02/09/2011 10:35 GMT+7

Đổ mồ hôi dưới đáy sông Sài Gòn

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Sau khi robot đào và lắp đặt được 180m cống dưới đáy sông Sài Gòn ở độ sâu gần 40m bị hỏng, nhà thầu Trung Quốc đã bỏ dở công trình này ở dự án vệ sinh môi trường TP cách đây hơn hai năm. Bắt đầu từ tháng 4-2011, các kỹ sư và công nhân VN bắt tay thi công tiếp để lắp đặt 230m cống còn lại.

UDTUJ2iR.jpgPhóng to
Các công nhân, kỹ sư làm việc ngay tại đầu robot khoan dưới đáy sông Sài Gòn (ảnh chụp tại đoạn cống nối quận Bình Thạnh với quận 2, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Xem video

Đoạn cống ngầm đi xuyên sông dài khoảng 410m nối hai bờ sông Sài Gòn, và trong tương lai nối Nhà máy bơm nước Bình Thạnh với Nhà máy xử lý nước Thủ Thiêm là công đoạn thi công quan trọng nhất của dự án. PV Tuổi Trẻ đã tận mắt chứng kiến việc thi công trong đoạn cống ngầm này của robot đào xuyên sông.

Công trường 24/24 giờ

Dưới nắng nóng gay gắt giữa trưa cuối tháng 8-2011, gần 40 kỹ sư và công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM vẫn tất bật thi công lắp đặt tuyến cống bao của gói thầu 7B (nằm bên bờ sông Sài Gòn gần cầu Thủ Thiêm, Q.Bình Thạnh) thuộc dự án vệ sinh môi trường TP. Ở trên mặt đất là tiếng hàn xì tóe lửa của một nhóm công nhân đang kết nối các đoạn ống sắt bơm bùn, bơm nước. Tại phòng điều khiển công trường, các kỹ sư Việt Nam và Thái Lan theo dõi trên màn hình camera một nhóm kỹ sư và công nhân đang làm việc trong lòng cống dưới đáy sông Sài Gòn ở độ sâu 40m.

Để đưa một ống cống dài 3m, đường kính 3m và nặng 27 tấn xuống giếng có độ sâu 40m, cả nhóm 10 kỹ sư và công nhân tất bật lắp dây neo cống vào giàn cẩu có sức nâng 50 tấn. Ngay sau khi giàn cẩu nhấc bổng chiếc cống lên mặt đất chừng 1m, một công nhân dùng cọ quét chất bôi trơn xung quanh miệng cống. Kỹ sư Nguyễn Viết Tường Vũ, 32 tuổi, chỉ huy trưởng công trình, cho biết việc bôi mỡ trơn miệng cống để khi đưa xuống lòng đất dễ khớp nối với chiếc cống đã đặt trong lòng đất trước đó.

Chiếc cần cẩu nâng cống lên cao trên miệng giếng có đường kính 9,5m, rồi vận hành những sợi dây thép xoay tua ở đầu ròng rọc để từ từ hạ cống. Chúng tôi ghi nhận mất gần 15 phút một ống cống mới xuống được đáy giếng và mất thêm 25 phút để các kỹ sư và công nhân điều chỉnh từng li, ống cống này mới nối khớp với ống cống đã được kích vào lòng đất trước đó.

Đứng bên cạnh miệng giếng, ông Nguyễn Đôn Phục - phó giám đốc điều hành dự án gói thầu 7B - cho biết từ khi được UBND TP chấp thuận giao công trình này thay thế nhà thầu Trung Quốc, các kỹ sư và công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP đã lao vào công việc với quyết tâm hoàn thành tốt công trình này. Các kỹ sư và công nhân đã làm việc 24/24 giờ bất kể thứ bảy hay chủ nhật, mưa hay nắng.

DeG3NhOs.jpgPhóng to
Sơ đồ đường cống xuyên sông Sài Gòn - Đồ họa: Như Khanh

Dưới đáy sông Sài Gòn

Theo chân các kỹ sư đi cầu thang sắt xuống đáy giếng sâu 40m, chúng tôi cảm nhận được không khí ẩm mùi bùn đất dưới đáy sông. Hệ thống kích giếng có sức đẩy 1.800 tấn đã đẩy bốn thanh sắt ốp sát vào chiếc cống vừa đưa xuống và bắt đầu kích cống. Máy kích cống vận hành bằng hệ thống điện nên các công nhân chăm chú theo dõi chiếc cống nhích từng li từng tí vào lòng đất. Thời gian kích một chiếc cống dài 3m kéo dài từ 8-12 giờ.

Từ đáy giếng nhìn vào lòng cống, chúng tôi có cảm tưởng đây là một đường hầm vì bóng đèn điện sáng lờ mờ được lắp đặt chạy dài hun hút vào sâu bên trong. Từ miệng giếng, chúng tôi thấy hàng chục đường ống nước, ống dẫn bùn, ống thổi không khí và các loại dây cáp điện, dây điện chiếu sáng, dây thông tin liên lạc... từ trên mặt đất nối dài xuống đáy giếng rồi luồn sâu vào bên trong lòng cống. Theo cán bộ công trường, tất cả đường ống, đường dây đó đều dẫn đến chỗ robot đang khoan lòng đất nhằm mở đường cho việc lắp đặt cống.

Để đi vào lòng cống, cán bộ phụ trách an toàn của công trường yêu cầu chúng tôi phải mang ủng và dò từng bước đi cẩn thận. Quả thật đi trong lòng cống cực kỳ khó khăn vì đáy cống đầy nước và bùn đất trơn trượt. Càng vào bên trong không khí càng oi bức nên ai nấy đều vã mồ hôi, kể cả những người thợ quen việc. Nhiệt độ trong lòng cống từ 36-380C, ngày cũng như đêm. Điều này cho thấy những người lao động trong lòng cống luôn chịu đựng cái nóng khó chịu.

Phải mất 350m trong lòng cống sâu 40m mới đến chỗ robot làm việc. Quả là một đoạn đường cực nhọc, mồ hôi đổ ra như tắm. Robot này dài 5m, đường kính 3m, nặng khoảng 60 tấn và trị giá hơn 1 triệu USD. Chỉ tay vào robot, kỹ sư Nguyễn Viết Tường Vũ cho biết đầu mũi khoan robot đang đánh tơi đất và được ống bơm đưa nước vào hòa thành nước bùn rồi đưa vào đường ống bơm lên mặt đất.

JeTtdivZ.jpgPhóng to
Trong lòng ống cống băng qua sông Sài Gòn có độ sâu gần 40m nối quận Bình Thạnh với quận 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tự hào người thợ

Dù robot được vận hành từ phòng điều khiển trên mặt đất và định vị bằng các thiết bị điện tử, nhưng trong lòng cống thường xuyên có mặt một số công nhân theo dõi thiết bị, máy móc, hệ thống điện, hệ thống gió, ống dẫn bùn nhằm kịp thời xử lý nếu có sự cố. Mỗi lần robot khoan lòng đất được 3m thì cả nhóm thợ lao ngay vào kết nối ống bơm bùn, ống cấp nước, đường dây điện... để robot tiếp tục tiến sâu hơn về phía trước.

Trên khuôn mặt và chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, kỹ sư 30 tuổi Nguyễn Tấn Đạt tươi cười nói: “Tuy công việc mệt nhọc nhưng tụi tôi rất vui vì làm việc ở công trình này. Bởi vì đây là công trình mà nhà thầu Trung Quốc bỏ dở dang nhưng chúng tôi dám nhận làm”. Ông Nguyễn Đôn Phục cho biết rất hãnh diện được tham gia công trình này do đây là công trình đặc biệt quyết định toàn bộ dự án (dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 9-2011).

Đến kiểm tra chất lượng và tiến độ thi công đường cống xuyên sông này, ông Joh G Dryburgh - kỹ sư trưởng Công ty tư vấn quốc tế CDM (Hoa Kỳ) - nói: “Nhà thầu Trung Quốc thi công dở dang đã gây không ít khó khăn cho dự án. Thế nhưng các kỹ sư VN đã thay thế rất tốt. Tôi tin tưởng dự án vệ sinh môi trường này sẽ giải quyết được nạn ngập nước cho TP.HCM”. Nhận xét về những người thợ VN ở công trình này, ông Dryburgh nói: “Các kỹ sư và công nhân VN đã học hỏi rất nhanh”.

Khắc phục hậu quả của nhà thầu Trung Quốc

Ông Phan Châu Thuận, giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, cho biết công trình lắp đặt 410m cống băng dưới đáy sông Sài Gòn nối từ trạm bơm nước ở bờ Q.Bình Thạnh sang bờ Q.2 do nhà thầu TMEC-CHEC 3 (Trung Quốc) thi công. Thế nhưng họ lắp được 180m cống thì bỏ ngang. Lúc đó, chúng tôi rất lo lắng vì tuyến cống dài hơn 410m có vai trò quyết định do kết nối với 8.500m tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và toàn bộ gần 60km cống đã đào trên mấy chục tuyến đường ở TP sẽ thu gom nước thải về đây. Vì vậy nếu không hoàn thành 410m cống này thì coi như dự án này không thành công.

Từ tháng 4-2011 đến nay, tiến độ thi công gói thầu này của Công ty Thoát nước đô thị TP tiến triển khả quan và chúng tôi hi vọng công trình hoàn thành đúng tiến độ”.

Theo Công ty tư vấn quốc tế CDM, mục tiêu của dự án vệ sinh môi trường TP là giải quyết ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, biến dòng nước đen bị ô nhiễm nặng thành dòng nước trong xanh và giải quyết chống ngập cho lưu vực rộng 33km2.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo - giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, dự kiến vốn đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 khoảng 470 triệu USD, trong đó có 280 triệu USD xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 830.000m3/ngày đặt tại Thủ Thiêm. Nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn nhất nước sẽ xử lý nước ô nhiễm của tám quận ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Q.2.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên