16/03/2018 16:16 GMT+7

Đổ ngàn tỉ làm tuyến đường thủy nhưng doanh nghiệp chê

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

TTO - Hơn 6.000 tỉ khôi phục tuyến đường thủy số 2 để rút ngắn được 50km từ TP.HCM đi Miền Tây nhưng doanh nghiệp lại chê, mỗi ngày chỉ chừng dăm chục tàu qua.

Đổ ngàn tỉ làm tuyến đường thủy nhưng doanh nghiệp chê - Ảnh 1.

Âu tàu Rạch Chanh vắng bóng ghe, tàu - Ảnh: M.TRƯỜNG

Cuối năm 2016, âu tàu Rạch Chanh (Long An) hoạt động. Tuyến đường thủy phá thế độc đạo, giải quyết tình trạng quá tải cho kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) thành hình.

Âu tàu Rạch Chanh là nút thắt cuối cùng trên hành lang đường thủy quốc gia số 2, từ vùng tứ giác Long Xuyên qua Đồng Tháp Mười theo kênh Nguyễn Văn Tiếp về TP.HCM.

Do tuyến đường thủy này sau nhiều năm bị bồi lắng, nên Bộ Giao thông - Vận tải đã đầu tư khoảng 6.200 tỉ đồng để phục hồi.

Đến nay, toàn bộ 253km tuyến này đã được nạo vét, cầu cũng được nâng cấp để đảm bảo tiêu chuẩn đường thủy cấp III (sâu trên 3m, rộng 35m, chiều cao tĩnh không cầu 7m...).

Theo tính toán, ghe, tàu di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL qua tuyến đường này sẽ rút ngắn được 50km (6-8 giờ).

Thế nhưng nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa phù hợp...

Đầu tháng 3-2018, âu tàu Rạch Chanh vẫn vắng vẻ một cách kỳ lạ. Hai cửa âu tàu vẫn đóng im ỉm, phía ngoài một vài tàu, ghe lác đác neo đậu chờ đi qua.

Quan sát cả một giờ, chúng tôi không thấy chiếc ghe, tàu nào qua âu tàu này. Đi dọc tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp hướng từ Long An đi Tiền Giang chỉ thỉnh thoảng gặp vài chiếc ghe, tàu đi lại.

Ông Ngô Thanh Liêm, giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành âu tàu Rạch Chanh, cho biết những ngày đầu năm lượng tàu, ghe qua lại âu tàu chưa nhiều một phần do hàng hóa đầu năm còn ít.

Tuy nhiên, ông cũng công nhận bình quân lượng tàu, ghe đi qua tuyến đường thủy này còn khiêm tốn.

Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2017 chỉ có khoảng 22.000 phương tiện qua lại âu tàu Rạch Chanh, tức bình quân mỗi ngày chỉ hơn 60 chiếc tàu, ghe qua lại (kỳ vọng ban đầu là khoảng 100.000 chiếc/năm).

Trong khi đó, theo ông Phan Vĩnh Thanh - Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tiền Giang, cho tuyến kênh Chợ Gạo hiện mỗi ngày phải "gánh" khoảng 1.000 lượt phương tiện qua lại và đang quá tải.

Trên một diễn đàn mạng xã hội có 28.000 thành viên, trong đó chủ yếu là các tài công, cho biết tuyến đường thủy này quá mới mẻ nên không dám mạo hiểm đi thử.

Trong khi đó, một số thành viên cho rằng đi đường kênh Chợ Gạo tuy xa nhưng thuận nước nên... khỏe hơn.

Ông Lê Huy Lâm, chủ một doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa bằng sà lan ở Tiền Giang, cho rằng sở dĩ các phương tiện thủy ít khi đi qua âu tàu Rạch Chanh là do vấn đề điểm nhận hàng, kho bãi.

Bởi tàu, ghe qua tuyến kênh Chợ Gạo phần lớn vận chuyển vật liệu xây dựng và gạo đi TP.HCM. Một số doanh nghiệp lớn vận chuyển xăng dầu, container... bằng các tàu lớn, trong khi các kênh rạch nhỏ (cấp III) khó đáp ứng yêu cầu.

Một số chủ ghe, tàu cũng cho hay với loại hàng hóa là lúa, gạo... phần lớn các khu xay xát, chế biến nằm ở gần sông Tiền như Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang)... nên cũng không thể chọn tuyến này để đi vì không thuận đường.

Ông Huỳnh Thiên Bảo - phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành âu tàu Rạch Chanh - vẫn cho rằng hiện nhiều tài công, doanh nghiệp chưa biết rõ thông số về tuyến đường thủy này nên chưa dám đi. Hiện âu tàu hoạt động liên tục 24/24 giờ, tàu ghe neo đậu, đi qua hoàn toàn miễn phí.

Kết nối đường thủy TP.HCM với các tỉnh: Không thể “kìm chân” Kết nối đường thủy TP.HCM với các tỉnh: Không thể “kìm chân”

TTO - Sở hữu 1.000km đường thủy đã được quy hoạch, quản lý, nhưng nhiều năm qua, việc phát triển vận tải đường thủy ở TP.HCM lại quá chậm, chưa “chia lửa” được cho đường bộ.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên