng cường quản lý, giám sát, không để người dân tự ý khoan giếng, phá đê lấy nước mặn nuôi tôm.

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND huyện Bình Đại đã tổ chức họp bàn biện pháp vận động, xử lý việc nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch và trong vùng ngọt hóa. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Măn, chủ tịch UBND huyện Bình Đại, đã kết luận phải ngăn chặn việc người dân trong vùng ngọt hóa tự ý đốn bỏ dừa, mía để đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm. Ông Măn chỉ đạo lập tổ công tác xuống các địa phương vận động người dân ngưng khoan giếng và lập biên bản xử lý các hộ đã khoan giếng nước mặn trong vùng ngọt hóa.

Tác hại khôn lường

Theo ông Kỷ Quang Vinh, giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, việc khoan giếng như vậy để lại tác hại khôn lường là giảm nguồn dự trữ quý giá, làm ô nhiễm nguồn nước và làm cao trình mặt đất lún xuống. Bến Tre, Trà Vinh là những địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên điều này rất nguy hiểm.

Còn tiến sĩ Võ Quang Minh, Trường ĐH Cần Thơ, khẳng định việc khoan giếng nước mặn hoặc phá đê dẫn nước mặn vào vùng ngọt hóa chắc chắn sẽ làm đất bị tái nhiễm mặn. Về mặt kinh tế, con tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ là trước mắt, sẽ không bền vững (do giá tôm biến động, dịch bệnh). Còn về mặt tài nguyên đất thì thấy rõ đất bị nhiễm mặn, suy thoái và sẽ khó đưa trở về trạng thái ban đầu để canh tác lúa được năng suất cao. Nếu cải tạo đất sẽ mất rất nhiều tiền của và thời gian.

Tuy nhiên, ông Minh cũng lo ngại địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn người dân khoan giếng, phá đê lấy nước mặn nuôi tôm vì đó là đất của họ, là nguồn thu nhập nuôi sống gia đình họ. Bên cạnh việc chế tài, Nhà nước cần phải có chính sách đảm bảo cho người dân về mặt kinh tế, thu nhập, đời sống... thì họ sẽ không làm như vậy nữa.

Trong trường hợp này chính quyền và người dân địa phương cần ngồi lại thống nhất giải pháp quy hoạch vùng. Nếu cần thiết thì chuyển đổi vùng này sang nuôi tôm luôn, nhưng phải đảm bảo tính bền vững lâu dài. Còn không thể chuyển đổi được thì cương quyết dùng biện pháp chế tài để quản lý.

Ông Minh cho rằng cũng nên nghiên cứu mô hình sản xuất lúa - tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Theo đó, mùa mưa thì trồng lúa, mùa khô thì nuôi tôm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này có thể giải quyết được lợi ích của người dân và Nhà nước, tránh sự xung đột không đáng có. Tuy nhiên, ông Minh lưu ý cần nghiên cứu kỹ xem các vùng ngọt hóa của Bến Tre, Trà Vinh có phù hợp với mô hình này không. Nếu không thì kiên quyết giữ quy hoạch sản xuất của vùng ngọt hóa trên cơ sở giải thích, động viên làm cho người dân hiểu và đồng thuận.

Cà Mau: nhiều nơi dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở vùng ngọt hóa thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời (Cà Mau) đã tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm khiến nước mặn lấn sâu vào vùng ruộng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Theo báo cáo mới đây của cơ quan bảo vệ môi trường, chỉ trong năm nay đã có trên 10.000ha đất vùng ngọt hóa ở Cà Mau bị xâm mặn khiến lúa, cây ăn trái, hoa màu không phát triển được, môi trường bị ô nhiễm và vùng quy hoạch ngọt hóa có nguy cơ bị phá vỡ.

Trước tình hình trên, trong năm nay chính quyền địa phương đã điều chỉnh quy hoạch gần 20.000ha. Theo đó, nếu vùng nước ngọt trồng lúa không hiệu quả thì chuyển sang nuôi tôm, ngược lại vùng nuôi tôm không hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác. Đây là sự điều chỉnh cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Kỷ Quang Vinh (giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên