22/11/2018 09:41 GMT+7

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”?

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - Lý giải về việc chất thải bị đem đi san lấp mặt bằng, ông Uông Trường Giang - phó giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật môi trường Bắc Nam (viết tắt Công ty Bắc Nam) - cho rằng do... bị trộm.

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 1.

Chất thải từ Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) trở thành vật liệu san lấp mặt bằng tại TP.HCM - Ảnh cắt từ clip

Mặc dù lượng rác trên được tập kết tại khu đất do chính ông thuê trên đường Nguyễn Hữu Thọ (H.Nhà Bè, TP.HCM).

Giữa tháng 8-2018, tức là trải qua gần 9 tháng điều tra, khi đã thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh số rác thải bị đem đi san lấp mặt bằng, Tuổi Trẻ đã liên hệ với các bên liên quan. Họ đã nói gì?

>> Xem video: Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Gần 4.000 tấn chất thải biến mất

Quy trình rất chặt chẽ, nhưng...

Lãnh đạo Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam hết sức bất ngờ khi biết rác từ nhà máy được đem đi san lấp mặt bằng. Ngay sau khi nhận phản ánh của Tuổi Trẻ, công ty đã lập tức kiểm tra và tạm ngưng hợp tác với Công ty Bắc Nam để xử lý.

Vì sao có sự chênh lệch lớn về số lượng rác thải giữa đơn vị vận chuyển và đơn vị xử lý như vậy mà chủ nguồn thải lại không nắm được?

Ông Chung Cai Fu - tổng giám đốc Công ty Lee & Man - phân trần: Trước khi ký kết hợp đồng, Lee & Man đã kiểm tra và xác định Công ty Bắc Nam có đủ chức năng vận chuyển nên mới ký.

Theo ông Chung, khi nhận chất thải từ nhà máy của Lee & Man, Công ty Bắc Nam cũng như các đối tác khác phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, có phiếu cân tại Nhà máy giấy Lee & Man và phiếu cân của đơn vị tiếp nhận. 

Sau đó, có văn bản xác nhận Lee & Man mới thanh toán tiền.

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 2.

Ông Chung Cai Fu, tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam nói ông vô cùng bất ngờ với những gì nhóm PV Tuổi Trẻ cung cấp - Ảnh: PV

"Ngoài ra, chúng tôi còn có hệ thống định vị vệ tinh GPS để giám sát từng xe vận chuyển rác thải. Hằng tháng chúng tôi đều có kiểm tra, đối chiếu và còn có thêm một đội nhân viên chuyên theo dõi, giám sát và kiểm tra chéo về việc thực hiện quy định này. Về quy trình là rất chặt chẽ và đảm bảo" - ông Chung đánh giá.

Chúng tôi hỏi: "Chặt chẽ như vậy sao Công ty Bắc Nam có thể "phù phép" số lượng lớn chất thải?".

Lúc này ông Chung mới nói: "Thực tế không phải ngày nào nhân viên của công ty cũng đi theo giám sát từng xe của đối tác. Chúng tôi có hàng ngàn bản hợp đồng, vì vậy chúng tôi buộc phải tin tưởng đối tác của mình chứ không thể cử người theo dõi hằng ngày. Trong mỗi hợp đồng đều quy định việc phía nào làm sai thì bị phạt và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Cũng theo ông Chung, trong quá trình thực hiện, không loại trừ chính nhân viên của ông cũng có sai phạm dẫn tới những hệ lụy liên quan.

"Là chủ nguồn thải, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm to lớn" - ông Chung nhìn nhận. Ngay khi tiếp nhận thông tin, ông Chung đã cho kiểm tra và kết quả đúng như Tuổi Trẻ cảnh báo.

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 3.

Bên hông xe ben hạng nặng hiệu HOWO mang biển số 51C490… có logo UBND TP.HCM - Ảnh cắt từ clip

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 4.

Xe ben mang biển kiểm soát 51D-31…3 sau khi rời bãi tập kết tại H.Nhà Bè đã đến bãi đất trống H.Bình Chánh đổ rác san lấp mặt bằng - Ảnh cắt từ clip

Không bao giờ làm bậy, nhưng... xin bỏ qua!

Đề cập tới việc các đoàn xe của Công ty Bắc Nam đổ chất thải tại cảng Cái Cui (Cần Thơ) và tập kết trái phép tại H.Nhà Bè (TP.HCM) rồi dùng san lấp mặt bằng, ông Uông Trường Giang phủ nhận hoàn toàn việc này.

Ông Giang nói: "Việc các anh nói công ty dùng chất thải để san lấp mặt bằng là không có. Nếu có vấn đề đó, tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Chúng tôi trưng ra những hình ảnh cụ thể từ bãi chứa rác của công ty được chở đi san lấp mặt bằng ở H.Bình Chánh, ông Giang tiếp tục phủ nhận và cho rằng nếu vận chuyển bằng xe ben từ bãi của ông ở đường Nguyễn Hữu Thọ (H.Nhà Bè) thì có ba loại hàng.

Thứ nhất, ông mua đất từ Đồng Nai về và có hóa đơn chứng từ cung cấp cho các đơn vị trồng rau sạch.

Thứ hai, ông mua xà bần về để nâng bãi cho bằng lề đường, sau đó kinh phí quá lớn không đủ tiền nên phải thuê người chở đi.

Thứ ba, ông mua bột thạch cao ở Khu công nghiệp Hiệp Phước và số này ông đã chở ngược lại nhà máy ở Khu công nghiệp Hiệp Phước. 

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 5.

Ông Uông Trường Giang, phó giám đốc Công ty Bắc Nam, cho rằng mình chỉ sai phạm về việc lưu chứa trái phép tại Nhà Bè, không đưa chất thải đi san lấp mặt bằng - Ảnh: PV

Ông Giang kiên quyết: "Phóng viên ghi chép hình ảnh, cho rằng xe chở rác ra thì hoàn toàn sai, không có chuyện đó". Nhưng khi chúng tôi trưng những bằng chứng về máy xúc múc rác từ bãi chứa của ông Giang đưa lên xe ben chở đi san lấp, ông Giang lại quay sang đổ thừa cho "lính".

"Nếu như "lính" của tôi cũng như bên đơn vị chở đất mà họ trộm cái đấy đi (rác thải - PV), tôi sẽ xử lý việc này nghiêm. Tôi sẽ là người báo công an để ra bãi đó kiểm tra luôn. Nếu có chuyện đó, phạt đơn vị đấy và cứ lôi "lính" của tôi ra xử" - ông Giang nói.

Tuy vậy, ông Giang vẫn phân trần: "Tôi chỉ sai ở việc lưu chứa chất thải tại bãi chứa chứ tuyệt đối không có chuyện lấy chất thải đi san lấp mặt bằng".

Nhưng khi chúng tôi thẳng thắn đề nghị, nếu ông cho rằng không có gì, chúng tôi có thể cùng ông thuê đơn vị thứ ba đào các điểm san lấp mà chúng tôi đã ghi nhận được thì ông Giang dịu giọng: "Tôi nói tôi xin. Chúng ta không phải làm điều vô nghĩa ấy nữa. Tôi đã nói từ đầu là tôi có sai chứ không phải không sai. Tôi đã nói từ xin, sai thì mới xin".

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 6.

Họng xả rác liên tục đùn ra đủ thứ rác hỗn hợp - Ảnh cắt từ clip

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 7.

Chiếc xe tải đổ rác thải ở bãi đất trống xã Phong Phú, H. Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh cắt từ clip

Sẽ "khai quật" để điều tra

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ, Công ty Bắc Nam đã từng bị phạt với hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ môi trường.

Năm 2015, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đã mật phục bắt quả tang công ty này đổ chất thải không đúng quy định tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè. Sau đó UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng.

Một cán bộ PC49 cho biết thông qua bài báo Tuổi Trẻ và thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, PC49 sẽ tổ chức kiểm tra các vị trí mà đơn vị này bị phản ánh. PC49 sẽ tiến hành "khai quật" các điểm chôn lấp, quá trình kiểm tra xét thấy đủ yếu tố hình sự sẽ xử lý hình sự.

Trong khi đó, một cán bộ H.Nhà Bè cho biết bãi rác lộ thiên ven đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Long Thới, H.Nhà Bè không phải là địa điểm tập kết, lưu chứa chất thải và không được Công ty Bắc Nam làm thủ tục đăng ký với địa phương theo quy định.

Khoảng tháng 5-2018, thông qua phản ảnh của người dân, Phòng tài nguyên - môi trường H.Nhà Bè đã kiểm tra phát hiện khối lượng lớn chất thải được lưu chứa tại đây nên đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu Công ty Bắc Nam phải di dời hết khối lượng chất thải ở đây đưa đi xử lý.

"Qua thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chúng tôi tiếp tục tổ chức kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định" - một cán bộ H.Nhà Bè cho biết.

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 8.

Rác từ bãi tập kết huyện Nhà Bè được chở bằng xe ben đi san lấp mặt bằng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh cắt từ clip

Điều tra Đem chất thải… san lấp mặt bằng: Cố tình hay “bị trộm”? - Ảnh 9.

Xe ben hạng nặng hiệu HOWO mang biển số 51C490… do tài xế tên C. điều khiển đang nâng thùng đổ hàng chục tấn tro xỉ tại cảng Cái Cui, TP Cần Thơ - Ảnh cắt từ clip

Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo UBND xã Phong Phú

Ông Nguyễn Văn Hồng - phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh - cho biết liên quan đến việc Công ty Bắc Nam đưa chất thải về khu vực ấp 2, xã Phong Phú để san lấp mặt bằng, đơn vị đã kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo UBND xã Phong Phú.

Theo ông Hồng, địa điểm được san lấp mặt bằng do một cá nhân có đăng ký với địa phương dùng đất đen để san lấp mặt bằng. "Mặc dù việc này có đăng ký với địa phương nhưng địa phương lại buông lỏng quản lý, không kiểm tra để xảy ra việc dùng chất thải san lấp mặt bằng" - ông Hồng nói.

Hiện địa phương này đang họp khẩn với các đơn vị liên quan để lấy mẫu xác định chất thải gì, mức độ ô nhiễm và tác động ra sao. Quá trình kiểm tra phát hiện sai sót tới đâu xử lý nghiêm tới đó, đồng thời báo cáo vụ việc cho UBND, Thành ủy TP.HCM.

QUANG KHẢI

Giải thích lý do vận chuyển chất thải về bãi chứa trái phép, ông Uông Trường Giang nói do Công ty Kbec Vina chỉ làm giờ hành chính và nghỉ cuối tuần trong khi Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động 24/24 giờ, nên ông phải chở về bãi chứa tạm, sau đó có chuyển lại cho nhà máy xử lý.

Liên quan việc phải có xác nhận của đơn vị xử lý thì Công ty Lee & Man mới thanh toán tiền, vì sao Công ty Bắc Nam vẫn nhận được tiền vận chuyển, xử lý rác dù thực tế không có xác nhận đủ, ông Giang nói: "Công ty Lee & Man rất tử tế, họ cho tôi nợ chứng từ, thậm chí còn ứng trước tiền để trả cho đơn vị xử lý chất thải khi tôi gặp khó khăn về tài chính".


NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên