04/04/2021 11:32 GMT+7

Đồ chơi 0 đồng và hành trình kết nối gia đình của ông bố kiến trúc sư

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Vỏ hộp sữa, vỏ chai, bình nhựa đã qua sử dụng sẽ biến thành ôtô, máy bay, những con vật ngộ nghĩnh hay bất cứ đồ chơi nào bố mẹ và con trẻ có thể cùng sáng tạo ra. Cùng con làm đồ chơi, dành thời gian chơi với con là cách kết nối gia đình.

Đồ chơi 0 đồng và hành trình kết nối gia đình của ông bố kiến trúc sư - Ảnh 1.

Anh Bùi Văn Huy và những đồ chơi làm thủ công từ vật liệu phế thải - Ảnh: MAI THƯƠNG

Đó là cách nghĩ, cách làm của anh Bùi Văn Huy, một kiến trúc sư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Làm đồ chơi cho con, chơi cùng con, rủ con cùng làm đồ chơi, rồi anh bắt đầu hành trình hướng dẫn những bố - con, mẹ - con khác cùng làm đồ chơi từ vật liệu tái sử dụng.

Từ những món đồ 0 đồng

Những chiếc vỏ chai nước, hộp sữa, đoạn ống hút, các vật liệu đã qua sử dụng được anh Huy tạo hình, ghép dán thành những món đồ chơi: ôtô, máy bay, xe trộn bêtông, nhà búp bê, xích đu, robot, các con vật ngộ nghĩnh được trẻ yêu thích.

"Khi có con, tôi nghĩ cách làm đồ chơi cho con từ những vật dụng thải ra trong nhà như vỏ đồ hộp, ống hút, bìa cactông. Làm đồ chơi cho con rồi sẽ nghĩ đến việc dành thời gian nhiều hơn chơi cùng con.

Tôi nhìn thấy niềm vui của con và cũng nhận ra một điều quan trọng rằng trẻ nhỏ không phân biệt được đồ chơi nào đắt hay rẻ tiền để cân đo chất lượng, mà chúng sẽ chỉ chọn cái nào thích. Những thứ người lớn thấy tầm thường, nhưng với đứa trẻ lại có thể kích thích sự tò mò, khám phá", anh Huy kể về khởi đầu của mình.

Nhiều vật dụng nho nhỏ như nắp chai, nút nhựa được tận dụng một cách khéo léo và sáng tạo. Anh Huy cho rằng khi cùng trẻ con tạo ra những đồ chơi như thế, sẽ nuôi dưỡng trí tưởng tượng, sáng tạo và cả tư duy về tạo hình, tư duy logic. Khi cùng làm đồ chơi, con trẻ sẽ học được sự kiên trì, khéo léo.

Không chỉ nghĩ cách tạo hình cho đẹp, mô phỏng những vật dụng có thật, anh Huy tính toán và khéo léo để khi cắt các vỏ hộp có thể tận dụng các mẩu vật liệu thừa với mục đích hạn chế tối đa rác thải bỏ đi.

"Tôi gọi đó là đồ chơi 0 đồng vì ngoài keo dán, không có gì phải mua, chỉ cần bỏ công, dành thời gian và hơn hết là tình cảm dành cho trẻ con", anh Huy chia sẻ.

Trong nhà anh Huy bây giờ có cả kho vật liệu làm đồ chơi từ đồ phế thải được phân loại, sắp xếp theo nhóm. Những vật liệu gợi ý cho ý tưởng thiết kế. Ngược lại cũng có lúc những ý tưởng được hình thành, anh Huy phải mất nhiều ngày để đi tìm một vật liệu phù hợp.

Ví dụ như đoạn vỏ chai nước có hình cong đều và trong suốt để chụp lên buồng lái một chiếc ôtô, hay đáy một chiếc vỏ chai có khía sẵn để có thể làm phần đầu con châu chấu khổng lồ, hình một hộp dầu gội có tạo hình sẵn... như một chiếc ôtô thể thao.

"Khi cùng con đi chơi, nhìn một vỏ chai nước vứt trên đường, con tôi đã cầm lên hỏi bố có thể sử dụng làm đồ chơi được không. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên và tin cũng như con mình, nhiều đứa bé sẽ thay đổi thói quen, suy nghĩ từ những hành động cụ thể như vậy.

Anh BÙI VĂN HUY

Đồ chơi 0 đồng và hành trình kết nối gia đình của ông bố kiến trúc sư - Ảnh 3.

Theo anh Bùi Văn Huy, đằng sau đồ chơi là văn hóa - Ảnh: MAI THƯƠNG

Chuyển sang "chơi chủ động"

Không có âm thanh, ánh sáng màu sắc phát ra, cũng không dùng pin để chuyển động như nhiều đồ chơi hiện đại đắt tiền ngoài thị trường, những món đồ chơi 0 đồng của anh Huy mộc hoàn toàn, không tô vẽ. Những chuyển động của các món đồ chơi đều được sáng tạo để có thể tự xoay, tự đi khi có tác động bằng tay của trẻ.

Thật thà cho rằng mình không phải người nghiên cứu và làm trong lĩnh vực giáo dục hay tâm lý trẻ em để có kiến thức ứng dụng mà chỉ bằng sự quan sát, trải nghiệm từ chính những lúc cùng làm đồ chơi, cùng chơi với con mình, anh Bùi Văn Huy cho rằng những sản phẩm đồ chơi hand made của mình có thể mang lại "niềm vui bền vững" hơn đồ chơi mua ở ngoài thị trường.

Anh Huy cho rằng một chiếc ôtô chạy pin bấm nút chạy vèo vèo, phát ra nhạc hay ánh sáng có thể hấp dẫn ngay bọn trẻ, nhưng nó sẽ nhanh chán. Vì đó là cách chơi thụ động. Chưa kể ánh sáng phát ra ở nhiều món đồ rất hại mắt.

Còn với những món đồ chơi có tương tác, giúp trẻ "nhập vai" sẽ là những đồ chơi chủ động. Mỗi lần trẻ chơi sẽ là một lần khám phá, sáng tạo và đó là điều khiến trẻ không thấy nhàm chán với những đồ chơi mộc mạc.

"Ban đầu chủ yếu tôi tạo hình, rồi lắp các bánh xe cho chiếc ôtô, máy bay chuyển động được. Nhưng qua cách bọn trẻ chơi, tôi mới nghĩ đến cải tiến để tăng tính tương tác. Ví dụ thân chiếc máy bay làm bằng một chai nước lớn, tôi trổ cửa để khi chơi trẻ có thể cho các con vật, búp bê nhỏ vào trong khi hình dung về một "chuyến du lịch".

Với những món đồ chơi tự làm, tôi đều cố nghĩ cách để nó xoay được, di chuyển được, biến hình được hoặc thiết kế các vị trí để trẻ sử dụng búp bê hay hình người đi lại, leo lên xuống trong khi diễn kịch hay đóng vai. Trẻ tương tác với những món đồ chơi và tương tác với nhau trong khi chơi".

Và theo quan điểm của ông bố giàu tình cảm với trẻ con này, niềm vui của đứa trẻ không chỉ là được cầm trên tay một món đồ chơi mà là hành trình cùng làm, cùng tạo ra đồ chơi, cùng giữ gìn, sửa chữa những món đồ và dùng nó một cách sáng tạo.

Anh Huy cho biết đằng sau việc hướng dẫn mọi người biết cách làm hoàn chỉnh một món đồ chơi nào đó, điều lớn hơn mà anh muốn sẽ lan tỏa dần ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường sống xung quanh bằng việc tái sử dụng những vật dụng thải ra trong sinh hoạt gia đình.

Đồ chơi gắn kết gia đình

Theo anh Bùi Văn Huy, đằng sau đồ chơi là văn hóa. Nếu các bố, mẹ đều để tâm hơn, dành thời gian cho con hơn thì chính những món đồ chơi làm thủ công sẽ là thứ để họ xích lại gần con, mang lại nhiều hơn những tiếng cười, sự ấm áp trong không gian gia đình.

Từ làm đồ chơi cho các con mình, anh Huy muốn hướng dẫn nhiều người khác cùng làm. Anh lập một kênh trên YouTube có tên kheoleodoitay, tự quay quy trình làm những đồ chơi khác nhau. Đây là những video không có thoại nhưng người xem có thể nhìn thấy quá trình lựa chọn vật liệu, cắt dán và hoàn thiện một sản phẩm.

Đã có những bố, mẹ liên hệ với anh để học cách làm và khoe những sản phẩm tự làm theo hướng dẫn của anh.

Anh Huy kể từng có một nhóm người Việt ở nước ngoài sau khi xem những video hướng dẫn làm đồ chơi của anh đã liên hệ.

"Họ hỏi tôi có làm đồ chơi để bán không, vì những sản phẩm tôi làm khiến họ thích thú. Nhưng tôi không nghĩ tới điều đó. Tôi cũng là người bận rộn với công việc riêng, không thể có sức để tính toán đến chuyện làm đồ chơi hand made kiếm lời mà chỉ muốn duy trì và lan tỏa một việc làm có ý nghĩa với trẻ con, cũng là xuất phát từ tình yêu đối với các con của mình", anh Huy cho biết.

Ngày 4-4, với sự kết nối của một câu lạc bộ thiện nguyện, lần đầu tiên anh Bùi Văn Huy sẽ hướng dẫn trực tiếp 20 cặp bố-con, mẹ-con cùng làm đồ chơi tại khuôn viên một trường mầm non ở Hà Nội.

Quán cà phê toàn đồ tái chế giữa phố cổ Hà Nội Quán cà phê toàn đồ tái chế giữa phố cổ Hà Nội

TTO - Ẩn sâu trong một ngõ nhỏ trên con phố Hàng Tre tấp nập, anh Nguyễn Văn Thơ, 35 tuổi, đã tạo ra một không gian sống động từ những đầu máy cày cũ, máy tuốt, bánh xe, bóng đèn đến những chai thủy tinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên