Ảnh minh họa. Nguồn: connieweir.co.uk
Con người từ khi còn là bào thai, sinh ra đến khi già trải qua nhiều giai đoạn như: Bào thai trong bụng mẹ, giai đoạn dưới 24 tháng tuổi,.., rồi đến trẻ vị thành niên, đến trưởng thành và về già (nói một cách khác, người ta gọi là chu kỳ vòng đời). Một trong những giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần về tương lai của mỗi con người là giai đoạn bào thai, trẻ dưới 2 tuổi và tuổi vị thành niên (10-18 tuổi).
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy những trẻ bị suy dinh dưỡng khi nhỏ đặc biệt trong 2 năm đầu sau khi sinh sẽ có nguy cơ cao trở thành những trẻ tuổi vị thành niên bị thấp còi và không có khả năng đuổi kịp phát triển so với các bạn cùng trang lứa mà không bị suy dinh dưỡng (SDD) khi nhỏ.
Những nữ vị thành niên thấp còi sẽ nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (có cân nặng sơ sinh thấp). Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500g) lại có nguy cơ SDD. Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh cần được khuyến khích ở mọi lứa tuổi.
Sự quan trọng của dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ vị thành niên
Trong các chương trình can thiệp dinh dưỡng ở Việt Nam, hiện nay mới tập trung ưu tiên cho hai đối tượng là bà mẹ và trẻ em. Trong những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng đã quan tâm đến trẻ vị thành niên, để giúp cơ thể trẻ hoàn thiện và phát triển trước khi làm mẹ và đó là một phần của vấn đề "Dinh dưỡng sớm".
Chế độ can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ vị thành niên hết sức quan trọng, vì lứa tuổi này phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục... Cân nặng trung bình trẻ em vị thành niên tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7 cm/năm trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi cũng rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, do vậy trẻ thường ăn không biết no.
Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển lứa tuổi này, trước hết là vấn đề năng lượng từ 2100-2200kcalo/ngày/nữ và 2100-2900Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang học tập thi cử, nếu phải thức khuya học nhiều cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ như: sữa, hoa quả,..Một số trẻ nữ thường ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.
Nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi vị thành niên
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể, thì nhu cầu về chất đạm lứa tuổi này hết sức quan trọng, hàng ngày nhu cầu chất đạm khoảng 70gam/nam và 60gam/nữ. Hàng ngày cần đáp ứng chất đạm từ 70-100gam/ngày, tỷ lệ đạm động vật chiếm từ 35-40%, năng lượng từ chất đạm chiếm 15% năng lượng của khẩu phần.
Nhu cầu chất đạm lứa tuổi vị thành niên cần thiết cho tốc độ phát triển, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố (hoóc-moon) và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua,... nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc,…
Nhu cầu chất béo hàng ngày từ 40-50 gam, nguồn chất béo từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%. Năng lượng do lipit cung cấp trong khẩu phần khoảng 20%.Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hoà tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitamin A, E, D, K. Ngoài các loại vitamin nhu cầu các khoáng chất cũng cần được quan tâm.
- Chất sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và là thành phần quan trọng của hemoglobin. Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển Oxy, CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sẵt của trẻ vị thành niên đáp ứng được thông qua chế độ ăn giàu sắt giá trị sinh học cao.
Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay từ khi vị thành niên cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12-18 mg/ngày, trẻ nữ cần 20 mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà,..
- Vitamin A: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vitamin A có trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa,... ngoài ra thức ăn thực vật cung cấp nguồn caroten như rau xanh, gấc, quả màu vàng. Nhu cầu vitamin A lứa tuổi vị thành niên là 600 mcg/ngày.
- Canxi: Rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, vì giai đoạn này tốc độ phát triển chiều cao rất nhanh nên nhu cầu canxi nhiều, canxi cùng với phospho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc. Canxi có nhiều trong sữa, các loại thủy, hải sản. Nhu cầu vitamin D tuổi vị thành niên là 5 mcg/ngày. .
- Vitamin C: Vitamin C giúp hấp thu và sử dụng sắt, can xi và axit folic. Ngoài ra vitamin C còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín. Nhu cầu vitamin C tuổi vị thành niên là 65 mg/ngày.
Chế độ dinh dưỡng lứa tuổi vị thành niên là yếu tố quyết định để trẻ phát triển cả về chiều cao, cân nặng và phát triển mức tối ưu khi trưởng thành. Khi trưởng thành có sức khỏe, cường tráng không bị suy dinh dưỡng là điều kiện để trở thành các ông bố, bà mẹ sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh trong tương lai. Trẻ vị thành niên có sức khoẻ tốt là điều kiện để lao động và học tập tốt, giúp ích cho gia đình và xã hội mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận