10/01/2011 06:47 GMT+7

Điều tiết đám đông để bảo đảm an ninh lễ hội

LÝ SƠN
LÝ SƠN

TT - Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, những lễ hội với hàng chục, hàng trăm nghìn người sẽ diễn ra từ Nam chí Bắc suốt thời điểm từ cuối tháng chạp đến hết tháng giêng. Lo cho các lễ hội đó diễn ra an toàn và an ninh từ bây giờ không phải quá sớm.

jfniGtpA.jpgPhóng to

Khu vực đường Salisbury bình thường xe hơi tấp nập nhưng trong đêm Giáng sinh được cảnh sát Hong Kong chia làm hai. Một bên là đường một chiều cho người đi bộ, một bên là đường thoát hiểm - Ảnh: L.S.

Không nói đâu xa, đêm 31-12-2010 tại trung tâm TP.HCM, hàng vạn người đã tập trung ở khu vực đại lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi để đón năm mới 2011. Đêm giao thừa thật sống động với lễ hội đếm ngược thời gian chào năm mới, bốn mặt sân khấu kín rợp người dân. Cả biển người cùng nhảy múa và reo hò. Nhưng trong không khí hân hoan đó, niềm vui trở nên không trọn vẹn với nhiều người khi hàng chục điện thoại, bóp, ví đã bị kẻ xấu lợi dụng móc túi. Có không ít người phải “ân hận vì đến khu trung tâm” do bị kẹt cứng trong biển người đó. Họ phải chen lấn, xô đẩy để tìm chỗ “thở”.

Một người bạn tôi còn chưa hoàn hồn vì tình cảnh đêm đó. Bạn tôi băng từ khách sạn Palace sang tòa nhà Sunwah mất hơn một giờ. Người xuôi kẻ ngược, cảnh bán hàng rong, nhậu nhẹt ngay khu vực diễn ra lễ hội rất mất trật tự khiến đám đông trở nên chật chội, hỗn độn đến kinh hoàng. “Nói rủi, nếu có chuyện gì không biết đám đông đó sẽ phản ứng ra sao? Tấn bi kịch vụ giẫm đạp hỗn độn từ Campuchia còn đó” - bạn tôi lo âu.

Từng có dịp hòa vào biển người ở Hong Kong trong đêm Giáng sinh, tôi thấy cảnh sát Hong Kong đã làm rất tốt việc điều tiết đám đông tại những tụ điểm công cộng, đảm bảo tốt an ninh trật tự. Ngay từ chiều, những tuyến đường dành cho đi bộ đêm Giáng sinh đã được triển khai công tác chặn đường theo tuyến đường một chiều. Các tấm bảng treo biển đường một chiều được dựng lên nhằm tránh trường hợp dòng người ngược xuôi bị ùn ứ.

Những người đi bộ chỉ có quyền đi theo một hướng. Khi thấy một địa điểm trở nên quá đông, cảnh sát lập tức chặn lại để tránh thêm lượng người đổ về con đường đó. Với những đường lớn, họ chia đường làm hai, một bên để người đi bộ đi một chiều, một bên để trống dùng cho thoát hiểm khi có tình huống khẩn cấp.

Trong quá trình điều chỉnh, các loa phát thanh luôn thông báo chi tiết khu vực nào đã quá đông người, không nên di chuyển vào thêm và không quên cảm ơn sự hợp tác của người dân. Người dân và khách du lịch tuy cảm thấy bất tiện vì phải đi vòng vèo để đến được địa điểm mình muốn nhưng vẫn hài lòng về vấn đề an ninh và sẵn sàng hợp tác. Chính sự trật tự và với lực lượng cảnh sát khá đông đảo, nên dù lượng người đổ ra rất đông nhưng không hề có cảnh chen lấn hay mất trộm.

Từ chuyện Hong Kong, tôi nghĩ TP.HCM hay Hà Nội hoàn toàn có thể điều tiết đám đông tốt hơn. Như tại tuyến đi bộ đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi... có thể sắp xếp để người đi bộ đi một chiều thành hình tròn, hay khi thấy quá nhiều người cảnh sát có thể chặn không cho người vào thêm để giảm sự tập trung của đám đông...

LÝ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên