14/10/2014 11:42 GMT+7

​Đồ chơi trẻ em trong vòng vây hàng ngoại

LÊ SƠN - NHƯ BÌNH
LÊ SƠN - NHƯ BÌNH

TT - Đồ chơi trẻ em Việt Nam đang phải “chiến đấu” với hàng Trung Quốc trôi nổi, và hàng của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang "đổ bộ" vào Việt Nam.

Một cửa hàng bán đồ chơi ngoại trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Dung lượng thị trường các sản phẩm dành cho lứa tuổi trẻ em bao gồm hàng hóa, dịch vụ, giải trí, giáo dục, theo ước tính của các công ty kinh doanh đồ chơi trẻ em, lên tới hơn 5 tỉ USD/năm, hiện đang là mảnh đất của những thương hiệu quốc tế.

Thế nhưng hiện nay mặt hàng đồ chơi trẻ em Việt Nam lại đang bị kẹt “giữa dòng” khi vừa phải “chiến đấu” với hàng Trung Quốc trôi nổi, vừa chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới vào Việt Nam.

Đỏ mắt tìm hàng nội

Bỏ lỡ miếng bánh hàng tỉ USD

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện vào thời điểm 1-4-2013, VN có 7,6 triệu trẻ em trong độ tuổi 0-4 tuổi, chiếm 8,5% tổng dân số và khoảng 14,1 triệu trẻ em từ 5-14 tuổi (chiếm 16% tổng dân số).

Số lượng trẻ em không ngừng tăng qua mỗi năm tạo ra một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa dành cho trẻ em.

Rõ ràng cơ hội cho các công ty trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay người tiêu dùng vẫn phải đỏ mắt tìm hàng nội cho con.

Để lựa món đồ chơi cho cậu con trai ở quê nhà, anh Lê Văn Bàn (quê Bắc Giang) phải mất hơn hai giờ dạo quanh các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên tuyến đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

An toàn là tiêu chí hàng đầu nên anh bước vào cửa hàng Funny Land khá sang trọng trên đường Phan Đình Phùng để chọn mua.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 10 phút anh lắc đầu, tặc lưỡi thốt lên: “Đắt quá. Món nào món ấy đều trên trăm ngàn. Có món dù giảm giá một nửa vẫn xấp xỉ nửa triệu đồng”.

Tiếp tục ghé các cửa hàng đồ chơi khác gần đó, anh mở cờ trong bụng khi nhìn thấy giá niêm yết trên các món đồ chơi hợp túi tiền, dao động ở mức 70.000-110.000 đồng/món.

Tại đây, các hộp đồ chơi như robot, ôtô, xe máy điều khiển, sử dụng pin được giăng kín lối đi.

Tất cả sản phẩm đồ chơi loại này đều xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó nhiều sản phẩm không có thông tin bằng tiếng Việt.

Khi hỏi đồ chơi Việt, nhân viên cửa hàng chỉ tay về phía góc khuất cuối gian hàng. Tại góc nhỏ này chỉ có đúng ba loại sản phẩm gồm bộ xếp hình, bóng (banh) nhựa và món đồ chơi các loại trái cây, thú vật bằng nhựa.

Cuối cùng, anh Bàn chọn một bộ đồ chơi xe máy lắp pin do Trung Quốc sản xuất với giá 110.000 đồng.

Thực trạng đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm thế độc tôn thể hiện rõ tại các cửa hàng kinh doanh khu vực vùng ven Q.8, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú...

Cụ thể, trên tuyến đường liên tuyến (quốc lộ 50 - Q.8), đường số 1 (Q.Bình Tân)... sản phẩm đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh hoàn toàn về số lượng và chủng loại.

Tại cửa hàng số 163 đường liên tỉnh (Q.8), ngay trước mặt tiền treo la liệt đồ chơi dành cho bé trai đủ loại: robot, siêu nhân, ôtô, xe máy, trực thăng điều khiển.

Ngoài các sản phẩm sử dụng pin, những sản phẩm như bàn bida mini, dụng cụ chơi golf, nấu ăn... có giá từ 50.000 đồng/loại sản xuất từ nhựa có màu sắc bắt mắt, trơn bóng.

Các sản phẩm dành cho bé gái như búp bê, thú bông đủ chất liệu, có thể phát nhạc, đèn nhấp nháy cũng có giá khá mềm từ 40.000-100.000 đồng tùy loại.

Hàng ngoại lấn lướt

Nghèo nàn mẫu mã, chất liệu kém an toàn

Một khảo sát về hành vi tiêu dùng của Công ty nghiên cứu thị trường FTA cho thấy trong khoản chi tiêu hằng tháng dành cho bé của các bậc phụ huynh, mua đồ chơi cho trẻ em chiếm 6-7%, bên cạnh tiền sữa, thực phẩm... Đặc biệt, đồ chơi xuất xứ trong nước rất được các bà mẹ quan tâm. Có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Thế nhưng, đồ chơi Việt Nam lại bị đánh giá quá nghèo nàn về mẫu mã, chất liệu kém an toàn.

Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp với giá từ vài trăm đến cả triệu đồng, đồ chơi trẻ em lại là cuộc độc chiếm của những tên tuổi như Fisher Price, Lego, Barbie, Tomica..., chủ yếu tập trung tại các cửa hàng, trung tâm thương mại.

Hiện nay, các công ty phân phối như Phương Nga, Việt Tinh Anh, Petrosetco, Phú An Điền... chia nhau thị phần cao cấp, nhóm đồ chơi có thương hiệu nổi tiếng.

Đại diện Công ty Phương Nga cho biết 100% đồ chơi mà công ty phân phối là hàng nhập khẩu với khoảng 20 thương hiệu lớn của thế giới, chỉ có một thương hiệu nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam.

Bà Thành Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cho biết tâm lý chung của người mua khi cầm một món hàng lên là thắc mắc “có giá trị gì ở món này mà đắt dữ vậy?” và đồ chơi trẻ em hàng ngoại nhập trả lời rất tốt câu hỏi này.

“Các món đồ chơi trẻ em nhập khẩu thường chỉ dẫn rõ ràng như dành cho trẻ bao nhiêu tuổi, món đồ giúp bé phát huy giác quan gì, chơi như thế nào, ở giai đoạn phát triển nào... nên dễ thuyết phục người tiêu dùng” - bà Hoa nói.

Chẳng hạn với cái lúc lắc, tuy khá quen thuộc với trẻ em Việt Nam nhưng hàng nhập khẩu cung cấp thêm thông tin giúp trẻ tập cầm nắm, âm thanh phát ra vui tai phát huy thính giác của trẻ, màu sắc bắt mắt kích thích thị giác phát triển...

Ưu tiên hàng Việt nhưng không có hàng!

Vừa dán băng keo hai thùng hàng đồ chơi để chuyển qua chành tại bến xe Miền Tây, anh Minh Hoàng (Vĩnh Long) cho biết cứ nửa tháng anh lên đây lựa hàng để mang về cửa hàng bán.

Theo anh Hoàng, trong khoảng 30 loại đồ chơi mà anh chọn lựa chỉ có 1-2 món hàng của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với số lượng chưa đến chục cái.

“Khách hàng miền Tây hỏi mua đồ chơi Việt Nam nhiều lắm, nhưng hỏi thôi chứ cũng lắc đầu không mua. Hàng Việt đơn điệu quá, cả năm trời không có loại nào mới. Quanh đi quẩn lại chỉ có đồ chơi dụng cụ nhà bếp, bóng (banh), đồ xếp hình, trái cây nhựa. Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc liên tục có hàng mới. Cứ phim hoạt hình nào mới ra thì ngay lập tức có đồ chơi liền. Mẫu mã, giá cả đủ loại để mình lựa” - anh Hoàng nói.

Qua khảo sát khu vực chợ Bình Tây (Q.6) - “đại bản doanh” của mặt hàng đồ chơi trẻ em, chúng tôi cũng phải chật vật để tìm kiếm đồ chơi được các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Trên tuyến đường Trần Bình (Q.6), Ngô Nhân Tịnh (Q.5) có trên 20 cửa hàng chuyên bỏ sỉ, phân phối đồ chơi trẻ em đi khắp các tỉnh thành, đồ chơi từ Trung Quốc chiếm thế độc tôn với trên 90% chủng loại.

Anh Huy, đại diện cửa hàng chuyên phân phối các loại đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình (Q.6), với trên chục năm kinh doanh thẳng thắn thừa nhận chủng loại đồ chơi Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay so với hàng ngàn loại nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Chủng loại ít, giá thành cao, kiểu dáng kém bắt mắt nên không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập” - anh Huy lý giải.

Cũng theo anh Huy, một ngách nhỏ mà đồ chơi trong nước đang chen chân khá tốt khi các đơn vị trường học, trung tâm giải trí cho trẻ em trong nước lựa chọn nhiều.

Bởi ngoài giải trí, các đồ chơi trong nước mang tính giáo dục cao, có độ bền cao do chất liệu nhựa tốt hơn.

Trong khi đó, bà Minh Vân - đại diện hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em tại số 221 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) - cũng bày tỏ tiếc nuối cho hàng Việt khi khách hàng luôn hỏi thăm, so sánh lúc chọn mua sản phẩm.

Đưa chúng tôi xem chiếc túi lưới đựng các loại trái cây bằng nhựa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, bà Vân cho biết sản phẩm đã có sự tiến bộ vượt bậc so với sản phẩm ra trước đó một năm.

Bởi thời điểm mới ra sản phẩm, khách hàng rất quan tâm nhưng khi cầm lên nghe mùi nhựa hôi là họ bỏ xuống liền.

Sau khi có những cải tiến, sản phẩm bán khá chạy dù giá cao hơn 20-30% sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.

“Nhiều cán bộ quản lý thị trường còn hỏi vì sao cửa hàng không bán đồ chơi Việt. Chúng tôi muốn bán hàng Việt lắm chứ, nhưng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt tiêu chuẩn, đáp ứng thị hiếu thị trường lại không có bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực sản xuất thì chúng tôi khỏe quá rồi!” - bà Vân nói.

LÊ SƠN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên