02/02/2018 10:58 GMT+7

Dinh dưỡng trong mâm ngũ quả

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ý nghĩa tốt lành trong ngày Tết, những loại quả trong mâm ngũ quả cũng có những giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Dinh dưỡng trong mâm ngũ quả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: miraclediamond.vn

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước. Ngoài ý nghĩa tốt lành trong ngày Tết, những loại quả trong mâm ngũ quả cũng có những giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và điều trị một số bệnh lý theo Đông y.

Mâm ngũ quả ở mỗi vùng miền có những loại quả, trái cây khác nhau. Theo người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn "Cầu sung vừa đủ xài" ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Mãng cầu xiêm

Thịt quả trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt, chua giống mãng cầu dai. Nó có tính giải khát, bồi bổ cơ thể. Mãng cầu xiêm có lượng Vitamin C cung cấp (19mg) tương đương 1/3 nhu cầu hằng ngày; chứa nhiều đường trái cây (13g) tuy nhiên thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI=35), nên người bệnh đái thái đường có thể dùng lượng 100g/lần, không dùng sữa, đường thêm nếu xay sinh tố; hàm lượng kali rất cao (382mg) nhiều hơn chuối (286mg), nên người bệnh suy thận mạn hạn chế dùng nhưng có tác dụng hỗ trợ điều trị trên bệnh huyết áp; có nhiều chất xơ (# 3g) tương đương ăn 100g rau và hàm lượng Natri thấp phù hợp cho người có bệnh lý tăng huyết áp, suy tim sử dụng.

Tuy nhiên, việc ăn mãng cầu với số lượng nhiều và kéo dài hàng năm có thể gây khởi phát bệnh Parkinson. Tốt nhất nên ăn chừng mực và đa dạng nhiều loại trái cây.

Sung

Theo y học cổ truyền, Sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng kiện tỳ vị (điều hòa chức năng hệ tiêu hóa); thanh thấp nhiệt, dùng chữa các chứng dạ dày - ruột thấp nhiệt (viêm, sưng…), công hiệu tiêu thũng giải độc, chữa các chứng ung nhọt sưng đau... Do sung có chỉ số đường huyết thấp, người tiểu đường có thể dùng kèm món ăn hoặc trộn gỏi.

Sung còn là nguồn cung cấp khá nhiều vitamin K và canxi tự nhiên. Hàm lượng kali cao vừa phải và số lượng 1 lần ăn không nhiều nên người bị bệnh thận vẫn dùng được. Do rất giàu chất xơ (tương đương rau), ít muối natri, giàu kali nên người bệnh tăng huyết áp sử dụng phù hợp. Tuy nhiên, hạn chế dùng trái sung khô vì có chỉ số đường cao hơn trái sung tươi.

Dừa

Dừa là loại trái cây quen thuộc của người miền nam. Dừa được sử dụng là loại thức ăn, nước uống ăn trong sinh hoạt thường ngày. Nước dừa "nước khoáng thực vật" chứa nhiều chất khoáng, vitamin đa dạng với hàm lượng cao như natri, kali, magie, canxi, photpho, vitamin B,C… Do chứa Natri hàm lượng cao nên lưu ý hạn chế sử dụng trên người bệnh tăng huyết áp chưa ổn định, suy tim nặng. Nước dừa có hàm lượng Kali rất cao (Kali trong 1 ly 200ml tương đương ăn 3 trái chuối), do đó người bệnh suy thận không nên dùng.

Cơm dừa thức ăn bổ dưỡng, ăn 100g cung cấp ½ nhu cầu chất xơ cả ngày, chất xơ nhiều gấp 3 lần rau củ; cung cấp gần đủ lượng mangan cần cho cả ngày. Tuy nhiên, cơm dừa chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho bệnh nhân cần kiêng mỡ và người béo phì.

Nước dừa và cơm dừa có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, lợi tiểu, giảm tiêu khát. Vỏ sọ dừa vị đắng, tính ấm, có tác dụng cầm chảy máu mũi, co se, sát trùng, trị ngứa. Dầu dừa dùng bôi ngoài da, có thể chữa trị được các loại bệnh ghẻ lở, bệnh nấm, da nứt nẻ...

Trong Đông y, nếu biết cách sử dụng dừa theo đướng hướng dẫn của lương y sẽ đem lại những lợi ích trong điều trị một số bệnh lý thông thường như: bị sán dây, táo bón, người suy yếu, mệt mỏi,…

Tuy nhiên, nước dừa sau khi lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị, cho nên cứ để nguyên quả mà uống. Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa, nếu người đang có bệnh thì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh… Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều dễ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối.

Đu đủ

Là loại trái cây rất giàu tiền chất vitamin A, vitamin C, folate, giàu chất xơ (gần tương đương rau), ít Natri, giàu Kali rất phù hợp với người bệnh huyết áp và có chỉ số đường huyết trung bình (GI=60), người tiểu đường chỉ  dùng vài lần/tuần, với lượng tương đương 150g/lần.

Đu đủ mang nhiều giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng bảo vệ sức khỏe rất tốt. Đu đủ chín có vị ngọt mát, có tác dụng nhuận tràng, tiêu tích trệ, lợi trung tiện. Đu đủ xanh vị đắng, ngọt có tác dụng tiêu trệ mạnh, không nên ăn nhiều. Nhựa mủ quả xanh có tác dụng chống đông máu, trục giun đũa. Hạt cũng trừ giun, hạ sốt, lợi trung tiện, điều kinh và gây sẩy thai. Rễ hạ sốt, tiêu đờm, giải độc.

Đu đủ xanh làm gỏi ăn hàng ngày có thể chữa bệnh viêm dạ dày mạn tính, phụ nữ có thai khuyến cáo không nên ăn vì dễ gây sẩy thai.

Xoài

Trong xoài có nhiều thành phần dinh dưỡng như: có chỉ số đường huyết trung bình (GI=60) và năng lượng cao nên ăn nhiều gây tăng đường huyết, mập, nổi mụn. Nên ăn khoảng 100g/lần (1 má xoài) là đủ. Chứa lượng muối Natri thấp, Kali cao, chất xơ khá nhiều (bằng 1/2 rau xanh), người bệnh tăng huyết áp có thể ăn với lượng phù hợp. Ăn xoài với lượng vừa phải sẽ tốt cho làn da vì xoài rất giàu vitamin A, vitamin C giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu ở màng nhầy và da, tái tạo colagen.

Quả có vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng lý khí kiện tỳ, trị ho. Hột có vị ngọt, đắng, tính bình, tác dụng hành khí giảm đau. Dùng trị các chứng như miệng khát họng khô, tiểu tiện không thông.... Thực nghiệm chứng minh, saponin trong xoài có tác dụng khử đàm trị ho và ngừa ung thư. Ăn xoài hay nấu nước uống có thể chữa chứng say tàu xe

Tuy nhiên, tỉ lệ vitamin C trong quả xoài sẽ giảm dần khi quả chín, vì thế không nên để xoài quá chín. Không nên ăn xoài lúc đói quá và sau bữa ăn no hoặc đang có các bệnh nhiệt (sốt, mụn nhọt..). Không nên ăn nhiều đối với cả hai loại quả xoài xanh và chín.

Thơm

Thơm có vị chua, tính bình, tác dụng giải khát, sinh tân dịch, hỗ trợ tốt cho tiêu hóa. Có hàm lượng cao vitamin C, chất xơ khá nhiều (1.4g), hàm lượng Natri thấp, đặc biệt 100g thơm cung cấp ½ nhu cầu mangan của cơ thể (mangan là thành phần cho một số men xúc tác của nhiều phản ứng quan trọng trong cơ thể, là chất chống oxy hóa đang được nghiên cứu nhiều). Là loại trái cây thuộc nhóm có chỉ số đường huyết trung bình (GI=66), người bệnh đái tháo đường có thể dùng vài lần trong tuần, với lượng 200g/lần.

Nước ép của quả dứa có tính nhuận tràng. Nước ép lá dứa và quả dứa chưa chín có tác dụng nhuận tràng, tẩy độc

Hiện có 1 số bài thuốc bài thuốc dùng quả dứa chữa bệnh sỏi thận, sỏi đường tiết niệu khá hiệu quả.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên