Phóng to |
Đường sắt cắt ngang giao lộ Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM thường xuyên gây ùn tắc giao thông - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
* KTS Khương Văn Mười (Hội Kiến trúc sư TP.HCM):
Trong điều kiện của TP.HCM hiện tại, phương án để nguyên ga xe lửa tại chỗ cũ như hiện nay là khả thi và có nhiều ưu điểm hơn tất cả phương án khác. Để giảm ùn tắc giao thông tại các đường ngang xe lửa, Nhà nước cần tăng cường lực lượng điều tiết giao thông để hướng dẫn người dân đi đúng đường, dừng đúng chỗ để không gây kẹt xe kéo dài sau khi xe lửa chạy qua. Tại các điểm giao cắt đường xe lửa và đường bộ, cơ quan chức năng nên lắp đặt dải phân cách giữa đường để người dân không lấn trái, cản đường đi của dòng xe ngược lại. Chính quyền địa phương cần tổ chức thêm những đường tránh, đường vòng để xe máy có thể qua đường ray ở những điểm giao cắt khác, tránh dồn ứ một lượng xe lớn vào một chỗ.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt cần nghiên cứu điều chỉnh giờ tàu chạy để tránh đi vào nội thành những giờ cao điểm. Có thể sử dụng ga Bình Triệu như một trạm dừng phụ, nếu tàu về đúng giờ cao điểm có nguy cơ gây kẹt xe khi đi qua hàng loạt đường ngang vào ga Hòa Hưng thì có thể tạm dừng tại ga Bình Triệu để trả khách.
* Ông Nguyễn Văn Doanh (phó cục trưởng Cục Đường sắt VN - Bộ GTVT):
Sử dụng ga ngoại thành cho tàu đi tỉnh
Ở nhiều quốc gia trên thế giới không ai hủy bỏ cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đã được xây dựng trong đô thị để sau đó xây dựng công trình mới ở ngoại thành. Bởi vì cơ sở hạ tầng giao thông công cộng được đặt ở trung tâm thành phố càng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh với các phương tiện giao thông công cộng. Như vậy, ga Sài Gòn cần được duy trì để phục vụ người dân đi lại thuận lợi nhất. Vấn đề ở đây là lỗ hổng trong đầu tư cơ sở hạ tầng là do không có vốn để kịp thời đầu tư xây dựng giải quyết các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ của đường xe lửa về ga Sài Gòn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt VN tiếp cận nguồn vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ ga Trảng Bom (Đồng Nai) về ga Sài Gòn TP.HCM. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao Tổng công ty Đường sắt VN sớm hoàn thành báo cáo đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trên cao này. Chúng tôi hi vọng công trình này sớm được triển khai trong tương lai.
Về các ý kiến cho rằng nên chuyển hoạt động của đường sắt từ ga Sài Gòn về ga Bình Triệu, tôi cho rằng điều này khó thực hiện. Bởi vì việc dời đoàn tàu Bắc - Nam về đến ga Bình Triệu sẽ phát sinh nhiều bất lợi so với ga Sài Gòn do ga Bình Triệu không đủ điều kiện phục vụ hành khách như ga Sài Gòn và người dân đi và đến ga ngày càng tạo thêm áp lực giao thông trên các tuyến đường ra vào TP.HCM. Trước tình hình ùn ứ giao thông trên tuyến đường sắt ở Hà Nội, ngành đường sắt đã điều chỉnh các đoàn tàu địa phương đi một số tỉnh về các ga ở ngoại thành. Tuy nhiên với tuyến đường sắt quốc gia vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động về đến ga Hà Nội hoặc ga Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận