09/04/2024 18:56 GMT+7

Điều trị thành công cho một người đàn ông đau mạn tính suốt 18 năm

Từ một người bệnh đau mạn tính, tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống đến nay bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt, có thể hòa nhập trở lại vào cuộc sống và sinh hoạt bình thường.

Bệnh nhân đau mạn tính đang được bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược khám bệnh - Ảnh:BVCC

Bệnh nhân đau mạn tính đang được bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược khám bệnh - Ảnh:BVCC

Chiều 9-4, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa điều trị thành công cho một người bệnh bị đau thần kinh mạn tính kéo dài suốt 18 năm.

Liệt hoàn toàn cánh tay phải

Đó là ông N.V.T., 56 tuổi, ngụ tại TPHCM. Tháng 5-2021, ông T. tìm đến phòng khám đau mạn tính - khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược khám trong tình trạng đau nhức, tê rát và co cứng toàn bộ phần vai, cánh tay và bàn tay phải.

Ông T. than ông rất đau đớn, tuyệt vọng vì ông bị đau dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng kể từ tai nạn giao thông cách đây 18 năm.

Sau vụ tai nạn, ông T. liệt hoàn toàn cánh tay phải, tất cả sinh hoạt, ăn uống... phải phụ thuộc vào người nhà.

Ông T. đã nỗ lực luyện tập và có thể vận động bằng tay trái. Tuy nhiên chỉ sau 5 - 6 tháng, cơn đau nhức xuất hiện kèm tê rát và co cứng toàn bộ phần vai, cánh tay xuống bàn tay, cơn đau xuất hiện liên tục với cường độ và tần suất ngày càng nhiều.

Ông T. đi khám, điều trị ở nhiều nơi, ban đầu cơn đau có giảm nhưng càng lúc càng hành hạ dữ dội. Ông T. phải tăng liều thuốc giảm đau lên mức tối đa cho phép.

Tại khoa ngoại thần kinh, các bác sĩ đã chẩn đoán ông T. bị đau thần kinh mạn tính do di chứng tổn thương đám rối cánh tay phải. Các bác sĩ của bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn lâm sàng với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ Singapore và Thái Lan.

Sau hội chẩn, ông T. được chỉ định đặt điện cực kích thích tủy sống để điều trị đau. Sau phẫu thuật đặt điện cực thử nghiệm, ông T. đáp ứng giảm đau trên 50%. Sau đó, các bác sĩ tiến hành đặt điện cực vĩnh viễn vào khoang ngoài màng cứng vùng cổ để kiểm soát cơn đau và co cứng.

Trong một năm đầu tiên, ông T. đáp ứng điều trị tốt, không còn phải chịu đựng các "cơn đau thấu xương" như trước.

Nhưng do bệnh tiến triển, các cơn đau ngày càng khó kiểm soát. Các bác sĩ đã tìm mọi cách để chỉnh các chế độ phù hợp nhưng không cải thiện. Người bệnh lại rơi vào tuyệt vọng. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn, kiểm soát đau cho người bệnh bằng morphine, rTMS, Scrambler... nhưng không đáp ứng.

Triển khai kỹ thuật mới, điều trị đau mạn tính

Để chữa trị cho người bệnh, đến tháng 12-2023, các bác sĩ khoa ngoại thần kinh của bệnh viện đã quyết định triển khai kỹ thuật "DREZotomy" để giảm đau.

PGS.TS.BS Nguyễn Minh Anh, trưởng khoa ngoại thần kinh của bệnh viện, cho biết "DREZotomy" là kỹ thuật làm mất các liên kết dẫn truyền đau ở mức độ sừng sau tủy sống, nơi đi vào các rễ thần kinh cảm giác, làm thay đổi cung phản xạ tủy nhằm giảm đau và giảm co cứng.

ThS.BS Đỗ Trọng Phước, khoa ngoại thần kinh của bệnh viện, cho biết ngay sau phẫu thuật, cơn đau của bệnh nhân giảm 70 - 80%, gần như không còn cơn co rút ở tay, chỉ còn đau tại chỗ vết mổ.

Lần tái khám đầu tiên sau mổ một tháng, tình trạng hậu phẫu ổn, vết mổ khô, lành tốt và gần như không còn cơn co rút cánh tay, bệnh nhân cải thiện giấc ngủ đáng kể. Tinh thần người bệnh ngày càng lạc quan, ăn uống tốt và tăng được 2kg.

"Tôi cảm giác như được sống lại lần nữa", ông T. tâm sự. Hiện tại sau 3 tháng kể từ sau phẫu thuật DREZotomy, người bệnh đang được giảm dần liều thuốc giảm đau, tiếp tục tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Hơn 30% người dân TP.HCM bị đau mãn tínhHơn 30% người dân TP.HCM bị đau mãn tính

TTO - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - tổng thư ký Hội Đau TP.HCM - cho biết như vậy tại hội nghị khoa học “Các phương pháp điều trị đau can thiệp” ngày 2-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên