12/10/2013 07:55 GMT+7

Điều kỳ diệu từ Thung lũng hoang vắng

KIỀU LINH
KIỀU LINH

TT - Thung lũng hoang vắng là tên một bộ phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. 11 năm sau khi bộ phim được trình chiếu, cậu bé Thào A Dê mới có dịp xem lại vai diễn của mình. Chỉ là vai diễn phụ nhưng từ đó cuộc sống của cậu bé - năm đó 8 tuổi - thay đổi về sau.

FJaM9vtw.jpgPhóng to
Trong lớp, trong phòng trọ có ai bệnh thì Thào A Dê đi tìm cây thuốc về cho bạn uống - Ảnh: Đức Hiếu

Thào A Dê nay 21 tuổi, là sinh viên năm thứ ba khoa quản lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là bí thư chi đoàn lớp.

Lời dặn của chú Vân

"Em mong muốn học xong ra trường để được về quê, đi làm xây dựng quê hương. Cuộc đời bố mẹ em cả đời chỉ ăn cơm với muối trắng khổ lắm rồi, phải thay đổi thôi "

Thào A Dê

Dê sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, tính cả bố mẹ tất thảy là 15 người. Ruộng nương ít cấy lúa không đủ ăn, những ngày hết gạo cả nhà phải lên rừng đào rễ cây lay lắt qua ngày. Bố Dê - ông Thào A Dủa - nghiện rượu, mỗi lần say xỉn lại đánh đập mẹ con và đuổi ra khỏi nhà. Tuổi thơ của cậu bé là những tháng ngày khó khăn, cực nhọc. Dê thường sống một mình trên rừng để làm rẫy, chỉ đến khi hết lương thực mang theo mới trở về nhà.

Năm 2001, khi đó Dê 8 tuổi, đoàn làm phim Thung lũng hoang vắng chọn xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm bối cảnh quay. Thào A Dê được đoàn làm phim kêu đóng vai phụ là học sinh với thù lao 70.000 đồng/tháng.

Những ngày tham gia làm phim, Dê mừng lắm vì “ngày nào em cũng được đến trường học. Em thích nhất là khi được thầy hiệu trưởng Tành bế lên vai chạy xung quanh trường”. Một tháng sau, khi phim còn dang dở thì gia đình bắt Dê phải bỏ đóng phim để lên núi làm nương. Xa trường, xa bạn, cậu bé người Mông khóc ròng rã một tuần liền. Ngày đoàn làm phim liên hoan chia tay xã, Dê được mời đến tham dự. “Biết mọi người sắp rời bản em buồn lắm, lúc đó chú Vân (phó đạo diễn phim - pv) bế em lên và xoa đầu bảo phải cố gắng học thật giỏi sau này biết nhiều chữ về xây dựng bản làng”.

Học hết cấp II, cả nhà bắt Dê phải nghỉ học vì “chị dâu bảo đi học như con dao hai lưỡi, mày giỏi rồi về nhà chiếm hết ruộng đất của bọn tao”. Nhưng nhớ lời dặn của chú Vân, Dê quyết tâm thi đỗ cấp III. Ngày giấy báo đỗ gửi về xã, có người giấu không cho Dê biết. “Ở xã em mọi người không thích em đi học”. Dê bỏ nhà lên trường nội trú trên tỉnh. Suốt ba năm học ở trường THPT, Dê liên tục bị bố mẹ và anh chị giục về nhà lấy vợ! Khi thi tốt nghiệp xong, bạn cùng phòng lấy trộm hết sách vở mang đi bán lấy tiền uống rượu.

Ngày chuẩn bị thi đại học Dê không có tiền làm lộ phí. May có hai người bạn thân vượt hơn 100km đến tận nhà tặng vé tàu đi Hà Nội và xin bố mẹ cho Dê được đi thi đại học. Với lộ phí 1 triệu đồng bố Dê đi vay dưới thị trấn Bát Xát, Dê đi Hà Nội ứng thí.

Dù ăn xin vẫn phải đi học

Năm đó Dê trúng tuyển vào khoa quản lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm 16. Dê là người đầu tiên cũng là duy nhất của xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học.

Ngày Dê nhập học, ông Dủa cuốc bộ xuống thị trấn cách nhà 25km để vay 6 triệu đồng với lãi suất 50%. Trớ trêu thay, khi tàu về đến ga Hà Nội thì Dê bị móc túi mất sạch. Dê gần như sụp đổ hoàn toàn. “Khi đó em phải xin 4.000 đồng để đi xe buýt đến trường. Em gọi cho một bạn cùng lớp thì bạn khuyên về quê, không đi học nữa. Nhưng em nghĩ mình đã đỗ được rồi thì phải cố đi học bằng mọi giá, dù có phải đi ăn xin em vẫn đi” - Dê bùi ngùi nhắc lại.

Dê đến trường trình bày hoàn cảnh. Cô Vân Anh (giáo vụ khoa) và cô Nguyễn Thị Hòa (phòng quản lý HSSV) ứng cho Dê vay 2 triệu đồng để nhập học. Từ đó Dê đi làm thuê đủ thứ công việc như bảo vệ, bưng bê, rửa bát... để kiếm sống. Dê nói: “Có tháng em chỉ ăn mì tôm, mỗi ngày một gói. Hôm nào hết tiền, em vay tiền bạn mua su su về luộc chấm muối, khi nào có lương lại trả”. Kết thúc năm học đầu tiên, Dê theo xe tải lên cửa khẩu bốc vác thuê để lấy tiền trả nợ. Hiện số tiền bố Dê vay 6 triệu đồng vẫn chưa trả hết vì lãi cứ đẻ ra hoài..

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng cậu bí thư người Mông của lớp luôn đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài ra Dê rất giỏi thể thao. Năm học vừa qua Dê đoạt HCĐ môn chạy ở trường, HCV môn đẩy gậy. Năm 2012 Dê là một trong những sinh viên xuất sắc được Thành đoàn Hà Nội trao tặng bằng khen sinh viên nghèo vượt khó. Đặc biệt, Dê còn biết bốc thuốc, châm cứu chữa bệnh. Mỗi khi các bạn cùng phòng ốm đau Dê lại đi xung quanh Hà Nội tìm những cây lá thuốc về chữa.

Những ngày này, Dê nghỉ làm thêm để đi tập luyện cho giải thể thao toàn quốc dành cho sinh viên khối sư phạm. Dê kể những lúc khó khăn, Dê lại tìm xem bộ phim, nhớ về bản, nhớ lời chú Vân dạy để cố gắng vượt qua.

Cô giáo khâm phục

Cô Hà Thị Thu Trang - giáo viên chủ nhiệm lớp Thào A Dê - cho biết: “Thào A Dê là học sinh dân tộc Mông có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp, nhà đông anh chị em, anh trai lại bệnh nặng nhưng Dê luôn cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra Dê rất ham học, tôi tin tưởng Dê sau này sẽ thành đạt và thực hiện được ước mơ của mình”.

KIỀU LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên