23/02/2018 21:36 GMT+7

Điệu hò giục giã sóng khơi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Mùng 3 tết, cửa biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) chật kín người. Ngày hội mở biển bắt đầu khi tiếng trống hội giục liên hồi.

Điệu hò giục giã sóng khơi - Ảnh 1.

Dứt điệu hò bả trạo giục giã, tàu cá rùng rùng tiến ra biển lớn và hai bên bờ rất nhiều người đứng chào tạm biệt - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi viết điệu hò bả trạo lần đầu tiên khi 21 tuổi. Lúc đó là ước mong mẹ biển yêu thương đàn con Việt, thuận gió xuôi sóng để tất cả đánh bắt bình yên. Điệu hò tôi viết được chọn để tế trời đất vào ngày mở biển, rồi tôi được giao nhiệm vụ viết mãi đến tận bây giờ

Tổng lái NGUYỄN THUẬN

"Thuyền mới thuyền cũ - Chiếc nhỏ chiếc to - Ngư dân còn lo - Đóng tàu hiện đại - Chạy ra Đông Hải - Vượt Thái Bình Dương - Thích nghi môi trường - Bốn mùa đánh bắt - Muốn không trục trặc - Gắn thủy động cơ - Đánh bắt xa bờ - Hai, ba, bốn tháng...".

Tổng lái Nguyễn Thuận - nay đã 72 tuổi - bước ra giữa sân đình cất lên điệu hò bả trạo, giục giã cả ngàn chiếc tàu cá ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ ồ ạt tiến ra biển lớn, khởi đầu một năm đánh bắt mới.

Điệu hò nửa thế kỷ

Giọng hò ấy đã gắn bó với các ngư phủ nơi đây hơn nửa thế kỷ qua. Đó vừa là lời thôi thúc, vừa như lời thề giữ vững bờ cõi của ngư dân trên biển.

"Bả trạo ơi, bả trạo ơi..." - ông Thuận cất tiếng, đáp lại là hàng nghìn tiếng hò reo. Phía ngoài vũng neo đậu tàu thuyền, ngư dân nghe hiệu lệnh nổ máy rền vang. 

Bản giao hưởng tiếng động cơ tàu rền vang sông nước lẫn câu hò của ông Thuận: "Tàu ta quần thảo - Khắp biển mênh mông - Dù ở Biển Đông - Tàu thuyền tấp nập - Móng Cái, Hạ Long - Vũng Tàu, Phước Tỉnh - Bãi kéo xây trước - Nhà máy đóng tàu - Phải xây dựng mau - Chớ nên chậm chạp - Chuẩn bị uyển chuyển - Nắm bắt thời cơ - Ngư dân tiến vào - Thời kỳ công nghiệp - Để mau theo kịp - Nước bạn đồng hành - Vào khối Asean - EU tiếp bước - Thời cơ đứng trước - Mở cửa chờ ta...".

Tổng lái Nguyễn Thuận từng là ngư dân nổi tiếng làng chài Sa Huỳnh, được những ngư dân cả đời vùng vẫy ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa tín nhiệm bầu làm tổng lái, chỉ huy tinh thần ngư dân đất này hơn nửa thế kỷ qua. 

16 tuổi ông đã đứng giữa Hoàng Sa, 20 tuổi chỉ huy một đôi tàu đánh bắt dài ngày trên biển.

Ông nhớ lại thời đó, dù đôi tàu của ông công suất chỉ vài chục mã lực nhưng đã là lớn nhất làng chài. Biển Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan... ông đều để lại bóng dáng của mình với những khoang thuyền đầy cá. 

"Đời tôi đã đặt chân đến nhiều vùng biển, cảng biển" - ông Thuận tự hào.

Không chữ nghĩa nhiều nhưng bản lĩnh biển khơi và hành trình ngang dọc khắp các vùng biển của Việt Nam đã giúp ông có được những điệu hò giục giã nhất. 

Ông tâm sự: "Tôi viết điệu hò bả trạo lần đầu tiên khi 21 tuổi. Lúc đó là ước mong mẹ biển yêu thương đàn con Việt, thuận gió xuôi sóng để tất cả đánh bắt bình yên. Điệu hò tôi viết được chọn để tế trời đất vào ngày mở biển, rồi tôi được giao nhiệm vụ viết mãi đến tận bây giờ".

Thời gian trôi nhanh. Thế hệ của tổng lái Thuận giã từ biển khơi, nhường lại cho những thế hệ mới. 

Với ông Thuận, thế hệ ngư dân bây giờ giỏi hơn thời ông rất nhiều. Chưa khi nào dân xứ này thôi khao khát chinh phục, giữ vững và khai thác vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chính vì lẽ đó mà trong điệu hò ông viết suốt mấy chục năm qua luôn hừng hực khí thế. 

"Dĩ nhiên thời đại thay đổi, ước vọng ngư dân thay đổi thì điệu hò cũng thay đổi theo. Như hiện nay, chúng tôi mong ước sản phẩm mình làm ra sẽ trở thành mũi nhọn cho nền kinh tế. Đủ chất lượng để xuất sang các nước Âu châu" - tổng lái Thuận nói.

Nhưng dù lời câu hò có thay đổi thế nào thì có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tuyên thệ chủ quyền lãnh hải: "Trời biển của ta - Mét nước mét nhà - Bao nhiêu xương máu - Không thể nào quên - Tàu lớn, thuyền nhỏ - Cờ đỏ sao vàng - Tung bay ngập tràn - Giữa ngàn sóng nước - Phải giữ chủ quyền - Vận mệnh thiêng liêng - Nước nhà giao phó - Dù có nguy khó - Cũng không từ nan...".

Điệu hò giục giã sóng khơi - Ảnh 3.

Tổng lái Nguyễn Thuận hò bả trạo cùng đội diễn xướng hò kéo lưới cầu mùa biển bội thu, lãnh hải được giữ vững - Ảnh: TRẦN MAI

Thẳng tiến biển khơi

Khi các chàng trai, cô gái làng chài trong lễ phục rực rỡ sắc màu diễn xướng hò kéo lưới là lúc điệu hò dừng lại, nhường cho trai tráng kéo đoàn tàu tiến ra biển. Trong tiếng trống hội dồn dập liên hồi, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Ngư dân Nguyễn Thanh Sang, nay 29 tuổi, đã làm thuyền trưởng được sáu năm. Anh bảo rất thích lễ hội cầu ngư đầu năm. 

Đó là thời gian duy nhất trong năm đội tàu cả nghìn chiếc ở nơi này có dịp hội tụ đông đủ, chia sẻ những kinh nghiệm "siêu âm" lòng biển truy tìm luồng cá, cách dẫn dụ đàn cá. Rồi kể chuyện ghé vào cảng biển bán hải sản, chuyện giá cả, chuyện rời bến lênh đênh theo từng con sóng. 

"Cả năm bám biển có mệt mỏi thế nào đi nữa thì chỉ cần nghe điệu hò của tổng Thuận là anh em lại rộn ràng nhớ biển. Với chúng tôi, biển cả là nhà, là nơi mở ra nguồn sống" - Sang chia sẻ.

Ngay sau lễ hội cầu ngư, trai tráng tạm biệt người thân ra biển. Phía trên bờ, hàng nghìn người dân đứng chật kín hai bên con lạch kéo dài tận cửa biển vẫy chào. Những đứa trẻ đứng bên mẹ dõi theo đoàn tàu hét inh ỏi: "Ba kìa mẹ, ba kìa, ba cố lên!...".

Những hình dáng con tàu xa tít bé dần trên đại dương bao la. Hò trưởng Lê Thành Công (58 tuổi), người phụ giúp tổng lái Nguyễn Thuận, vào lăng ông Nam Hải thắp nén hương, kính cẩn cúi đầu khấn niệm cho những chiếc tàu của ngư dân một năm đại thắng. 

Ông Công thắp nén hương rồi hò: "Sinh ra thấy biển - Sống chết không lùi - Ngư dân đoàn kết - Một năm biển vui - Thêm những con tàu - Ngược xuôi giữ biển - Con rồng cháu tiên - Lấy biển làm nhà...".

45.000 tấn hải sản

Năm nào ông Trần Em, chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cũng có mặt tại lễ hội cầu ngư.

Vốn là người con vùng đất này, ông Em tự hào rằng: Có lẽ chẳng ở đâu như Việt Nam mà một xã lại có hơn 1.000 tàu cá. Trong đó có hơn 600 chiếc tàu công suất 500CV trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ vài tháng mới cập bến một lần.

"Chúng tôi luôn xác định chỉ có hướng về phía biển mới giàu mạnh được" - ông nói.

Ông Trần Em cho biết: năm 2017, sản lượng đánh bắt của xã Phổ Thạnh đạt 45.000 tấn, tăng 3.000 tấn so với chỉ tiêu được giao.

Ông tâm tình: "Tôi mong sẽ được nghe lại điệu hò bả trạo của bác Thuận trong năm tới với sự phấn khởi như năm nay. Cuộc sống của ngư dân thêm sung túc, đủ đầy".

Mong người nối tiếp điệu hò

Tổng lái Nguyễn Thuận bảo điệu hò bả trạo là lời tổng kết một năm đánh bắt và mở hội biển mới, rất quan trọng với ngư dân.

Ông Thuận biết mình rồi cũng giã biệt làng chài này để về cùng mây trắng biển xanh, ông lo điệu hò sẽ không còn giục giã như mấy chục năm qua ông đã biên soạn.

"Bả trạo không phải đơn giản. Nó phải là tinh thần, là khí thế. Phải nắm bắt được thời cuộc, đủ tình yêu với biển mới có thể truyền tải hết nỗi lòng ngư dân vào một điệu hò ngắn ngủi. Tôi mong sẽ có ai đó thay tôi viết nên những điệu hò khí phách" - ông Thuận trải lòng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên