Hàng rào bốn phía đã dỡ bỏ, các tòa nhà trên đường Lê Lợi đã nối liền nhau - Ảnh: MINH TỰ
Nhìn kỹ thì mới hay, à thì ra là những bức tường rào ngăn cách các cơ quan, ngăn cách con đường với công viên, công viên với bờ sông đã được tháo dỡ. Một không gian thoáng đãng hiện ra, nối liền một dải đường phố - công viên - đường đi bộ với dòng sông.
Không gian nối liền 1 dải
Những bức tường rào ấy đã được dựng lên tự thuở nào đến giờ và mặc nhiên tồn tại như một điều bình thường. Qua mấy cuộc chiến, trải không biết bao mùa nắng mưa lũ lụt, những tường rào đổ xuống lại được dựng lên kiên cố.
Ai cũng nghĩ rằng những bức tường rào ấy cần phải có, dù rằng ai cũng thấy khó chịu trước những cây sắt nhọn chĩa lên trời và những bức tường bêtông lạnh lùng ngăn cách.
Cho đến một ngày, những bức tường lạnh lẽo cùng những hàng rào sắt nhọn ấy được phá bỏ đi, người ta mới nhận ra đã đến lúc chúng không cần thiết nữa.
Bây giờ người đi bộ trên vỉa hè đường Lê Lợi có thể bước ra bờ sông Hương mà không còn bị ngăn cách. Sau khi ngắm cảnh cầu Trường Tiền, du khách có thể tham quan liên tục một chuỗi bảo tàng nối liền nhau.
Hàng rào Bảo tàng văn hóa Huế khi chưa tháo dỡ - Ảnh tư liệu
Từ Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị có thể bước qua Bảo tàng Văn hóa Huế để vào Bảo tàng tranh thêu XQ, rồi tham quan tiếp Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng.
Trung tâm văn hóa phật giáo Liễu Quán cũng nhanh chóng phá bỏ hàng rào ngăn cách với Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng để kết nối với nhà hàng Festival cũng đã tháo dỡ xong hàng rào.
Nếu sắp tới các công trình nằm sát bờ sông như khách sạn Century, Hương Giang, Azerai La Residence, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế... cũng bỏ luôn những bức tường rào thì không gian từ Đập Đá lên đến tận Dã Viên sẽ nối liền một dải.
Hàng rào Đại học Huế khi chưa tháo dỡ - Ảnh tư liệu
Tòa nhà Đại học Huế sau khi bỏ phần hàng rào mặt tiền trở nên sang trọng hẳn. Nếu các cơ quan, công sở, khách sạn phía bên kia đường Lê Lợi, kể cả trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bỏ luôn những bức tường rào thì con đường mà người cố đô tự hào là "đẹp nhất Huế" sẽ còn đẹp đến nhường nào!
Sau khi phá bỏ tường rào mặt tiền, tòa nhà Đại học Huế trở nên sang trọng hẳn - Ảnh: MINH TỰ
Còn nơi khác?
Thế nào cũng có người phản đối: phá bỏ hết hàng rào thì khác gì mở cửa mời kẻ trộm vào. Mấy năm trước, khi chính quyền đưa ra ý tưởng bỏ các hàng rào, chủ nhân các bảo tàng cũng đã than: bảo tàng toàn là hiện vật quý, bỏ hàng rào làm sao bảo vệ?
Thế rồi các hàng rào bảo tàng đã phá bỏ, đầu tiên là Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, đã bốn năm rồi mà có thấy gì bất ổn đâu. Có người nói đùa kẻ trộm thời 4.0 cũng đã "chuyển đổi số".
Vậy thì việc bảo vệ an ninh cho bảo tàng, công sở và cả nhà riêng cũng phải thay đổi bằng các giải pháp kỹ thuật cùng các thiết bị hiện đại, chẳng hạn như hệ thống cảm biến và camera thông minh.
Trước đó nữa, khi chính quyền TP Huế cho tháo dỡ các hàng rào bao quanh các công viên ven sông Hương, người ta cũng lo rằng kẻ xấu sẽ dễ dàng vào công viên để phóng uế, xả rác bừa bãi.
Thế rồi các hàng rào phá bỏ, con đường đi bộ ven sông mở ra, đèn sáng trưng công viên, dân chúng kéo nhau vào vui chơi, tập thể dục, kẻ xấu nào dám vào đó mà phá phách, phóng uế.
Hàng rào các công sở này đã không còn, người đi bộ có thể rẽ vào các khu nhà này để đi ra bờ sông Hương - Ảnh: M.TỰ
Một kiến trúc sư chuyên nghiên cứu quy hoạch ở Huế đã rất đồng tình với người viết về việc bỏ các bức tường rào. Không riêng Huế mà các nơi đều nên làm, trước tiên là các công sở và không gian công cộng.
Nhiều công viên trên cả nước cũng như nhiều trụ sở cơ quan những năm qua đã bỏ đi các hàng rào, không gian thoáng đãng và đỡ lạnh lùng hơn rất nhiều. Cũng đã đến lúc xem xét thêm các công trình, công sở khác nếu đảm bảo an ninh.
Có thể đặc điểm của thiên nhiên, của xã hội, của con người mỗi nơi mỗi khác. Nhưng cũng giống nhau vì ở đâu mà chẳng có kẻ gian, người ngay, ở đâu thì tài sản cũng cần bảo vệ và cuộc sống riêng tư luôn cần tôn trọng.
Nếu những bức tường rào sắt nhọn và lạnh lẽo ngăn cách con người, chia cắt không gian được dỡ bỏ đi mà không gây mất an ninh cho công trình và đời sống thì nên bỏ.
Bỏ những bức tường rào thật ra cũng không khó, có phải khó chăng là phá bỏ cái hàng rào trong cách nghĩ? Người ta bỏ được thì sao mình lại không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận