07/04/2014 16:06 GMT+7

Đình đám hay dân sinh

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ngày chủ nhật 30-3-2014 đã chạy vơđét tít “Đầu tư cơ sở văn hóa: Băn khoăn những dự án… ngàn tỉ” trên trang 1, rồi leo vào trang 4, bàn về dự án đầu tư 1.000 tỉ xây dựng Nhà hát Phương Nam tại khu Lữ Gia - Phú Thọ, quận 11, TP.HCM.

Thành lập Nhà hát nghệ thuật Phương Nam

Được biết cuối năm 2013 chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định thành lập Nhà hát Phương Nam hình thành từ sự sáp nhập của Đoàn Xiếc và Đoàn Nghệ thuật múa rối TP.HCM, theo kế hoạch của Sở VH-TT&DL TP.HCM.

Báo SGGP nêu vấn đề của dự án đầu tư này: “1.000 tỉ đồng không phải là nhỏ, điều này khiến không ít người băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả sau khi công trình được khởi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng”.

Đề cập đến khoản chi 1.000 tỉ đồng này xong, báo SGGP cũng đề cập đến những chi tiêu sắp tới:” Lễ kỷ niệm 40 năm hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần. Trong kế hoạch dự kiến, năm 2015 sẽ có hàng loạt chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa được thực hiện… với những công trình văn hóa lớn, kinh phí đầu tư lên đến cả ngàn tỉ”.

Và rồi nêu vấn đề chung cần cân nhắc cho mọi dự án “đình đám”: "Đầu tư cho văn hóa luôn cần thiết, nhưng với những dự án hoành tráng không ít người băn khoăn về tính hiệu quả”.

Cảm ơn báo SGGP đã băn khoăn phản ánh cái thực tế đó. Tiếng chuông mà báo SGGP gióng lên về dự án nhà hát 1.000 tỉ e là không thừa trong thời điểm hiện tại khi mà còn có bao chi tiêu tương tự trong mọi lĩnh vực.

Có những chi tiêu thường xuyên mà hằng năm Chính phủ đều ra lệnh cắt giảm 10% song chưa thấy công bố kết quả cắt giảm ở mỗi bộ, địa phương trên một bảng thành tích biểu.

Những khoản chi đó cứ im ỉm vô hình và người dân không thấy nên ít gây xúc cảm. Thế nhưng, đập vào mắt dân chúng lại là những chi tiêu không thường xuyên hoành tráng như dự án 1.000 tỉ cho mỗi một nhà hát.

Để đánh giá xem một khoản chi tiêu như thế nào cho hợp lẽ (khôn ngoan) thông thường (sens commun), cho hợp lý, cho hợp lòng dân, xin phép nhớ lại một bài học công dân giáo dục được học từ đầu những năm 1960 khi lên lớp 7 về sự chi tiêu.

Có năm thang bậc cần cân nhắc khi chi tiêu: (1) cái không thể thiếu được - (2) cái cần thiết - (3) cái hữu ích - (4) cái thoải mái - (5) cái sang trọng.

Cả lớp được thầy giáo gợi ý bàn xem chủ nhật đi xem phim, mua quyển sách đề toán thi BEPC, mua bộ quần xanh, áo trắng đồng phục, may cái quần “Paris mode”, mua cái đĩa nhựa của Sylvie Vartan hay The Beatles… thuộc bậc thang chi tiêu nào.

Từ đó, lũ trẻ con nhà giàu chúng tôi ít nhất cũng ý thức được chi tiêu cho cái này, cho cái kia là làm sao, nếu có ai đó sau này vẫn sinh hư thì cũng không đến nỗi hư hỏng vì “thiếu hiểu biết”.

Năm thang bậc chi tiêu đó đã từng được nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp cuối thế kỷ trước Jacques Attali dành hẳn một chương trong tác phẩm L’anti-économique (Phản kinh tế, NXB PUF, 1974): Thiết nghĩ, việc chi tiêu của một thành phố hay một đất nước cũng cần đáp ứng những nhu cầu theo năm thang bậc ưu tiên đó: cái gì là không thể thiếu được, là cần thiết, là hữu ích, đối với tuyệt đại đa số người dân bên cạnh cái thoải mái và cái xa xỉ. Cả mấy ngàn cây cầu treo cho dân vùng sâu lẫn áo ấm cho dân vùng rét đậm khi mà hiện tại mới chỉ lần đầu tiên cấp mũ lông cho bộ đội vùng rét đậm (1).

Thiết nghĩ, càng cần đắn đo hơn quyết định chi những gì trong hoàn cảnh đang vay nợ nhiều và ngày càng khó khăn hơn, trong bối cảnh tỉ lệ nợ xấu theo Ngân hàng Nhà nước khoảng 7% chớ không chỉ từ 3,6-3,9% như theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, còn theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's thì ít nhất phải chiếm 15%.

Vị thế một đất nước, kinh tế xã hội học mà nói, được đo đếm bằng chỉ số tín nhiệm tín dụng cùng những phúc lợi dân sinh tối thiểu chớ không bằng những đình đám vốn chỉ là hữu lý trong hoàn cảnh dư thừa.

***********(1): QĐND thứ năm, 16-1-2014

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên